Đúng ra là phim về võ Tây Sơn sang đất nước hình chiếc ủng chứ không phải “võ xuất khẩu” mang nhãn Tây Sơn-Bình Định đi. Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình thể thao quốc tế lần thứ 28 diễn ra tại thành phố Milan (Ý) từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 vừa qua. Lần đầu tiên, phim “Đời võ” của nhóm tác giả Nhật Thảo-Thanh Phong-Mẫn Đạt của Đài PTTH Quảng Ngãi, thay mặt cho đoàn Việt Nam tham gia liên hoan đã đoạt giải “Vòng nguyệt quế”, giải thưởng cao nhất cho thể loại phim tài liệu.
|
Lão võ sư Ngô Bông trước điện thờ Tây Sơn Tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Trần Đăng- Nhật Thảo
|
Phim kể về cuộc đời của một võ sư đã dành trọn tâm huyết của mình để bảo tồn một di sản tinh thần được xem như báu vật. Đó là bài Hùng Kê quyền - một “kiệt tác” về võ thuật của Nhà Tây Sơn mà Đông Định Vương Nguyễn Lữ chính là tác giả của nó. Lão võ sư Ngô Bông, 82 tuổi, hiện ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, người được xem là truyền nhân của Hùng Kê quyền- nhân vật chính của phim.
1.
Để có mặt tại cuộc liên hoan nói trên, “Đời võ” đã từng trải qua cuộc sát hạch nghiêm khắc trước đó vào tháng 5.2010 tại Liên hoan Điện ảnh truyền hình thể thao và du lịch quốc tế Việt Nam lần thứ 5, tổ chức tại Đà Nẵng với giải quán quân. Và “Đời võ” đã vượt qua 415 phim cùng thể loại đến từ 103 quốc gia trên thế giới để giật giải “Vòng nguyệt quế” tại Ý.
Đạo diễn trẻ Nhật Thảo (sinh 1978), vốn là “tay ngang” trong giới truyền hình nhưng lại tỏ ra khá chắc tay trong việc thực hiện bộ phim này. Anh cho biết: “Bản thân cuộc đời của lão võ sư Ngô Bông đã là một thiên truyện làm mê đắm tất cả những ai quan tâm đến võ thuật cũng như những gì thuộc về truyền thống của dân tộc. Tự cuộc đời ông - đời võ - đã làm nên thành công của bộ phim. Chúng tôi chỉ làm công việc “kể lại” sao cho “dễ nghe, dễ thấy” mà thôi”.
|
Luyện nhãn pháp.
|
Một cách “khiêm tốn” mà nói thế thôi, chứ để thực hiện bộ phim này, nhóm tác giả do Nhật Thảo làm đạo diễn đã quần nhau với lão võ sư Ngô Bông suốt 4 tháng trời. Họ đã đưa ông đến miền đất võ Bình Định để “tạ ơn” anh linh của Tây Sơn Tam kiệt tại đất Phú Phong, cho ông được tiếp xúc và gặp lại những bạn bè từng quen biết cũng như những người chỉ nghe danh mà chưa một lần chộ mặt. Họ là những võ sư lừng danh của miền đất võ nhưng không phải là “truyền nhân” của Hùng Kê quyền.
Lão võ sư Ngô Bông như thể gặp lại một thời trẻ trai ngang dọc trên các sàn đài hơn nửa thế kỷ trước. Gặp lão võ sư Phan Thọ, lão võ sư Ngô Bông như “lên đồng” khi nói về những đường quyền tuyệt chiêu trong các môn võ. Rồi ông “hồi hương” về lại Quảng Ngãi, đến thăm người thầy Chín Sửu, đã 99 tuổi, người từng sửa những động tác sơ đẳng nhất cho Ngô Bông thuở thiếu thời. Tất cả những cảnh ấy đều không lọt ra ngoài ống kính của hai tay máy, cũng còn rất trẻ, Thanh Phong và Mẫn Đạt. Có những cảnh nằm ngoài “kịch bản”, khiến cả đạo diễn lẫn quay phim cũng phải bất ngờ.
2.
Theo lời kể của lão võ sư Ngô Bông, ông cố của ông là người gốc Huế, lưu lạc vô Quảng Ngãi và định cư ở thôn Điền Chánh này. Vốn là con nhà võ, lại tinh thông binh pháp, ông cố Ngô Bông nhanh chóng gia nhập nghĩa quân Tây Sơn và đầu quân cho Nguyễn Lữ. “Hùng Kê quyền” đã được cụ cố truyền lại cho ông ngoại, rồi các cậu của Ngô Bông. Ông đã thuộc nằm lòng bài thiệu này: “Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/Song túc tề phi trảo thượng xung/Trấn ải kim thương như bạch hổ/Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long/ Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác/Hồi thủ đơn câu thủ tự hung/Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ/Nhu cương, cường, nhược, tận kỳ trung”. (Dịch nghĩa: “Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên/ Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng/Giữ cửa quan, cây kiếm bạc tựa rồng xanh/ Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà mổ thóc/Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch/ Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho/ Mềm, cứng, mạnh, yếu tất cả đều nằm trong bài quyền này”).
