Hôm qua (16.3), phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn đã long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập phường. 10 năm, phường Ghềnh Ráng đã nhanh chóng lột xác. Những “Hồ Le”, “Nghĩa địa”, “Trại Gà”; những “góc bể chân mây”, “vùng biên heo hút”… những cụm từ hết sức đặc trưng của Ghềnh Ráng đã dần đi vào ký ức để giờ đây Ghềnh Ráng xinh đẹp và trưởng thành, xứng đáng là nơi tọa lạc của di tích danh thắng đẹp số 1 tỉnh Bình Định: Ghềnh Ráng Tiên Sa!
|
Một góc phường Ghềnh Ráng hôm nay. Ảnh: Q.K
|
* Hơn mười năm trước
Vốn là KV1, KV2 và KV3A của phường Quang Trung, 10 năm trước địa bàn phường Ghềnh Ráng vẫn được nhiều người gọi là “Hóc Bà Tó” bởi trừ KV3A là hóc núi giáp với nội thành, hai khu vực còn lại gần như biệt lập với TP. Quy Nhơn.
Nhớ chuyến đi công tác đầu tiên của tôi về Bãi Xếp (KV1), một cán bộ của phường ngày ấy đã vẽ cho tôi hai lộ trình để tự chọn: Một là, nếu đi đường bộ phải gửi xe từ Quy Hòa, đi bộ men theo con đường đèo dốc xuyên qua các ngọn núi. Người có sức vóc sẽ kết thúc cuộc hành trình trong vòng một giờ rưỡi. Hai là, nếu đi đường thủy, tàu sẽ xuất phát từ bến đò Chợ Cháo (phường Trần Phú) chạy men bãi biển vào Ghềnh Ráng rồi bãi Quy Hòa, qua bãi Nhỏ, bãi Dại. Nếu trời yên biển lặng hành trình này cũng mất hơn một giờ.
Trong chuyến đi ngày ấy tôi đã thật bất ngờ khi nhận ra một bộ phận thân thể của TP Quy Nhơn song người dân đã phải sống một cuộc sống quá đỗi u buồn. Có núi và có biển vậy mà người dân phải sống dưới mức nghèo khổ. Vài mươi chiếc ghe máy công suất thấp chỉ đánh bắt lẩn quẩn ven bờ. Cuộc sống khốn khó khiến người dân lại phải đồng thời đập vào cánh cửa của rừng. Những ngày ấy, tất thảy các bãi: từ bãi Quy Hòa đến bãi Xếp, bãi Rạng, củi xếp la liệt chờ thuyền đưa về Khu 2 cung cấp cho người ở nội thành.
Chuyến đi ấy, ấn tượng lớn nhất của tôi là trò chơi của con trẻ. Cứ chiều xuống, trẻ con lại ùa ra bãi biển và trò chơi duy nhất của chúng là lấy cát đắp thành đụn theo mô hình của những lò than mà cha mẹ chúng vẫn ngày ngày đánh vật ở phía núi. Hóa ra trò chơi lại là sự tập tành! Thảo nào mà trẻ em lên 8 đã phải vác rựa vào rừng còn việc học cứ như là chuyện xa xỉ. Bởi cả khu vực gần 600 dân thời ấy chỉ có 2 phòng học mở 4 lớp. Số em may mắn ra trung tâm phường học lên lớp 5, lớp 6 chỉ đếm được trên đầu ngón tay... Vậy nên mới có chuyện lạ, thanh niên KV1 sức vóc cường tráng nhưng nhiều năm liền chẳng ai được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chỉ vì... không biết chữ!
Tiếng là dân thành phố nhưng nước sinh hoạt thì vài chục gia đình dùng chung một cái giếng; điện thắp sáng dùng từ máy nổ của ngư dân mỗi đêm chạy vài giờ. Cả KV1 không có một y sĩ, y tá nào. Ốm đau thông thường thì mua thuốc của mấy bà bán tạp hóa; phải cấp cứu thì khiêng ra thuyền máy đưa về trung tâm thành phố, nếu biển động phải cáng võng vượt đèo...
Ôn lại cái thời u ám ấy, trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập phường, ông Võ Chí Thiện, Bí thư Đảng ủy phường, phát biểu: “Có ruộng, có rừng, có biển, có sức lao động nhưng người dân Ghềnh Ráng vẫn phải cam chịu sống trong cảnh khó nghèo. Cuộc sống cơ cực cứ quanh quẩn trên đầu người dân như một cái vòng định mệnh!”. Và ông giải thích đó là do: “Trình độ dân trí còn nhiều cách biệt cộng với một nền sản xuất thuần nông lạc hậu, một tập quán tự cung tự cấp từ bao đời ăn sâu bén rễ trong tiềm thức...”. Và điều quan trọng hơn là “điều kiện tự nhiên không thuận lợi với 2/3 diện tích đất là đồi núi, giao thông cách trở, đi lại khó khăn...”.
|
Các thế hệ lãnh đạo của phường Ghềnh Ráng. Ảnh: Q.K
|
* Và Ghềnh Ráng hôm nay...
Nếu ai muốn biết thành tựu của đổi mới xin hãy nhìn về Ghềnh Ráng!
