* Truyện ngắn của Mai Linh Giang
|
Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền |
Hắn cố tình đến quán cà phê chậm hơn mười phút nhưng cũng phải chờ thêm mười phút nữa nàng mới đến. Đỏng đảnh, chải chuốt, mắt nhìn thẳng, môi điểm nhẹ nụ cười và nhún nhảy qua hai dãy bàn ghế kín người, nàng vào góc quán nơi hắn đang chăm chú với tờ báo trên tay.
- Anh chưa gọi gì à?
- Có, anh gọi cà phê rồi, em uống gì gọi đi- Hắn trả lời nhưng mắt không rời tờ báo.
- Có tin gì nóng không?- Nàng hỏi chỉ để hỏi, bởi vừa dứt lời đã quay sang kêu nhân viên phục vụ làm nước cho mình. Hắn cũng biết vậy, nên không trả lời, lặng lẽ đặt tờ báo lên bàn và tiện tay đỡ lấy ly cà phê cô phục vụ vừa mang lên. Nàng im lặng nhìn hắn khuấy cà phê. Hắn biết nàng sẽ nói gì sau cái nhìn chăm chú ấy.
- Sao lúc nào em thấy anh cũng tất bật, cũng bận rộn!
Như những lần khác, hắn định nói:
- Anh quen rồi, biết làm sao được? Nhưng tiếng “Anh” vừa thốt ra đã lẩn trong tiếng reo mừng rỡ của cô bé chừng mười, mười một tuổi, tay cầm tập vé số ào đến bên hắn:
- Chú! Cháu tìm chú từ tối hôm qua đến giờ! Vé số chú đâu, cho cháu xem. Chú trúng rồi đấy. Nghe cô bé ríu rít, hắn cười:
- Thật không? Đừng cho chú đi tàu bay giấy nhé- hắn móc túi, lấy xấp vé số đưa cho cô bé. Cô bé lấy tờ giấy in kết quả ra so, rồi reo lên:
- Chú trúng thật rồi, vé cháu bán cháu biết mà. Chú ở đây chờ cháu nhé. Cô bé cầm tập vé số vụt ra khỏi quán cà phê.
Chưa biết sự thể thế nào, nhưng thấy cô bé biến mất với tập vé số hắn đưa, nàng tròn mắt:
- Ơ ! Sao bảo vé số trúng thưởng mà?
- Ừ! Chắc con bé đi nhận giúp anh đấy!
- Anh quen nó à?
- Không! Mới gặp hôm qua thôi.
Hôm qua, tầm 5 giờ chiều, trời bỗng đổ mưa. Hiên nhà nơi hắn tạt vào đã có hai đứa bé lỡ đường đang co ro tránh cơn gió thốc. “Bạn bán hết chưa? Mình còn nhiều quá. Hôm nay mẹ mình bị cảm không đi bán rau được, mình lại bán không hết vé số, biết tiền đâu mua gạo, mua thuốc”- Cô bé chừng hơn mười tuổi ngước đôi mắt âng ấng nước, nhìn bạn. Bạn nó, cũng trạc tuổi ấy, nói: “Mình bán được cũng nhiều nhưng chưa hết. Mà không sao, bạn đưa bớt đây mình bán giúp. Còn hơn một tiếng nữa mới hết giờ”. “Nhưng mưa thế này” cô bé kia nhìn bầu trời, thở dài. “Hay là mình chạy vù vào quán nhậu nào đó. Đứng đây hết giờ mất”. “Ừ”. Vừa nghe cô bé thốt ra tiếng “Ừ!” với vẻ mặt dứt khoát, hắn vội đưa tay ra:
- Cho chú xem có vé nào hợp với chú không?
- Dạ chú mua giúp cháu. Biết đâu vận may đến với chú!
Hắn đón lấy tập vé số và nghĩ thầm “May đâu không biết chứ lấy tiền ăn mua vé số, “ngân quỹ” sẽ thâm hụt là cái chắc”. Trong túi còn 60.000đ, hắn mua hết 30 tờ vé số. Nếu ai đó nhìn thấy, sẽ bảo hắn có máu ăn thua thì nhầm to. Có lần, thấy một phụ nữ trạc tuổi mẹ mình cầm tập vé số đi mời từng người, hắn đã vét hết số tiền trong túi mua đến 10 tờ. 10 tờ vé số đó không biết hắn bỏ đâu, trúng trật thế nào, vì chưa bao giờ hắn lấy ra so. Hai cô bé thấy hắn mua nhiều vậy, vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, nhìn hắn không chớp mắt. Hắn xoa đầu hai đứa:
- Chú mua gần hết rồi, tụi cháu không cần phải dầm mưa đi bán đâu. Chờ trời tạnh đã!
