Với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất là đời
11:10', 23/1/ 2011 (GMT+7)

“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” là một câu thơ mang “thương hiệu” Xuân Diệu. Có lẽ, trong rất nhiều động từ thể hiện cái cảm giác vồ vập, siết chặt, níu giữ hay sợ hãi một cái gì trôi tuột, thì động từ “cắn” mà Xuân Diệu dùng cho câu thơ này là mạnh mẽ nhất và chính xác nhất. Nhà thơ chỉ hơn người thường ở cách dùng chữ, vẫn là những chữ đó thôi, khỏi cần “sáng tạo” thêm những chữ mới chưa có trong đời sống và trong ngôn ngữ, nhưng sử dụng chúng thế nào, đặt chúng vào đâu trong văn cảnh, trong trường ngữ nghĩa, trong mạch cảm xúc, điều đó quyết định đẳng cấp nhà thơ. Xuân Diệu chỉ chơi một chữ “cắn”, thế là xong béng tất cả những cảm giác, những cảm xúc, những cảm thấy về những gì tuyệt ngon, tuyệt đẹp, tuyệt khoái cảm mà mùa xuân mang lại cho con người. Nhưng vì sao Xuân Diệu viết được chữ “cắn” trong câu thơ đó, thì là cả một câu chuyện dài.

 

Đêm thơ nhạc Quê hương kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh: Sao Ly

 

Xuân Diệu là người yêu đời, yêu vồ vập, yêu đắng đót (như chữ dùng của ông) và yêu đằm thắm như con yêu mẹ, mẹ yêu con:

“Theo ý má, con là hơn tất cả

Ánh mặt trời, má cũng gửi vào con

Bánh con cho, má để dành lại đã

Con ăn cùng, má mới thấy quà ngon”

(Thơ tặng má)

Với một nhà thơ có hàng ngàn bài thơ, mấy ngàn trang viết để lại cho đời, thì trích dẫn Xuân Diệu luôn là một thách thức với bất cứ ai muốn viết về ông. Tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng tôi, yêu bất chợt một bài thơ nào đó của Xuân Diệu, tôi lại cứ muốn trích nhiều hơn:

Má thường nhắc chuyện ở trong Bình Định

Con cá, con tôm, mắm muối thế nào

Chuyện làng vạn xưa kia hò giã gạo

Những tiếng chày nện cối suốt đêm sao”

(Thơ tặng má)

Xuân Diệu thường có một giọng thơ đặc biệt tâm tình, đặc biệt khẽ nhẹ như vậy khi viết về mẹ mình, viết về quê mẹ mình:

“Quy Nhơn nhà cũ cạnh chùa Bà

Gió biển thường vô kể chuyện xa”

(Tâm sự với Quy Nhơn)

Nếu thơ tình của Xuân Diệu là thơ tình trong khao khát và cố giấu nỗi buồn thất vọng, thì thơ tình yêu cuộc sống của ông lại quấn quít ta như lửa bếp, như nắm rau vừa lặt, như khu vườn chợt quang quẽ “còn mang dấu chổi quét ban mai”.

Đó là một giọng thơ thật trầm ấm, chất chứa những nỗi niềm, và giản dị tới mức như những lời nói thường, bất chợt thốt lên. Người ta nói, Xuân Diệu là  “Ông Hoàng thơ tình”, với nghĩa ông là chủ nhân của hàng mấy trăm bài thơ tình yêu - cái tình yêu cổ xưa nhất của nhân loại là tình yêu trai gái - trong đó có những bài tuyệt tác. Nhưng tôi nghĩ, Xuân Diệu còn là Ông Hoàng của thơ viết về tình yêu cuộc sống, thơ về đời sống, một dòng thơ mộc mạc hiếm có ở một người đã từng sở hữu những câu thơ trau chuốt vào bậc nhất trong thơ Việt:

“Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận”

(Nguyệt cầm)

Hay:

“ -Tôi là con nai bị chiều đánh lưới

Chẳng biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”

(Khi chiều giăng lưới)

Một nhà thơ như thế vẫn viết được những câu thơ quá đỗi thân gần, ấm áp về đời sống, một đời sống hiện tồn và không dứt, một đời sống chảy trôi bình thản và còn lại ngay cả khi ta lơ đãng bỏ qua:

“Một buổi chiều trong bếp nấu cơm

Má đang lặt rau, lửa nhè nhẹ cháy

Một buổi chiều trong vườn sạch lá

Đất còn mang dấu chổi quét ban mai”

(Một buổi chiều)

Nếu thơ tình của Xuân Diệu là thơ tình trong khao khát và cố giấu nỗi buồn thất vọng, thì thơ tình yêu cuộc sống của ông lại quấn quít ta như lửa bếp, như nắm rau vừa lặt, như khu vườn chợt quang quẽ “còn mang dấu chổi quét ban mai”.

Có một hình ảnh về Xuân Diệu khiến tôi nhớ mãi. Ấy là một buổi chiều ở Kiep, tháng 5.1985, gọi là chiều vì mùa hè ở châu Âu mặt trời chỉ tắt khi đã 10 giờ đêm, mà lúc ấy vào khoảng 9 giờ tối, bên ta gọi là quá hoàng hôn mà non chập choạng. Xuân Diệu ngồi im lặng trên một chiếc ghế đá cạnh bến tàu điện, loại tàu điện mà Tây gọi là “troleybus” - tàu điện chạy bánh hơi. Trông Xuân Diệu lúc ấy thật buồn, cứ như ông đang nhìn theo từng chuyến tàu điện - con tàu của đời sống - đang chạy xa dần nơi ông ngồi, chạy xa mà ông không thể lên tàu, hay ông bị nhỡ tàu. Lúc ấy, có một bà cụ người Ukraina đến bên chúng tôi và nói: “Đây là chuyến tàu điện cuối cùng!”. Xuân Diệu như sững người. Nhưng ông không nói gì. Tôi không thể ngờ, chỉ khoảng 7 tháng sau, Xuân Diệu đã về một nhà ga vĩnh viễn xa lắc xa lơ nào đó. Dù sau đó chúng tôi còn một chuyến đi thực tế với Xuân Diệu về Tuy Phước quê mẹ ông, nhưng tôi có cảm giác, vào tháng 5.1985 ấy, ở một bến tàu điện xứ người, tôi đã lần cuối cùng được ngồi lặng lẽ bên Xuân Diệu. Bây giờ tôi mới hiểu, cái dáng vẻ lặng buồn như tượng của Xuân Diệu lúc ấy là bởi ông đã linh cảm chuyến đi cuối cùng của mình và ông tiếc nuối bao nhiêu cuộc đời mình đã yêu, đã sống. Bởi, với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất vẫn là đời sống, một đời sống thô tháp, giản dị, thân gần, ấm áp và cả những lạnh lẽo mà ông đã  yêu, “cho tới hơi thở cuối ”.

Kỷ niệm 25 năm ngày mất của Xuân Diệu

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mai vàng Bình Định trên đất Thăng Long  (22/01/2011)
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc  (22/01/2011)
“Bảo vật” đất tuồng  (22/01/2011)
Xuân này vui hội bài chòi  (22/01/2011)
Võ Tây Sơn sang đất Ý  (22/01/2011)
Năm Mão bàn chuyện “Võ mèo”  (22/01/2011)
Mướt xanh màu lá  (22/01/2011)
Nức danh quà bánh xứ Dừa  (22/01/2011)
Có một Quy Nhơn... phở!  (21/01/2011)
Tết vùng cao  (21/01/2011)
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (23/01/2011)