Tôi đã chợt nghĩ như thế trong một lần đi hết một vòng quanh phường Ghềnh Ráng. Và ngày càng thấy điều mình nghĩ là có lý. Hơn mười năm trước, nếu không có một danh thắng Ghềnh Ráng Tiên Sa ôm trong lòng ngôi mộ nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử; không có một cảnh đẹp như tranh thủy mặc của bãi Quy Hòa... hẳn sẽ chẳng ai muốn đặt chân trên mảnh đất của phường Ghềnh Ráng. Ai từng sống lâu ở TP Quy Nhơn hẳn còn biết những địa danh hàm nghĩa của sự hoang vu, cô tịch. Ở KV1, KV2 thì đó là “góc bể chân mây”, “vùng biên heo hút” là “trại cùi” còn ở KV3, KV4, KV5 thì đó là “Trại Gà”, “Nghĩa địa”, “Hồ Le”...
Còn bây giờ đã có một Ghềnh Ráng khác.
Con đường ven biển Quy Nhơn – Sông Cầu (Quốc lộ 1D) mở ra đã giúp Ghềnh Ráng trở thành cửa ngõ phía nam của tỉnh Bình Định. Đó là một lời chào đầy ấn tượng đối với khách viễn trình. Vẻ đẹp của Ghềnh Ráng đã thực sự bừng thức với những bãi cát dài trắng phau, những ghềnh đá cheo leo... hiển hiện ngay trong mắt người đi đường. Chẳng thế mà dọc dài 12 km bờ biển của phường Ghềnh Ráng đã có 9 điểm du lịch và Khu du lịch Ghềnh Ráng cùng các resort đang chiếm ngôi vị hàng đầu của tỉnh như: Life Resort, Hoàng Anh Resort. Các khu du lịch rồi sẽ được tiếp tục xây dựng, tiếp tục mọc lên mở ra cho người dân Ghềnh Ráng một cơ hội mới: làm dịch vụ du lịch!
Song điều thiết thực hơn từ Quốc lộ 1D và những quy hoạch mang tầm vĩ mô của thành phố, của tỉnh đã thực sự tạo ra một sức bật mới cho Ghềnh Ráng. Đến KV1, KV2 bây giờ người dân đã sống ngư ra ngư, nông ra nông. Ở đâu nghề bắt tôm hùm giống thịnh hành nhất? Thưa Ghềnh Ráng! (mỗi năm ước đạt gần 30 ngàn con). Ở đâu nuôi tôm hùm lồng nhiều nhất? Thưa Ghềnh Ráng! (hơn 700 trong tổng số 1.700 lồng của cả tỉnh)! Đội tàu của phường Ghềnh Ráng giờ cũng đã hơn 150 chiếc với công suất máy không ngừng được nâng lên! Còn nông nghiệp, chính KV1 Ghềnh Ráng giờ lại là xứ sở của mãng cầu trái vụ, của dừa xiêm, của dứa, của chôm chôm...
|
Anh Nguyễn Thanh - một nông dân thành đạt từ mô hình vườn rừng và cây ra quả trái vụ. Ảnh: Q.K |
Tôi đến KV1 Ghềnh Ráng và được anh Nguyễn Văn Thành (người đảng viên đầu tiên của khu vực- kết nạp Đảng năm 2007, đang giữ chức vụ Khu vực trưởng) cùng anh Phạm Hùng Khanh, Trưởng ban Mặt trận khu vực, đưa đi thăm những trang trại cây trái và tôi đã thật sự bất ngờ khi anh nông dân Nguyễn Thanh ngồi trò chuyện về kỹ thuật cho cây ra quả trái vụ... Mà chẳng riêng anh Thanh, gần hai chục hộ làm kinh tế vườn rừng ở vùng núi này cũng đều làm được như thế và nhờ thế mỗi hộ đã tạo ra thu nhập mỗi năm từ vài mươi đến cả trăm triệu đồng!
Hồ Le, nghĩa địa mất đi, Bến xe liên tỉnh, đường Tây Sơn mở rộng, khu dân cư thay thế đã tạo cho các KV3, KV4, KV5 một bộ mặt mới tràn đầy sức sống. Nếu như năm 1999 cả phường chỉ có 57 cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ thì giờ đây con số này đã tăng lên 320 cơ sở, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có hàng trăm lao động có thu nhập cao.
Nếu muốn biết thành tựu của đổi mới hãy đến Ghềnh Ráng! Bởi cùng với sự phát huy nội lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân phường, sự táo bạo từ chủ trương mở ra một con đường lớn, mở rộng một con đường của thành phố cùng với những quy hoạch hợp lý đã tạo sức bật mới cho Ghềnh Ráng!
Bí thư Đảng ủy Võ Chí Thiện đúc kết: “Trong vòng 10 năm, kinh tế của phường được chuyển dịch theo hướng tích cực từ tự cung tự cấp chuyển sang nền sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường với năng suất, chất lượng hiệu quả ngày càng tăng; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc; ngư nghiệp cũng có bước phát triển đáng kể; thương mại dịch vụ và du lịch chuyển biến mạnh mẽ; đầu tư xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị và sản xuất của nhân dân có những bước phát triển rất đáng tự hào...”.
Đó là một đánh giá xác đáng!
Phường Ghềnh Ráng có diện tích 24,7 km2; có 1.954 hộ với 8.553 nhân khẩu (tính đến ngày 31.12.2007). Sau 10 năm thành lập, hệ thống giao thông đã phát triển hoàn chỉnh (gần 100% được bê tông hoặc thảm nhựa); 100% hộ dân được sử dụng điện từ nguồn điện quốc gia; hơn 95% hộ có phương tiện nghe nhìn và xe gắn máy; 100% khu dân cư có nhà mẫu giáo, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; trường THCS được đưa vào sử dụng từ tháng 1.2008. Tỉ lệ hộ nghèo từ 10% năm 1998 giảm xuống còn 5,4% năm 2007 (theo tiêu chí mới). | |