Để đấu tranh sinh tồn và tự bảo vệ mình trước thiên nhiên, thú dữ, và sau đó là chống lại áp bức, cường quyền, người Việt cổ xưa không có sự lựa chọn nào khác là phải tự trang bị cho mình những kỹ năng, mà sau này gọi là võ, để giữ thân. Trong giai đoạn đầu manh nha hình thành các tư thế võ, người xưa ngoài việc mô phỏng thói quen sử dụng các công cụ lao động hàng ngày, như: cuốc, xẻng, phãng, dao, rựa, búa, rìu, cào cỏ, câu liêm, mỏ gảy..., các tư thế, thao tác săn bắt, leo trèo, ném đá, phóng lao, bắn nỏ của người miền núi; cày bừa, mang vác, đâm chém, hái lượm, chạy nhảy của người miền xuôi và chèo chống, kéo đẩy, bơi lặn, chài lưới của người miền biển... còn phỏng tác theo các tính năng di động, các tư thế săn mồi, nhử mồi, rình mồi, vờn mồi, vồ mồi và các “bí quyết” phòng thủ, tấn công đặc dị của những loài vật thường “chung sống” với người, trong đó có mèo.
Bởi theo quan niệm của người xưa, mèo được coi là một trong những loài vật cực kỳ khôn ngoan, thủy chung, vừa có biệt tài săn mồi, giữ nhà, được con người yêu thích, xem như “người bạn nhỏ” trong gia đình; vừa có đầy đủ các tố chất cần thiết, để có thể nghiên cứu, chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế võ tự vệ, chiến đấu hữu hiệu, nhất là trong những tình huống lấy nhu hóa cương, “đánh nhanh, rút êm”.
Ngoài ra, trong dân gian còn thêu dệt, nhân cách hóa về “quyền năng”, sức mạnh siêu đẳng của mèo, đại loại “Con mèo là cô (hoặc cậu) con cọp”, từ đó suy ra mèo phải có nhiều biệt tài, nhiều “bí quyết võ công” và chắc chắn phải lắm tinh quái, độc thủ hơn cọp, hay mèo có “luồng điện” cực mạnh, nên khi chạy ngang qua người chết, có thể “hút” người chết đứng dậy chạy theo... Có lẽ vì vậy nên người xưa còn gọi mèo với cái tên rất “thiêng” là “Linh Miêu”.
Chính vì vậy, nên “Võ mèo” không chỉ tồn tại như một tất yếu khách quan trong buổi đầu xuất hiện các hình thái võ thuật sơ đẳng, cùng với các loại hình võ khác mang tính đặc thù của một số loài động vật có khả năng, sức mạnh tương tự, như: “Võ hổ” (Hổ quyền), “Võ khỉ” (Hầu quyền), “Võ rắn” (Xà quyền), “Võ gà” (Kê quyền)... mà còn được các nhà nghiên cứu võ học chuyển tác, xây dựng thành các bài võ, đòn thế võ tuyệt chiêu, với vô số các tính năng độc đáo, đa dạng, có năng lực vận hành linh diệu vào các loại hình võ thuật chiến đấu; góp phần bổ sung vào kho tàng võ cổ truyền dân tộc (VCTDT) và sau này là nền võ học chân truyền Việt Nam thêm đồ sộ, phong phú, hoàn mỹ.
Tuy nhiên, do phần lớn các bài võ, thế võ được mô phỏng, tạo tác từ các loài vật chủ yếu truyền khẩu là chính và trải qua hàng ngàn năm không được sưu tầm, đúc kết, bảo tồn; trong khi đó, các vị võ sư tiền bối am hiểu sâu về “Võ mèo” đều lần lượt qua đời, nên hầu hết đã bị “tam sao thất bản” hoặc mất dần theo năm tháng. Đến nay, các bài “Võ mèo” còn lại không nhiều và cũng không được phổ biến rộng rãi. Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, có lẽ bài “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt) là một trong những bài “Võ mèo” tồn tại lâu đời trên đất nước ta.
Bên cạnh các bài “Võ mèo”, còn có nhiều đòn thế cực kỳ linh diệu, được hóa chuyển từ tính năng đặc dị của mèo, như: Thế võ “Linh Miêu mai phục, tấn thích Ngưu” (thế mèo linh đang mai phục rình mồi, tiến đánh thế đâm trâu) trong bài “Thái sơn thảo pháp”, thế “Thoái bộ kim thương, Miêu tẩy diện” (lui về đứng bộ “thương vàng”, rồi chuyển thế “Mèo rửa mặt”) trong bài “Hầu quyền”, hay trong 18 đường quyền “tuyệt kỹ võ công” có thế “Linh Miêu tróc thử (Thế mèo vồ chuột), hoặc trong bài “Trường Côn thế pháp” có thế “Trích thủy Linh Miêu, thôi sơn tắc hải”. Ngoài ra còn có các tuyệt chiêu, như: “Hắc Miêu lưỡng đả tầm Xà”, “Bạch Miêu xuất sơn kỳ”, “Linh Miêu vọng nguyệt tọa đồ thành”... Đây được coi là những “độc chiêu” vô cùng lợi hại của VCTDT.
Tương truyền, ở vùng đất võ Bình Định, nhất là trong giai đoạn nhà Tây Sơn chiêu tập các anh hùng, hào kiệt, nghĩa sĩ ở khắp mọi miền đất nước tụ hội dưới cờ đại nghĩa của “Tây Sơn tam kiệt”, đã xuất hiện nhiều thế võ, bài võ độc chiêu, mang tính chiến đấu sâu sắc và sát thương khá cao. Trong đó có một số đòn thế, bài võ được mô phỏng, chuyển hóa từ các “bí quyết võ công” đầy hóc hiểm của loài “Linh Miêu” thần diệu, cụ thể như bài “Linh Miêu độc chiến”, “Bạch Miêu quyền” hay còn gọi “Bạch Miêu đả thanh Xà”.
Các bài này được cấu trúc thành các thế liên hoàn, biến hóa linh diệu, phối hợp nhịp nhàng giữa bộ tay với bộ chân theo nguyên lý “Âm - Dương tương tác” và “cương – nhu phối triển”, trong đó có phần nghiêng về nhu thuật. Các tư thế di chuyển, né tránh, luồn lách, lập trụ, đảo “ngựa” (chân), phát động tấn công, lui về phòng thủ, hóa giải các đòn thế... thường mô phỏng theo các đặc tính vốn có của loài “Linh Miêu” là hết sức nhẹ nhàng, biến hóa khôn lường, không nghe tiếng động, tựa như “chiếc lá đang bay”. Ngoài ra, còn phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các bộ pháp, như: thần pháp, tâm pháp, khí pháp, nhãn pháp... tạo nên bài võ cực kỳ độc đáo, hóc hiểm, hội đủ các yếu tố về nội công lẫn ngoại lực. Nhờ vậy, nên không những thích ứng với mọi tình huống chiến đấu, tự vệ, nhất là các “chiêu thức” ẩn mình mai phục, tiến đánh cận chiến, mà còn góp phần nâng cao thể lực, điều hòa khí huyết cho những người thường xuyên luyện tập đúng phương pháp.
Hiện nay, môn phái Việt Nam Võ ta - Tây Sơn Bình Định và một vài võ phái ở miền đất Võ còn lưu giữ và truyền dạy một số tuyệt kỹ môn “Võ mèo”.
(Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam) |