Bạn ơi hát kết
16:18', 3/9/ 2004 (GMT+7)

Ngoài bộ môn sân khấu dân gian kịch hát bài chòi, Bình Định còn nhiều làn điệu dân ca, trong đó nổi tiếng là hát kết.

Hát kết đã có những bạn định nghĩa rằng ngày xưa do trai gái làng hò hẹn tìm hiểu kết duyên nhau mà sinh ra nó. Cũng đúng! Nhưng mới chỉ phần hoa quả, vì hát kết Bình Định không mang dấu ấn hội hè với nam thanh nữ tú mà cái gốc của nó vẫn như nhiều làn điệu dân ca Việt Nam, là từ trong đời sống lao động sản xuất của nhân dân mà ra. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến sinh hoạt hát kết của những người dân nghề thủ công truyền thống kết xơ dừa ở Bình Định:

Bậu ơi là bậu hai nơi

Ngọn gió nào đưa đẩy bậu ghé chơi làng dừa

Làng dừa che nắng đỡ mưa

Ngồi lại đây nước đón cơm đưa hãy về

Xin được đi từng nhịp để đưa bạn tìm hiểu tới chỗ kết duyên trong hát kết.

Như ai cũng biết Bình Định xưa nay là xứ sở của dừa. Một giống cây ngoài thu nhập chính là quả, còn thì từ gốc đến ngọn không một mảnh nào mà người dân ở đây loại ra ngoài cuộc sống hàng ngày…

Giờ thì ta thử cùng làm đầu bếp sửa soạn bữa "cơm nước" dừa cho cuộc liên hoan nhẹ nhàng thơ mộng nói trên. Sau việc đầu tiên lóc xong vỏ của quả dừa, ta thấy ngay lớp sọ rắn mỏng bao bọc cơm và nước. Sọ dừa cưa đôi có thể làm cái đựng thay chén bát hoặc gáo múc nước, còn nếu dùng đun bếp thì đỏ và lâu tàn như than đá, và nữa:

Răng con đã ố lại thưa

Mau mau đốt miếng sọ dừa mà bôi

Bôi rồi con lấy gương soi

Hột huyền óng ánh ra người có duyên

Trước hết mời bạn nước dừa… Đây là món giải khát vệ sinh tuyệt đối, đã mát ngọt lại thêm chút cay cay, nhất là dừa lửa (quả đỏ), tiếp tới món cơm dừa, không những thú vị khi ăn tươi chơi với nhau, mà nguồn lợi sống còn với số lượng lớn nấu dầu, vì trong cơm dừa sẵn kết tinh một chất mỡ trắng béo có lẫn vị ngọt và mùi thơm khác thường.

Củ mì ăn với dừa già

Mẹ kêu mặc mẹ chồng la mặc chồng

Tuy thế phần vỏ mới là cái gốc nảy sinh điệu hát kết. Nhịp điệu của nó hình thành tuần tự như sau:

Vỏ trái dừa chất đầy xơ như cước chìm trong lớp cám bám chặt. Xơ dừa rất chắc dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm như: dây neo thuyền, võng nằm hoặc tấm thảm xoa chân trước cửa nhà v.v… Nhưng vì độ ngắn của quả dừa nên xơ của nó phải được xe săn bằng chiếc đũa ăn cơm để kết thành dây dài, và quấn tròn nhiều lớp theo đường kính tuyến quả cầu gọi là "lọn xơ". Khi lọn xơ bằng quả bí đỏ khoảng 3-4 ký thì giấu mối, cứ thế lăn vào xếp lên một góc sân chờ lái buôn.

Muốn kết thúc mặt hàng nguyên liệu này, công việc đầu tiên chuẩn bị là vỏ dừa phơi khô, ngâm nước đến độ thấm để rã, lấy lên dùng dùi đục đập nát ra 2 phần cám và xơ cùng phơi khô. Cám thay mùn cưa đun bếp, còn xơ gom lại chuẩn bị cho công việc chính kết dây. Việc này thường có hai khâu cùng làm: khâu tiếp xơ và kết xơ.

Như đã nói trên, xơ quả dừa ngắn nên người xe kết rất nhanh, kể cả tự quấn lọn ghì dưới đầu gối chân. Vì vậy, khâu thứ nhất phải có người lượng xé vừa con xơ có tốc độ đồng bộ tiếp cho người xơ kết. Khâu này không phân biệt nam nữ, có thể 2-3 người tùy theo khả năng của người xe kết. Việc làm nghề này thường tranh thủ vào những đêm trăng mùa hè với những phụ nữ đứng tuổi và trai gái làng tụ họp đông vui cùng làm cùng hát. Kẻ tiếp xơ, người xe kết là cái gốc phát xuất điệu dân ca mang tên hát kết. Ý nghĩa trước hết là kết bạn trong kết hợp việc làm, sau đó mới tới kết duyên. Từ bạn tới "bạn duyên" là quá trình do công việc gợi lên những hình tượng yêu đương như: xơ dừa được ví như tơ, xe kết dây dừa như xe tơ kết tóc, dây dừa luôn có màu đỏ non biểu tượng cho dây tơ hồng, và lọn xơ là kết quả của bao lần chắp mối "tơ duyên" dẫn đến sự vẹn tròn hạnh phúc. Còn chỗ ngồi, lại cũng có vẻ như tạo hóa xếp đặt địa điểm hẹn hò. Trai gái làng ngồi hai bên lần tách từng con xơ trong mảnh vỏ, tay tiếp tay như thoi đưa đều nhịp. Người phụ nữ đứng tuổi ngồi giữa xe kết được tôn như Bà Nguyệt có bổn phận gợi chuyện…, hòa giải xây cầu "Ô Thước", hoặc tiên đoán tương lai của đôi trẻ và phán xét qua giao lưu câu hát.