|
Bài Hùng Kê quyền.
|
Chỉ thuộc thế thôi và Ngô Bông không hiểu ngọn nguồn của nó. Cho đến một ngày, trên bước đường phiêu bạt của mình, chàng trai Ngô Bông gặp được một người thầy, vừa giỏi võ lại vừa giỏi nghề bốc thuốc chữa bệnh tại miền tây tỉnh Phú Yên, có tên Cưu Vàng. Một buổi chiều, hai thầy trò đang đàm đạo về võ thuật, Ngô Bông chợt thốt lên mấy câu trong bài thiệu nói trên. Võ sư Cưu Vàng sửng sốt: “Con học thuộc bài thiệu này ở đâu? Từ lâu ta đã cất công tìm nó mà không biết chỗ?”. Thì ra, võ sư Cưu Vàng cũng là một hậu duệ của nghĩa quân Tây Sơn. Cụ cố nhà ông đã từng tham gia đội quân lừng danh ấy nhưng sau khi Nhà Tây Sơn sụp đổ, để tránh các cuộc trả thù của Nhà Nguyễn, họ đã mai danh ẩn tích tại miền sơn cước này. Vì vậy, võ sư Cưu Vàng biết khá nhiều trong 48 thế võ của Hùng Kê quyền, nhưng không hệ thống lại được. Giờ gặp người học trò Ngô Bông, ông như rồng gặp mây. Ông căn dặn người học trò: “Con cố gắng giữ gìn đừng quên bài thiệu và hãy phục dựng “báu vật” này”.
Mấy mươi năm binh lửa cùng với bao thăng trầm của cuộc mưu sinh nhưng Ngô Bông vẫn không quên lời thầy. Nhưng thời cuộc đã không cho phép ông “trình làng” bài võ ấy. Đến năm 1993, nhân Liên hoan võ thuật cổ truyền toàn quốc tại TP HCM, võ sư Ngô Bông mới có dịp trình diễn “Hùng Kê quyền” cùng xuất xứ của bài thiệu, khiến giới võ thuật trong nước hết sức bất ngờ. Ông cũng là võ sư được mời tham gia Liên hoan võ thuật quốc tế tại Hàn Quốc năm 2004. Ở tuổi 75 khi ấy nhưng Ngô Bông một lần nữa làm ngỡ ngàng giới võ thuật quốc tế qua Hùng Kê quyền.
|
Hắc hổ du sơn.
|
Đúc kết từ các miếng đánh của gà chọi, Nguyễn Lữ đã “nâng cấp” lên thành một thế võ độc đáo của riêng mình và nghĩa quân Tây Sơn. Hùng Kê quyền đã theo bước chân của Nhà Tây Sơn chinh Nam dẹp Bắc với những chiến công vang dội mãi lưu dấu trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tiếc thay, các cuộc tranh giành vương bá một thời đã khiến cho bao tinh hoa võ thuật của miền đất võ mai một đi nhiều, trong đó có Hùng Kê quyền.
Đúc kết từ các miếng đánh của gà chọi, Nguyễn Lữ đã “nâng cấp” lên thành một thế võ độc đáo của riêng mình và nghĩa quân Tây Sơn. Hùng Kê quyền đã theo bước chân của Nhà Tây Sơn chinh Nam dẹp Bắc với những chiến công vang dội mãi lưu dấu trong lịch sử giữ nước của dân tộc. |
Số phận trao gửi và Ngô Bông đã thành truyền nhân ngẫu nhiên của bài võ độc đáo. Đã qua tuổi bát tuần nhưng vẻ nhanh nhẹn và tinh anh như chưa hề hao khuyết trong con người lão võ sư Ngô Bông. Cứ đều đặn, 4 giờ sáng ông thức dậy đi các bài quyền, đợi 5 giờ, ông vác thương ra cánh đồng đầu ngõ đợi mặt trời lên. Lão võ sư vận khí đan điền và nhìn thẳng vào điểm mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lên cao bằng với ngọn thương đặt cạnh mới dừng. Ông gọi đó là cách luyện “nhãn pháp”- một cách nạp năng lượng vào người. Đó cũng là những cảnh cuối cùng của phim “Đời võ”.
Đạo diễn Nhật Thảo lý giải về đoạn kết này: “Bình minh là thời khắc đẹp nhất trong ngày vì nó tinh khôi và trong trẻo. Võ thuật phải hướng đến ánh bình minh. Và qua lão võ sư Ngô Bông thì biết đâu đấy võ cổ truyền sẽ tìm được con đường của mình để phát dương quang đại...”.
Nghe tôi thông báo “Đời võ” đạt giải thưởng lớn, lão võ sư điềm tĩnh: “Chúc mừng sắp nhỏ (nhóm tác giả trẻ), nhưng nghệ thuật cũng như võ thuật, phải hướng đến con người và mang lại hạnh phúc cho mọi nhà”. Ai dám nghĩ lão võ sư này chỉ biết “đánh võ” mà thôi?
|