Sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vang dội trong lịch sử dân tộc, nhiều nghĩa quân Tây Sơn đã mãi mãi nằm lại trên đất Thăng Long. Hơn 220 năm sau, tôi thật xúc động khi đứng tại nơi “nguyên là Nghĩa địa của những liệt sĩ nghĩa quân Tây Sơn” giữa phố phường Hà Nội...
|
Chùa Kim Sơn nằm trên một con phố lớn ở TP Hà Nội.
|
1.
Một lần đến chùa Kim Sơn (hay còn gọi là chùa Kim Mã) ở Hà Nội, ông Nguyễn Vĩnh Hảo (TP Quy Nhơn) biết được nơi đây từng là nghĩa địa của nghĩa quân Tây Sơn. Chùa Kim Sơn ngày xưa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập tam trại, nằm ở phía Tây thành Thăng Long. Theo sử sách, vùng này là một bãi chiến trường trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm 1789. Nhiều liệt sĩ Tây Sơn được an táng ở đây, dân làng lập Am Vạn Lịch thờ cúng người đã mất. Sau dựng thêm chùa Tàu Mã (chuồng Ngựa) ở bên cạnh am. Cuối thế kỷ 19, có cuộc thu gom hài cốt quanh vùng đưa về một nơi, đồng thời đổi tên chùa Kim Sơn. Bài văn tế chiến sĩ trong trận vong của chùa Kim Sơn vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm có đoạn: “Đống Đa quyết chiến, Long Đỗ xung phong, biết bao công liệt, trong lúc chiến tranh đem thân giúp nước, nổi tiếng anh hùng”.
Xúc động dâng trào trước những liệt sĩ Tây Sơn, những người con của quê hương Bình Định đang nằm lại trong khuôn viên ngôi chùa cổ, ông Hảo quyết định chuyển những cây mai vàng Bình Định ra Hà Nội, xin phép được trồng ở chùa Kim Sơn. Ý tưởng của ông Hảo được sự đồng cảm của nhiều người và một số người đã đóng góp cây mai để bày tỏ tấm lòng kính ngưỡng đến vong linh nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn.
|
Tấm bia đá mang thông tin “Nơi đây nguyên là Nghĩa địa những liệt sĩ của nghĩa quân Tây Sơn” đã phai mờ nhiều vì thời gian.
|
2.
Cuối tháng 9. 2010, trong dịp ra Hà Nội tham dự Hội thảo khoa học Bình Định - Tây Sơn với Thăng Long – Hà Nội, tôi tranh thủ thời gian tìm đến viếng chùa Kim Sơn (73 Kim Mã, Quận Ba Đình). Cứ tưởng chùa Kim Sơn sẽ nhuộm màu rêu phong và nằm ở một nơi yên ắng, nhưng ngược lại, ngôi chùa được trùng tu tôn tạo rất bề thế, tọa lạc trên một khu đất rộng, mặt tiền con phố lớn đông đúc.
Thật ấm lòng khi thấy tấm băng rôn “Vườn mai Nghĩa sĩ Tây Sơn” treo trang trọng trên cổng chùa Kim Sơn. Nhờ vậy mà đã có thêm nhiều người dân qua lại trên đường biết đến những liệt sĩ nghĩa quân Tây Sơn...
Cổng chùa Kim Sơn đóng kín, gọi mãi mà không thấy ai, tôi định ra về thì may thay, sư cô chủ trì Thích Nữ Đàm Tiến đã ra mở cửa. Mới đầu vị sư chủ trì định không cho người lạ vào vì đang vắng người trông coi, bà lại bận rộn công việc. Thế nhưng khi tôi trình bày là người Bình Định muốn viếng vong linh nghĩa quân Tây Sơn, sư cô đã đồng ý cho vào một lát.
Đóng lại cổng chùa, sư cô dẫn tôi qua con đường hành lang tĩnh mịch ra khu vườn phía sau, đến nơi đặt tấm bia đá khắc dòng chữ “Nơi đây nguyên là Nghĩa địa những liệt sĩ của nghĩa quân Tây Sơn” đã phai mờ đi rất nhiều vì thời gian. “Chùa Kim Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1985, riêng tấm bia đá được Bộ VHTT khi ấy cho dựng lên năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Bên trong chùa còn có khám thờ vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn…” - sư cô Thích Nữ Đàm Tiến cho biết.
Tấm bia đá cũ kỹ, lạnh lẽo mang thông tin về nghĩa quân Tây Sơn trở nên ấm áp hơn từ những chậu mai đong đầy “tình cảm quê hương” đã vượt ngàn cây số từ Bình Định ra Hà Nội để sát cánh gần bên. Điều này khiến tôi liên tưởng nghĩa quân Tây Sơn cũng như những cây mai Bình Định tỏa sắc vàng rực rỡ, làm nên mùa xuân Thăng Long đại thắng.
Có lẽ mùa xuân này, vong linh nghĩa sĩ Tây Sơn, vong linh những người con Bình Định sẽ ấm hơn nhờ bầu bạn với những đóa mai vàng quê nhà…
|