Hát kết còn được gọi "hát hò". Một người xướng nhiều người hò và hò phải đều vang là rất cần cho mỗi buổi làm, đồng thời cái nổi bật của hát kết là thoắt chớp ứng khẩu nên dễ bộc lộ cái ưu cái nhược trong nhân cách, tình cảm và lẽ sống của nhau trên bước đường tìm hiểu vầy duyên kết ngãi.

Thường nam giới nhập đám với vài câu hát chào:

Trước tôi chào ông bà cô bác

Sau tôi chào bằng hữu hai bên

Đêm nay gió mát trăng thanh

Hát lên cho tỏ ý anh lòng nàng

Tất cả: Hế hò hê…

Vào cuộc:

Hỡi cô tóc xõa áo vàng

Quay mặt ra coi thử có họ hàng gì không?

Tất cả: Hế… hò là hê hế hê

Hay em là gái có chồng

Thì nói ngay cho anh biết khỏi ngắm bông níu cành

Hò là hê hế hê

Nữ: Thân em như trái còn xanh

Nhưng đậu ngoài cành vì phận mồ côi

Nam: Hế hò hê …

Hai ta như đũa có đôi

Gắp miếng nào chắc miếng ấy em ơi chớ buồn

Hò là hê … hế hê

Có anh chàng hấp tấp:

Thấy em ý đẹp tình ưa

Đôi ta phải được như dây dừa xe săn

Hò là hê hế hê

Nữ: Dây dừa săn nhờ phăn nhờ kết

Áo có đo mới biết chật vừa

Chưa chi ý đẹp tình ưa

Đừng mong như sợi dây dừa xe săn

Hế hò hê hế hê

Một nam khác:

… Hế hò hê …

Bên anh xơ tiếp hết rồi

Bên em còn ngồi anh không nỡ về đâu

Nữ: Hế hò hê …

Ai người nghĩa nặng tình sâu

Thì qua đây giúp bạn chớ hơi đâu đứng chờ.

Nam: Đó cho chung một mối tơ

Có mấy sông đây cũng lội, mấy hồ đây cũng qua

Hế hò hê…

Nhưng rồi như buồng dừa nào mà không có trái "coọc" (đẹt khô). Trong đám trai làng không khỏi xen một vài anh thô thiển:

Ú hù ú hu (Hò nghịch ngợm chọc quê)

Nhớ em nhớ đến ngậm ngùi

Gởi em một khúc củ mì lùi em ăn

(cười chọc tức) À hà ha… chết chưa?

Nữ: Anh về thưa với mẹ rằng

Bụng em nhượng cả nhà anh ăn hết phần

Hò là hê hế hê…

Bà Nguyệt ngồi giữa dừng tay:

Hế hò hê

Nồi niêu mà táng lộn nhau

Trước đà sứt mẻ ắt về sau khó lành

Hế hò hê ế hê

Cá biệt cũng có chàng trai cô gái mâu thuẫn nhau qua hát kết, nhưng về sau lại đẹp tình chồng vợ. Đó là ông Năm Trong và bà Năm Chén ở làng Trung Lương, huyện Hoài Nhơn. Họ cũng như bao chàng trai cô gái làng quê Bình Định xưa kia nảy nở tình yêu trong quá trình làm nghề thủ công kết xơ dừa, lấy nhau rồi chung sống hòa thuận cho đến ngày đầu bạc răng long. Lao động đã dẫn đến tình yêu hồn nhiên sâu sắc của con người lao động đã đành, nhưng con đường tình yêu được lời ca tiếng hát điểm tô thì thêm phần ý nhị, sâu sắc. Có lẽ những con người vùng dừa quê tôi, trong vô vàn kỷ niệm của đời mình, họ có một buổi ban đầu xao xuyến không dễ gì quên - buổi ban đầu gắn với những câu hát kết đầy thơ mộng.

. Theo Văn hóa Bình Định

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)
Thơ: Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương  (30/08/2004)
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ  (29/08/2004)
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)
Ươm mầm cho những nhịp điệu  (27/08/2004)
Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn  (26/08/2004)
Tuồng Đào Tấn gợi những gì cho kịch hiện đại?  (25/08/2004)
Công ước Berne: Tạo dựng môi trường sáng tạo lành mạnh   (24/08/2004)
Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm: Chuyện tình éo le đến cùng cực   (24/08/2004)
Nguyễn Đình Thi với bài hát "Diệt phát xít"  (22/08/2004)
Thơ: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Đình Lương, Đặng Đức Tĩnh  (20/08/2004)
Bài ca đầu tiên về người lính cách mạng  (20/08/2004)
Hình tượng Quang Trung qua thơ văn của người xưa   (19/08/2004)
Lên với cột cờ Lũng Cú   (18/08/2004)