Xuân này vui hội bài chòi
8:15', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Hội đánh bài chòi là một sinh hoạt dân gian đặc sắc ở Bình Định, diễn ra sôi nổi nhất vào mỗi độ xuân về. Tết này, những người trót nặng lòng với câu bài chòi cổ sẽ được thỏa niềm đam mê vì một hội đánh bài chòi quy mô sẽ được tổ chức tại Hội Chợ Gò vào mùng 1.

 

Hội bài chòi Chợ Gò (Tuy Phước). Ảnh: Hoàng Vân

 

* Đặc sản văn hóa truyền thống

Hội đánh bài chòi là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của nhân dân lao động trong những ngày Tết cổ truyền ở làng xã nông thôn Bình Định. Ngày xưa, cứ vào khoảng 25 tháng Chạp, lòng người lại nôn nao: “Vợ lo nếp, lá, đỗ, mè/Chồng lo mài rựa chặt tre dựng chòi”. Mà phải dựng đúng 9 chòi, bố trí thành 2 dãy, mỗi dãy 4 chòi, kết cấu thành hình chữ U. Mỗi chòi cao khoảng 3 mét, có đan vỉ đặt sàn nửa chừng đủ để từ 3-6 người ngồi. Chòi ở giữa là chòi trung ương, dựng đối diện với bàn hội đồng và người xem, được trang bị một chiếc trống. Tám chòi còn lại, mỗi chòi đặt một cái mõ làm bằng gốc tre.

Ở khoảng giữa các chòi, người ta dựng một cây nêu, trên đó treo cờ và một ống đựng bộ bài gốc (gọi là bộ nọc) gồm 27 con bài. Ngoài bộ nọc, người ta làm thêm 3 bộ bài con để phát cho các chòi. Các con bài được viết trên những thẻ tre nhuộm ba màu: trắng, xanh, đỏ.

Khi các chòi đã đủ người chơi, đại diện bô lão trong làng sẽ nổi hồi “khai chòi”. Anh Hiệu sẽ rút một con bài trong ống ra rồi xướng tên nó lên. Chòi nào có con bài trúng thì gõ lên 3 tiếng mõ. Anh Hiệu sẽ chạy đến trao cho chòi ấy con bài. Khi chòi trúng đủ 3 con thì bài đã tới. Chòi đó phải gõ một hồi mõ và chuẩn bị nhận thưởng.

Sinh thời, NSƯT Phan Ngạn từng tự tin cho rằng, dù hội đánh bài chòi được phổ biến ở nhiều nơi nhưng không nơi nào có thể đánh bài chòi đúng chất cổ như ở Bình Định. Bởi Bình Định là đất của hát bội. Bài chòi cổ Bình Định tiếp thu những tinh hoa của hát bội và đã tạo nét riêng cho mình. Có thể cách chơi ở các nơi đều tương tự nhau, nhưng những câu thai được các chú Hiệu ở Bình Định góp nhặt từ lúc 5, 6 tuổi cho đến 70, 80 tuổi thì không nơi nào có được. Điều này cũng được ông Trần Đức Hùng, cán bộ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh - người từng tiến hành khảo sát việc hô, hát bài chòi ở khu vực miền Trung để phục vụ cho luận án thạc sĩ của mình - xác nhận.

 

Diễn tập để chuẩn bị cho Hội đánh bài chòi vào sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Huyền Trân

 

* Vui Xuân khai hội bài chòi

Đầu tháng 9 năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định bắt đầu triển khai các bước thực hiện Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định. Các bước bao gồm: thu thập, sưu tầm câu thai, chọn nghệ nhân tập hô câu thai, tập chạy hiệu; phục dựng hệ thống chòi, hoàn thành các vật dụng như bộ bài cái, bài con, trang phục, đạo cụ; triển khai tập luyện.

Tại cuộc gặp mặt để bàn việc bảo tồn, hàng chục “cây đa cây đề” cùng một số bạn trẻ yêu thích bài chòi cổ ở An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn đều bày tỏ vui mừng khi loại hình này được quan tâm bảo tồn. Nghệ nhân Lê Thị Đào xúc động cho biết, khi nào còn sức khỏe, bà còn tham gia dạy hát cho lớp trẻ. Bầu Tín (Vĩnh Thạnh), bầu Lưỡng, nghệ nhân Minh Liễu, Lệ Hoa, Mạnh Hổ (An Nhơn), nghệ nhân Minh Đức, Văn Minh (Phù Cát), nhạc công Nguyễn Văn Quý (Tuy Phước), Nguyễn Kế Duyệt (Phù Cát)… đều hứa sẽ góp sức mình để dự án thành công.

Ông Đào Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành viên của Dự án cho biết, hiện các bước cuối cùng đang gấp rút thực hiện, để sáng mùng 1 Tết, tại Hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), hội bài chòi sẽ “đậu bến” và khai hội đầu năm.

Những ai yêu mến các câu hô, câu hát bài chòi cổ thấm đẫm tự tình quê hương chắc hẳn đang háo hức lắm, bởi lâu rồi một hội đánh bài chòi bài bản được tổ chức. Và cũng bởi khi đến đó, họ không chỉ được nghe những câu diễn xướng đầy dí dỏm, sáng tạo của anh Hiệu, mà tối lại, còn được thưởng thức những trích đoạn tuồng cổ đặc sắc - đã một thời làm mê đắm lòng người như Tam hạ nam đường, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lang Châu Lý Ân…

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ Tây Sơn sang đất Ý  (22/01/2011)
Năm Mão bàn chuyện “Võ mèo”  (22/01/2011)
Mướt xanh màu lá  (22/01/2011)
Nức danh quà bánh xứ Dừa  (22/01/2011)
Có một Quy Nhơn... phở!  (21/01/2011)
Tết vùng cao  (21/01/2011)
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (21/01/2011)