Ăn Tết xưa
9:27', 22/1/ 2011 (GMT+7)

* Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Đất nước ta có bề dày lịch sử và văn hiến 4.000 năm, cho nên quanh năm có nhiều lễ, Tết. Lễ thì chủ yếu là các hình thức kỷ niệm, thiên về giáo dục truyền thống - lịch sử. Còn Tết thì rõ ràng là ‘’ăn Tết’’: Ăn Tết Nguyên đán, ăn Tết Đoan ngọ, ăn Tết Trung thu... Nay xem thử người quê tôi ăn Tết Nguyên đán có những gì?

 

Chợ phiên ngày giáp Tết. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Bình thường, các chợ quê 5 ngày họp một phiên, nhưng đến đầu tháng Chạp thì chợ nhóm hàng ngày, từ ngày 22 tháng Chạp trở đi còn nhóm đêm ở chợ Gò Chàm. Chợ tháng Chạp đông cả ngày, không có cảnh “Chợ chiều nhiều khế ế chanh” như chợ ngày thường. Người đi chợ mua sắm Tết, không để thiếu thứ gì: Từ vải vóc, quần áo, thức ăn (thịt cá, gà vịt, bánh trái) đến dụng cụ gia đình... Không ít nhà thích “tự cấp, tự túc” nuôi heo, nuôi gà vịt từ giữa năm để dành đến cuối năm ăn Tết.

Bởi tại “Thú quê thuần hức bén mùi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), tôi đã từng lưu lạc, ăn Tết ở đâu, cũng nhớ Tết quê nhà. Tết quê tôi, nhà nào cũng có mấy món ăn “căn bản”: Giò, thịt bì, thịt thưng, thịt kho tàu, bánh tét, bánh tráng, dưa kiệu... Đồ ngọt thì bánh in, rim gừng, bánh thuẫn... Hoa quả có chuối, đu đủ, bưởi, dưa hấu... Món thịt bì, thịt thưng, theo tôi là món ngon nhưng không biết sao bây giờ vắng bóng ở nhiều gia đình trong dịp Tết?

Xin kể sơ lược một chút về cách chế biến vài món ngon. Thịt đầu heo luộc xắt nhỏ, cho gia vị mắm muối, hành tiêu, rồi dùng rạ khô bì lại, mỗi bì bằng cái bắp chuối, xong nẹp chặt giữa hai thanh tre cật, treo thành chùm ở đầu cột nhà. Bì nhỏ nước rỉ rả, chừng ba ngày thì khô. Mỗi lần ăn, lấy xuống, tháo nẹp, mở lạt, vạch rạ moi thịt ra để trộn với bánh tráng nướng giã nát vụn, bột bánh in mà ăn. Ăn thịt bì không béo, nhai giòn giòn sựt sựt, kèm bánh tét, cuốn với bánh tráng, hớp tí rượu, thấy ngon hết ý, ngon đến tận ngũ giác quan. Thịt thưng là thịt nấu chín mà không rục. Thịt bò tươi xắt khúc to bằng cườm tay, cho vào trã bộng, trộn đều đường, mắm, hành, tiêu, đổ nước sết, xong bắc lên bếp chụm lửa riu riu, giữ cho nước sôi chậm chậm, cốt cho thịt chín từ từ. Khi hơi đã bốc đều thì đậy vung trã lại, để cho nước sôi vài tiếng đồng hồ, đến khi nước khô, thịt thấm thì tắt lửa. Chờ cho thịt nguội, đem hong gió cho khô là có món thịt thưng, ăn thơm ngon, thấm tháp, ngậm nghe. Nhất là có uống kèm vài chung con rượu gạo quê nhà, do nhà tự cất nấu. Cũng nghe nói, thịt thưng cùng với bánh tráng là lương khô nghĩa quân Tây Sơn mang theo trong cuộc hành quân ra Thăng Long đánh đuổi quân Thanh, tạo nên trận thắng Đống Đa lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. 

