PHÙ ĐIÊU THẦN BRAHMA VÀ MAHISHA – MARDINI:
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc
11:17', 23/1/ 2011 (GMT+7)

Trong năm sưu tập đăng ký “Bảo vật quốc gia” của Bảo tàng Bình Định, đáng chú ý là phù điêu thần Brahma và thần Mahisha – Mardini. Đây là hai tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa đặc sắc hiện còn nguyên vẹn nhất. Năm 2004, Bảo tàng Hoàng gia Bỉ đã mượn hai tác phẩm này trưng bày tại Bỉ và Áo hơn 1 năm.

1.

Phù điêu Brahma được phát hiện năm 1985, trong một hố thám sát trước tiền sảnh tháp Bắc của cụm tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn). Phù điêu là một chiếc lá nhĩ khá lớn (cao 1,3m, rộng 0,88m, dày 0,23m), thể hiện một vị thần 3 đầu 8 tay trong tư thế nhìn thẳng cân đối. Vị thần đứng hai chân chùng xuống, đầu gối bành ra hai bên, hai tay chính bắt quyết trước ngực. Từ hai bắp tay, mỗi bên mọc ra ba tay phụ cầm những vật khác nhau: bông sen, vòng, chùy, dao… Tuy không mặc áo, nhưng chiếc vòng cổ hai lớp che kín phần trên của ngực, thần mặc Sampot, diềm Sampot trang trí hình cánh sen, vạt buông rủ trước bụng. Thần ngồi trên một tòa sen, những cánh sen nhọn kết dải hướng lên làm nền cho tượng.

 

Phù điêu thần Brahma.

 

Brahma là vị thần sáng tạo, người đã định dạng vũ trụ và canh gác, bảo vệ thế giới. Đôi khi thần cũng được coi là người đã sinh ra toàn thể nhân loại. Trong bộ tam vị (Brahma, Shiva và Vishnu) của Hindu giáo, Brahma được phân định như một vị thần sáng tạo, còn các chức năng của một vị thần toàn năng thì chuyển giao bớt qua thần Visnu hoặc Shiva. Khi vũ trụ được sáng tạo ra rồi, thì mối quan tâm chuyển qua hai vị thần Bảo tồn (Visnu) và Hủy diệt (Shiva).

Trong nghệ thuật Ấn Độ, tượng Brahma được biểu thị bốn khuôn mặt, mỗi khuôn mặt nhìn về một hướng. Bốn khuôn mặt tượng trưng cho bốn pho kinh Veda, hoặc là những bộ thánh ca thiêng liêng. Với phù điêu, thần Brahma chỉ thể hiện ba đầu (đầu thứ tư khuất phía sau). Hiện nay, không tìm thấy nhiều các điêu khắc về Brahma trong nghệ thuật Chăm. Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 2 phù điêu thần Brahma, một phát hiện ở Chánh Lộ (Quảng Ngãi) và một phát hiện ở tháp Mẫm (Bình Định). Cả hai phù điêu này không còn nguyên, kích thước nhỏ (cao 83cm và 99cm) và nghệ thuật điêu khắc đơn giản hơn Brahma Dương Long.

2.

Phù điêu Mahisha – Mardini phát hiện tại phế tích Núi Cấm, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn năm 1988, cao 1,27m, rộng 1,15m, dày 0,07m-0,12m, phía sau có chốt nhô ra để gắn vào kiến trúc. Phù điêu thể hiện một phụ nữ đang múa trong tư thế hai chân chùng xuống, mông đưa về bên trái, tay trái chống bên hông, tay phải cầm mũi tên. Tám tay phụ uyển chuyển, nhịp nhàng trong những động tác múa khác nhau, hai tay trên cùng đan vào nhau tạo thành hình chóp đưa cao quá đầu, sáu tay còn lại mỗi tay cầm một vật: tù và, cung, trượng, mũi tên, kiếm, đinh ba. Năm đôi tay nõn nà mềm mại thể hiện năm hoạt động của vũ trụ: Sáng tạo, Bảo tồn, Hủy diệt, Hóa thân và Giải thoát. Thần như đang múa trên mình hai con thủy quái Markara đầu quay ra hai bên đối xứng nhau. Trang phục là loại Sampot ngắn trang trí những hạt tròn kết dải được thắt trễ ở bụng dưới, từ bụng tà sampot buông dài xuống gót chân.

