Vượt “cổng trời” Canh Liên
9:44', 21/1/ 2008 (GMT+7)

Bây giờ hai từ “Canh Liên” đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người Bình Định song không dễ mấy ai đã đặt chân đến xã vùng cao của huyện Vân Canh này, ngay cả với cánh nhà báo. Những ngày cuối năm, tôi có dịp vượt “cổng trời” Canh Liên để cận cảnh cuộc sống của đồng bào bản địa với 5 dân tộc anh em: Ba na, Tày, Thái, Chăm và Kinh.

 

Những chiếc máy đánh chữ cũ xưa này vẫn còn phát huy tác dụng ở Canh Liên.

 

* Nín thở vượt “cổng trời”

Mấy năm làm báo, từng trải nhiều chuyến đi miền núi nhưng tôi chưa từng thấy trục đường giao thông nào lại hiểm trở đến thế. Thị trấn Vân Canh và trung tâm xã Canh Liên chỉ cách nhau chừng 15 km đường chim bay mà ô tô 2 cầu phải mất 2 giờ đồng hồ mới đến nơi, sau khi ì ạch vượt qua nhiều triền dốc cheo leo, dựng đứng.

Trong số 3 xe ô tô chở quà Tết của Báo Thanh Niên, Tỉnh đoàn tặng đồng bào Vân Canh, chỉ có xe của Hội Chữ thập đỏ tỉnh “đủ điều kiện” chinh phục được địa hình Canh Liên. Để giúp đồng bào đón xuân, vui Tết, đoàn hơn chục người ai cũng muốn đi mà xe thì không đủ chỗ. Sau một hồi “tinh giản” còn lại 7 người co cụm cùng với hàng hóa. Nổ máy xe, anh Tân, tài xế lại khuyến cáo: “Nếu ai say xe, không chịu nổi đường dốc cao thì “xin” ở lại cũng chưa muộn!”. Tôi là người yếu bóng vía nhưng chỉ vì không tưởng tượng nổi đường lại tệ đến thế nên cứ ngồi lì...

Xe ô tô khó khăn vượt “cổng trời” Canh Liên.

Qua khỏi xã Canh Thuận, con đường ngoằn ngoèo lởm chởm đá hiện ra. Hết dốc dài, dốc đá, dốc võng lại đến dốc suối, dốc trơn..., khiến ô tô cứ như bơi giữa núi cao và vực sâu. Nguy hiểm nhất là vượt dốc “cổng trời” (có lẽ vì có độ cao khoảng 1.500 mét mà người bản địa gọi thế), có khi xe nghiêng chạy 2 bánh. Ai cũng toát mồ hôi, mặt mày xanh tái. Phóng viên Trung Nghĩa, Đài PTTH tỉnh trong chớp mắt đã kịp ghi lại khoảnh khắc này. Anh em đùa: “Mai mốt đem bán cho hãng Ford để họ làm quảng cáo về chất lượng xe, chắc cũng kiếm được vài trăm (triệu)!”. Bình thản ôm vô lăng, anh Tân với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề “cán bộ đường lối” trấn an: “Đây là lần thứ 6 tôi lên Canh Liên. So với những lần trước, lần này đường “dễ nhai” hơn nhiều. Mình đi làm công tác từ thiện, trời đất sẽ phù hộ đi đến nơi, về đến chốn”.  

Còn nhớ những năm trước, đoàn thanh niên tình nguyện hè do Tỉnh đoàn tổ chức lên Canh Liên bằng phương tiện... chân! Khởi hành ở  thị trấn từ sáng sớm vậy mà đến tối mịt mới có mặt ở xã. Trên địa bàn xã, từ làng này qua làng khác đi bộ cũng mất thêm 1 ngày nữa. Chỉ có sức trẻ và khí thế tình nguyện mới có thể vượt qua được chướng ngại này. 

Là người con của đồng bào Ba na, từng không ít lần vượt “cổng trời”, anh Sô Lan Tài - Bí thư Huyện đoàn Vân Canh vẫn cứ rùng mình khi nhắc lại những chuyến đi. Theo lời kể của anh, xe 4 bánh vào được xã từ năm 1992, nhưng là loại xe bò vàng đặc chủng chở lâm sản. Xe máy thì mãi 10 năm sau, khi trục đường đã được san ủi về cơ bản, mới xuất hiện. “Khoảng năm 1996, có một cán bộ chữ thập đỏ lên Canh Liên công tác. Khi tới cổng trời thì hụt hơi, phải đi... bốn chân. Thấy chậm quá, tôi dọa không đi nhanh coi chừng làm mồi cho cọp đó thế là, anh cán bộ kia mới vận hết sức bình sanh để tiếp tục hành trình”, Sô Lan Tài kể.

* Cận cảnh Canh Liên

Vượt qua “cổng trời”, xã Canh Liên xuất hiện bình yên giữa bạt ngàn rừng núi. Hôm ấy, ở phòng họp phía sau, Hội Nông dân xã tổng kết năm, không khí rôm rả quanh chú heo thịt mừng thắng lợi. Tiệc hoành tráng như vầy sao không thấy bia rượu, tôi hỏi. Một cán bộ đáp vội: “Không có đâu. Chỉ khi nào lễ hội quan trọng, bà con miềng (mình) mới dùng rượu bia. Bây giờ uống nhiều mệt lắm. Cái bụng không còn thích nữa”. Về điểm này, xem ra người miền xuôi cũng nên “tham khảo”!

