Hàng năm, Khoa Kinh tế (Trường ĐH Quy Nhơn) đều tổ chức dạ hội nghiệp vụ kinh tế dành cho sinh viên (SV) trong toàn khoa. Dạ hội tạo cơ hội cho SV rèn luyện khả năng ứng xử, sáng tạo và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
|
Viết thư pháp - “nghề” độc và đắt khách của SV tại dạ hội.
|
Năm nay, dạ hội thu hút 47 gian hàng. Các gian hàng đều được SV tạo nét ấn tượng, hấp dẫn khác biệt nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nét mới của dạ hội năm 2007 là gian hàng trang trí cầu kỳ và phong phú các loại mặt hàng. Mặt hàng truyền thống như rượu Bầu Đá, gốm sứ, hàng lưu niệm bằng bánh tráng… xuất hiện nhiều hơn mọi năm. Đặc biệt, các gian hàng của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh và các ngân hàng như SCB, ACB… tạo sức hấp dẫn lớn.
Dạ hội chỉ diễn ra trong 2 ngày (ngày 1 và 2.12) nhưng thu hút đông đảo SV của trường và các bạn trẻ ở TP. Quy Nhơn. Tại đây, SV đã thể hiện được nhiều ý tưởng táo bạo, hấp dẫn từ khâu tiếp thị, quảng cáo đến trưng bày các mặt hàng… Gian hàng trưng bày sản phẩm hàng lưu niệm với lồng đèn, đèn ngủ, tranh thư pháp… bằng bánh tráng do các bạn SV lớp Quản trị kinh doanh K29 tự làm đã bán hết trong vòng 1 ngày. Bạn Huỳnh Thanh Tuấn (lớp Quản trị kinh doanh B K30) cho biết: “Các mặt hàng lưu niệm bằng giấy, nến của tụi em không đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng. Những chậu cây cảnh mi ni do các bạn trong lớp trồng và sưu tầm được cũng khá đắt khách”.
Các gian hàng đều nhận được sự tài trợ của công ty, DN trong và ngoài tỉnh. SV chứng tỏ được sự linh hoạt, thể hiện mình trong việc tìm kiếm các đề án kinh doanh, thuyết phục các DN tài trợ kinh phí hỗ trợ cho gian hàng của mình. Bạn Hoàng Thị Ánh (lớp Tài chính DN K27) tâm sự: “Em đã phải chuẩn bị khá nhiều khâu, nhất là việc xây dựng đề án kinh doanh mới có thể thuyết phục được Ngân hàng SCB tài trợ với công việc phát hành thẻ ATM và quảng bá thương hiệu”. Riêng bạn Trần Tô Diệu Linh (lớp Kinh tế phát triển) thì bộc bạch: “Dạ hội là nơi SV thể hiện tinh thần đoàn kết trao đổi kinh nghiệm trong việc vận động tài trợ, bán hàng và làm quen với môi trường công việc mới đúng ngành học. Đặc biệt, tụi em có dịp thực tập cách làm việc theo nhóm và thực hiện các ý tưởng”.
Dạ hội kết thúc, kết quả mà nhiều SV gặt hái được không phải là lợi nhuận mà là kinh nghiệm thực tế. Nhiều gian hàng nhờ vận động được tài trợ nên mới tránh thâm hụt quỹ lớp. Còn bạn Tuấn thì ngậm ngùi: “Do lần đầu tham gia dạ hội nên tụi em chưa có kinh nghiệm. Các mặt hàng tụi em tự làm có giá trị phù hợp với túi tiền SV khá ít nên bán sạch. Trong khi đó, nhiều mặt hàng khá đắt tiền vì mẫu mã, bao bì đẹp….lại không bán được. Đó là một bài học kinh nghiệm đáng giá mà em rút ra được từ dạ hội”. Nhiều bạn thiếu tự tin trong lĩnh vực kinh doanh chỉ vận động các nhà tài trợ trưng bày và phát tờ rơi quảng cáo sản phẩm.
Song song với việc tổ chức dạ hội, Khoa Kinh tế còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức kinh tế - xã hội bằng hình thức biện luận và hội diễn văn nghệ. Thầy Hoàng Mạnh Hùng (Bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế) cho biết: “Đây là những hoạt động nhằm tạo sự phong phú, sức lôi cuốn khách hàng đến dạ hội và tạo sân chơi lành mạnh cho hơn 2.500 SV của khoa và nhiều SV trong trường tham dự. Dạ hội là một trong những hoạt động mà khoa muốn SV có cơ hội tiếp cận với nhu cầu DN đề ra. Hàng năm, khoa còn tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi giữa DN với SV toàn khoa”.
|