 

Phù điêu thần Mahisha – Mardini.

 

Mahisha – Mardini là tên khác của Durga vì đã giết quỷ Mardini. Bà được sinh ra bởi sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của nhiều vị thần khác nên đã có được tất cả các yếu tố tinh tế tuyệt vời của mỗi vị thần. Shiva cho đinh ba, Varuna cho tù và ốc, Pavana cho cung tên, Indra cho lưỡi tầm sét, Yama cho gậy, Barahma cho bình nước, các vị thần khác cho vật biểu trưng của họ. Được đặt các vũ khí ấy vào tay, nữ thần cưỡi con sư tử và đã trừ được Mahishasura.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có hai tác phẩm Mahisha – Mardini kích thước nhỏ, một phát hiện ở Chiên Đàn (cao: 64cm), một phát hiện ở Trà Kiệu (cao: 73cm, phù điêu bị vỡ và mất nửa dưới) thuộc Quảng Nam, nghệ thuật điêu khắc đơn giản.

3.

Hai phù điêu thần Brahma (Dương Long) và Mahisha – Mardini (Bình Nghi) là hai tác phẩm điêu khắc Champa đặc sắc và tiêu biểu của phong cách Bình Định nói riêng và nghệ thuật Champa nói chung.

Trong điêu khắc, phong cách Bình Định là sự lựa chọn những yếu tố của Đồng Dương và Trà Kiệu để có thể dung hợp và tạo nên một xu hướng hiện thực huyền ảo, tính hoành tráng, cái đẹp của những kết cấu mảng trong kiến trúc và khối trong tạo hình điêu khắc.

Hai tác phẩm được thể hiện một mặt kế thừa những truyền thống của điêu khắc Chăm trước đó, nhưng chừng mực nhất định ảnh hưởng nghệ thuật Khơme và nghệ thuật Đại Việt thời Lý – Trần. Trong điêu khắc, phong cách Bình Định là sự lựa chọn những yếu tố của Đồng Dương và Trà Kiệu để có thể dung hợp và tạo nên một xu hướng hiện thực huyền ảo, tính hoành tráng, cái đẹp của những kết cấu mảng trong kiến trúc và khối trong tạo hình điêu khắc.

Hai phù điêu trên là những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của nền nghệ thuật điêu khắc cổ Champa, tư thế sống động, hình khối gọn khỏe, tỉ lệ cân đối, chạm khắc tinh tế trau chuốt có giá trị nghệ thuật cao, mang nhiều yếu tố mỹ thuật truyền thống, đặc biệt là phù điêu Mahisha – Mardini rất gần gũi với tác phẩm vũ nữ Trà Kiệu. Đây là một đặc trưng văn hóa quan trọng ở Đông Nam Á: “thống nhất trong đa dạng”. Thống nhất trong chủ đề thể hiện, đa dạng trong cách thể hiện chủ đề.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bảo vật” đất tuồng  (22/01/2011)
Xuân này vui hội bài chòi  (22/01/2011)
Võ Tây Sơn sang đất Ý  (22/01/2011)
Năm Mão bàn chuyện “Võ mèo”  (22/01/2011)
Mướt xanh màu lá  (22/01/2011)
Nức danh quà bánh xứ Dừa  (22/01/2011)
Có một Quy Nhơn... phở!  (21/01/2011)
Tết vùng cao  (21/01/2011)
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (23/01/2011)