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu, cho nên mấy ngày Tết có cúng cơm bữa. Bởi thế, người nội trợ đi mua sắm các món cho Tết phải sắm theo tinh thần “trước cúng sau cấp” tức là mua món ngon, không được cẩu thả mà thất lễ với trên trước. Đêm 30, nhà nào cũng thức để đón giao thừa và canh nồi bánh tét đang nấu trên bếp. Bánh tét nấu đến quá nửa khuya thì chín, sắp lên bàn thờ mấy đòn để cúng, còn lại để tét ăn dần, từ ngày mồng một đến ngày mồng bảy “hạ nêu”. Nhưng ăn bánh tét ngon nhất là “ăn liền” lúc bánh tét nóng hôi hổi vừa vớt từ nồi ra. Tết mà không có bánh tét, chẳng ra Tết. Có nhà “tham ăn”, một cái Tết nấu bánh tét tới vài ba lần: 30, mồng bảy, là 2 lần, lại rằm Giêng bồi thêm một keo nữa. Tại sao ngoài Bắc bánh chưng, trong Nam bánh tét? Có người giải thích: Bánh chưng gói lỏng tay mau thiu thích hợp với xứ lạnh, bánh tét gói chặt, chịu xứ nóng. Có phải vậy không?

 

Gói bánh chưng, bánh tét. Ảnh: Hoàng Vũ

 

Tết đâu phải chỉ có vật chất mà còn có tinh thần nữa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” (Ca dao). Mấy ngày trước Tết, nhà nào cũng lo trang trí nhà cửa, lau chùi bàn thờ gia tiên, tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm cho khang trang, sạch đẹp. Nhiều nhà trồng trụ đèn trái ấu, cây nêu cao ở trước sân, dán câu đối Tết ở hai trụ ngõ. Hoa Tết lại càng không thể thiếu. Cúc, thược dược, vạn thọ... nhà trồng, nở rộ, khoe sắc khoe hương ở trong sân, lại rủ đàn bướm bay về, dệt nên một cảnh Xuân sắc màu và sinh động.

Mấy ngày Tết ở các sân đình tổ chức các trò chơi: Hội bài chòi, đánh đu, đập ấm, bịt mắt bắt dê... Người trong làng ra xem, chàng trai cô gái làng nọ sang làng kia đến xem, vừa du xuân vừa giao duyên để sau đó nên chuyện tình: “Trai Thuận Thái nhớ gái Kim Tài/ Trách sông Gò Chàm nó chảy rẽ hai chúng mình” (Ca dao). Đình Trung Lý, đình Tân Dân, chùa Ông trong thành Bình Định, Tết nào cũng xổ cổ nhân - một trò chơi đòi hỏi kiến thức trong sách vở. Đánh cờ người thì hay tổ chức ở Cảnh Hàng, Háo Lễ... Những nhà có học thức: Thư sinh, hàn sĩ, tú, cử... thường lấy việc “khai bút” đầu xuân làm thú tao nhã. Từ mồng Năm trở đi có nhiều lễ hội ở các đình chùa: Vía Chùa Ông Bình Định 12, chùa Bà Liêm Lợi 17, Tổ nghề dệt Chùa Kén - Phương Danh 21, tế Thành Hoàng của các làng... Các lễ hội có cúng tế, hát bội, náo nức lắm, người xem đến mỏi mắt mà không chán.

Trên là Tết xưa ở đất phát tích sự nghiệp anh hùng của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, của phong trào Tây Sơn, đất được tiếng là đất “trầm tích văn hóa”. Trên quê hương tôi, Tết ngày nay đã khác Tết xưa nhiều. Người thị thành có Co.op Mart, Metro… sầm uất hàng nội, hàng ngoại sắm Tết cho; dân trong các làng quê người có tiền nhiều thì lên chợ thị trấn mua sắm, người tiền ít ra chợ quê mua sắm tí đỉnh. Lễ hội dẫu có thưa thớt hơn xưa, nhưng cũng kéo dài đến hết tháng Giêng. Có Lễ hội Chiến thắng Đống Đa vào mồng 5 Tết, thu hút đến vạn người đi xem. Ai ái mộ thơ đã có Đêm thơ Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng tổ chức ở huyện, ở tỉnh, chớ ông thầy đồ, ông túc nho, anh sĩ tử… gò lưng khai bút mồng một Tết như thuở nào, nay đã vắng bóng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất là đời  (22/01/2011)
Mai vàng Bình Định trên đất Thăng Long  (22/01/2011)
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc  (22/01/2011)
“Bảo vật” đất tuồng  (22/01/2011)
Xuân này vui hội bài chòi  (22/01/2011)
Võ Tây Sơn sang đất Ý  (22/01/2011)
Năm Mão bàn chuyện “Võ mèo”  (22/01/2011)
Mướt xanh màu lá  (22/01/2011)
Nức danh quà bánh xứ Dừa  (22/01/2011)
Có một Quy Nhơn... phở!  (21/01/2011)
Tết vùng cao  (21/01/2011)
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (21/01/2011)