Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập
10:29', 7/9/ 2004 (GMT+7)

Ngày 31-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Ý kiến khá sôi nổi của những người tham gia buổi góp ý cho thấy hiện nay, dù Bình Định vẫn nằm trong diện "vùng sâu vùng xa" về xuất bản, nhưng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được điều chỉnh...

* Chưa cụ thể

Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến đóng góp là sự chưa cụ thể trong một số chương, điều của dự thảo lần này. Ý kiến của ông Phan Thành Lang (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh), cho rằng: có những điều khoản có thể cụ thể được nhưng lại ghi chung chung, để rồi sau khi luật ban hành, lại phải chờ có nghị định hướng dẫn mới thực thi được. Ông Lang viện dẫn nhiều trường hợp như vậy. Chẳng hạn: Điều 6 (chính sách đặt hàng, trợ cước vận chuyển, mua bản thảo…) khoản 2 có ghi "Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành hữu quan…", Điều 15 (Nhà xuất bản): "các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ", Điều 19 (Điều kiện thành lập nhà xuất bản): "các điều kiện cần thiết khác", Điều 21 (Cấp giấy phép hoạt động xuất bản): "các thủ tục cần thiết khác"… đều có thể ghi cụ thể hơn. Ý kiến của ông Lang nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Quốc Khánh (Sở Tư pháp). Theo ông Khánh, trên thực tế, có nhiều luật đã ban hành nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có các văn bản dưới luật để hướng dẫn. Do vậy, trong việc biên soạn luật, cần quán triệt nguyên tắc: những điểm nào có thể cụ thể được thì phải cụ thể. Có vậy, luật ban hành mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.   

* Cần có những điều chỉnh  

Theo các đại biểu tham gia buổi góp ý, có nhiều vấn đề trong dự thảo cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Ngay bố cục của luật, theo ông Nguyễn Quốc Khánh thì vẫn chưa thật sự khoa học. Chẳng hạn: nhiều biện pháp xử lý vi phạm còn nằm rải rác ở các chương, điều khác nhau cần gom lại thành một chương riêng. Ông Khánh cũng cho rằng cần phải có thêm phần giải thích từ ngữ trong khi nhiều điều khoản lại đi vào giải thích từ ngữ như Điều 3 Chương 1 (Những quy định chung) hoặc mắc phải những lỗi liệt kê. 

Riêng Điều 5 (Bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm) thì hầu hết các ý kiến đều thống nhất nên bỏ ý: "trừ trường hợp cần thiết do Thủ tướng quy định". Theo các đại biểu, vấn đề quan trọng là chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập và các biên tập viên nhà xuất bản cũng như năng lực và quy định cụ thể trách nhiệm của người đọc lưu chiểu. Thời gian nộp lưu chiểu cũng thu hút được sự quan tâm của những người tham gia góp ý. Điều 32 có quy định thời gian nộp lưu chiểu ít nhất 20 ngày trước khi phát hành. Có ý kiến cho rằng cần phải tăng lên, để tạo điều kiện cho việc đọc lưu chiểu; tuy nhiên, có ý kiến lại khẳng định là cần rút ngắn thời gian để phù hợp với cơ chế thị trường và tiến trình cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Ý kiến của bà Trần Thị Huyền Trang (Sở Văn hóa - Thông tin) xuất phát từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, nêu kiến nghị: trong việc quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương cần nêu rõ vai trò của Sở Văn hóa - Thông tin.

Điều thú vị là tất cả các ý kiến tham gia tại buổi góp ý đều thống nhất với phương án 1 của Điều 25 (Liên kết trong lĩnh vực xuất bản), trong đó, quy định: "Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm". Có lẽ, việc tư nhân (mà người ta thường gọi là "đầu nậu") tham gia từ việc tổ chức bản thảo, cho đến trình bày, in ấn, phát hành xuất bản phẩm đã là một thực tế. Và trên thực tế, nhiều cuốn sách thực sự có giá trị đã đến được với bạn đọc chính nhờ vào những "đầu nậu" này.

. Lê Viết Thọ

 

Dự thảo Luật Xuất bản sẽ có những thay đổi lớn về cơ chế chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản. Trước đây, Cục Xuất bản phải chấp nhận từng tên sách rồi các nhà xuất bản căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch xuất bản trích ngang để đưa in. Luật sửa đổi đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Các nhà xuất bản gửi bản đăng ký kế hoạch, trong thời hạn 10 ngày, nếu Bộ Văn hóa - Thông tin không có ý kiến gì, nhà xuất bản chủ động triển khai xuất bản (tức nhà xuất bản chỉ việc gửi đăng ký xuất bản, cơ chế "thoáng" hơn nhiều so với luật hiện hành).

Phương án 2: Tất cả các xuất bản phẩm muốn được xuất bản phải đăng ký với Bộ Văn hóa - Thông tin, những tác phẩm thuộc một số đề tài cần phải được chấp nhận mới được phép xuất bản thì do Chính phủ quy định.

Tại kỳ họp tháng 10 tới, Quốc hội sẽ quyết định chọn phương án 1 hay 2 về chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản. Đây sẽ là căn cứ để Cục Xuất bản phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Văn học Nghệ thuật đưa ra các quy định riêng, chi tiết cho từng trường hợp cụ thể.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)
Bạn ơi hát kết   (03/09/2004)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)
Thơ: Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương  (30/08/2004)
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ  (29/08/2004)
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)
Ươm mầm cho những nhịp điệu  (27/08/2004)
Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn  (26/08/2004)
Tuồng Đào Tấn gợi những gì cho kịch hiện đại?  (25/08/2004)
Công ước Berne: Tạo dựng môi trường sáng tạo lành mạnh   (24/08/2004)
Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm: Chuyện tình éo le đến cùng cực   (24/08/2004)
Nguyễn Đình Thi với bài hát "Diệt phát xít"  (22/08/2004)
Thơ: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Đình Lương, Đặng Đức Tĩnh  (20/08/2004)
Bài ca đầu tiên về người lính cách mạng  (20/08/2004)