Canh Liên có 8 làng, 447 hộ, 2.083 nhân khẩu, với 5 dân tộc anh em là Ba na, Tày, Thái, Chăm và Kinh cùng sinh sống. Nghề chính của đồng bào là sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng và chăm sóc rừng. Đàn bò của xã có tới hơn 2.300 con! Nhưng hộ nghèo lại chiếm tới hơn 2/3 dân số, với 355 hộ; cả xã không nhà nào xây được 2 tầng... Những thông tin này được Chánh văn phòng ủy ban xã, anh La Thanh Quân kể với tôi.

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể, biết trồng lúa nước từ năm 1977 trên diện tích hàng trăm ha, biết chăn nuôi và tạo ra đàn bò có số lượng nhiều hơn số dân, nhưng vì sao hộ nghèo lại chiếm tỷ lệ cao? Nói vì đồng bào không chịu làm giàu thì không đúng. Canh Liên giờ đã có trường tiểu học và THCS với gần 700 học sinh, 42 giáo viên. Trạm Y tế được xây kiên cố với 4 y sĩ thường trực chăm sóc sức khỏe đồng bào. Sự khởi sắc kinh tế không như mong muốn có lẽ phát xuất từ những mặt còn hạn chế về điện và đường giao thông.

 

Đàn bò của Canh Liên phát triển đến hơn 2.300 con.

 

Những năm qua, mỗi làng đồng bào được trang bị 1 máy nổ tạo điện thắp sáng 3 giờ/đêm. Toàn bộ nhiên liệu, lưới điện được huyện hỗ trợ. Có điện thắp sáng một thời gian thì quay trở lại thắp... đèn dầu, vì máy hư hỏng không kịp sửa chữa. Ngay cả trụ sở làm việc của xã vẫn không có điện, trong khi trên mỗi tầng nhà, vách tường đều đã trang bị bóng đèn, quạt hẳn hoi. Anh La Thanh Quân phân trần: “Xã làm trước để chờ điện lưới quốc gia kéo về. Các làng đều được ưu tiên điện máy nổ, dù đêm có đêm không, chứ ngay ở xã thì chẳng đêm nào có. Phòng làm việc vào mùa nắng thì y như... lò gạch”.

Không có điện nên vật dụng điện tử đều vô hiệu. Nhiều nhà mua ti vi về rồi cất vào tủ tháng này qua tháng khác. Cả xã không hề có bộ máy vi tính nào. Văn bản của UBND xã phải đem xuống thị trấn thuê đánh. Cái nào cần gấp và không quan trọng, cán bộ văn phòng lọc cọc với máy đánh chữ bằng giấy than cũ xưa. Hầu hết thông báo đều viết bằng tay. Với Bưu điện xã, ngày nắng thì mở cửa phục vụ, ngày mưa cũng mở nhưng điện thoại thì ò í e cũng chỉ vì không có năng lượng!

Xe máy ở Canh Liên được ví von là “con bệnh di động”. Xe nào cũng lòng thòng một bịch nước để “trị bệnh” tắt máy khi leo dốc cao. Cả xã không hề có 1 điểm sửa xe nào nên người dùng xe kiêm luôn thợ sửa chữa, lúc nào cũng lỉnh kỉnh đồ nghề. Nếu bị hư hỏng nặng phải nhờ xe tải chở xuống thị trấn còn xăng thì từ 18.000 - 20.000 đồng/lít!

Đường khó đi nên cán bộ xã nghe xuống thị trấn công tác là sợ, vì chỉ cần vài chuyến vào ra là xe hư. Lốp xe tải chở lâm sản thì bọc thêm rất nhiều vòng dây xích để tránh trơn trượt khi lên xuống “cổng trời”. Ai không may bị đau nặng thì cầu cứu hàng xóm khiêng võng xuống thị trấn, không dám ngồi xe vì sợ dằn sóc  bệnh nặng thêm. Mùa mưa lũ, xã bị cô lập hoàn toàn vì đường giao thông chia cắt.

* Mơ ước ngày xuân

Phó bí thư Đảng ủy xã, ông Đinh Văn Bưởi, cho biết các dân tộc anh em trong xã sống rất thuận hòa. Chủ trương, chính sách nào của Nhà nước đồng bào cũng chấp hành tốt. Không có cảnh nhậu nhẹt la cà. Không tụ tập, gây gổ đánh nhau. Đáng biểu dương là năm qua có 95% hộ gia đình không sinh con thứ 3.

 

Hầu hết thông báo đều viết tay, dán ở trụ sở xã.

 

Vân Canh là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Rừng Canh Liên là “đỉnh nhất” của Vân Canh. Cả huyện thu ngân sách chừng 3 tỉ đồng/năm. Con số khiêm tốn này khiến kế hoạch tăng tốc phát triển cho địa phương luôn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên. Dự án làm đường, kéo điện vào xã đã có, nhưng mấy mùa xuân qua đi vẫn còn... nằm trên giấy. Đồng bào ai cũng mong sớm có ngày được “nhìn thấy thế giới qua màn hình vô tuyến”, và người miền xuôi khi lên Canh Liên không còn phải ớn lạnh vì đường sá khó khăn.

Trên đường về xuôi, anh Tân một lần nữa lại trấn an với niềm hy vọng: “Tết năm sau có lẽ “cổng trời” không còn là nỗi ám ảnh nữa”. Tôi tin niềm hy vọng ấy sẽ bừng sáng trong những ngày xuân với sự chung tay giúp sức của các cấp chính quyền.  

  • Đình Phú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)