- Dạ! Cảm ơn chú! - Hai đứa bé lí nhí.
- Anh lạ thật! Ốc không mang nổi mình ốc còn đi lo cho thiên hạ. Lại còn tin người quá mức. Tụi nhỏ bây giờ ranh lắm. Em cược với anh, nó đi luôn cho mà xem. Cứ như vậy anh sẽ khổ suốt đời! Nghe hắn kể xong, nàng buông từng tiếng, từng tiếng, không ra trách cứ, không như nhắc nhở…
Hắn im lặng nghe và chợt ngộ ra nàng nói đúng. Số hắn khổ thật, đụng chân, đụng tay vào những việc nặng nhọc từ bé riết rồi quen. Mà, nói cho cùng, hắn không làm những công việc nặng nhọc cũng không được. Suốt ngày, cha hắn còng lưng trên rẫy, mẹ hắn cúi mặt xuống ruộng. Ở nhà, hắn phải nấu cơm, trông em, lo cho heo, cho gà… Con trai mà mới bảy, tám tuổi đã vào bếp một mình như bà nội trợ và dỗ em như cô bảo mẫu. Với hắn, nấu cơm - quá dễ; nhưng xách nước, kéo cái gàu bằng sợi dây dừa dài cả chục mét, mỗi ngày xách hàng mấy chục lần, làm hai bàn tay hắn chai sần như tay nông dân cầm cuốc. Trông em, hắn cũng có lắm chuyện để nhớ, mà nhớ nhất là một bên hông hắn chai sần, mọc hột như da cóc, vết tích đó đến giờ vẫn chưa phai. Việc học của hắn thì gian nan không ai bằng. Tiểu học, trường gần đi bộ đã đành, trung học trường xa hơn, hắn vẫn cuốc bộ. Trong lớp, hắn là kẻ khổ nhất, nhưng bù lại hắn là người học giỏi nhất. Hắn vào Đại học và tiếp tục nhất lớp về sự khổ và việc học. Chỉ còn một năm nữa hắn sẽ là kỹ sư điện. Hắn sẽ về quê, sẽ góp phần xây dựng quê hương. Hắn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở thành phố, mặc dù có cơ quan đã ngấp nghé sẽ nhận hắn về làm việc khi hắn tốt nghiệp. Quê hắn còn nhiều người khổ lắm, mà hắn thấy ai khổ cũng xót xa, có khi trăn trở đến mất ngủ. Giúp ai được việc gì hắn sung sướng, hạnh phúc không nói hết. Hắn không giấu giếm việc mình sẽ về quê. Và nàng giận hắn vì việc đó. Hôm nghe hắn thổ lộ hoài bão của mình, nàng tròn mắt nhìn và liền sau đó cúi mặt im lặng. Hắn biết nàng không muốn hắn quay về vùng quê nghèo khó, nhưng hắn vẫn không dứt ra được những dự định sẽ vận dụng kiến thức học được ở trường để biến ước mơ làm đổi thay mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình thành hiện thực. Sau một hồi thao thao, hắn hỏi “Em thấy sao”. Nàng ngước nhìn hắn, thở dài “Tùy anh”.
Hắn không trách nàng, một cô gái nhà giàu có tiếng ở thành phố, từ cái ăn, cái mặc, cách nói năng, đi đứng đều toát lên dáng vẻ của dân phố thị thì việc theo hắn về quê không dễ chút nào. Có lần, hắn đưa nàng về quê hắn chơi, nàng đã phải lấy bao ni lông buộc chân khi qua những đoạn đường làng sau cơn mưa nhão nhoẹt bùn đất. Bữa cơm, mẹ hắn chuẩn bị khá tươm tất, nhưng nàng chỉ gắp chiếu lệ. Đến chiều, vừa về lại thành phố nàng kéo hắn vào quán và đĩa cơm chiên Dương Châu đã hết veo sau đó; cũng cái quán này và cũng món cơm chiên nhưng những lần trước có ép nàng cũng chỉ ăn được hơn một phần là cùng.
Từ hôm đó, hắn chợt nhận thấy phía trước con đường hắn và nàng đang đi có một lối rẽ. Nàng dường như cũng vậy. Nhưng rồi họ vẫn hẹn hò và cùng im lặng hàng giờ trong quán cà phê này.
- Anh ngồi đợi nó hay về. Em có việc phải đi trước-Nàng kêu phục vụ tính tiền. Hắn bối rối. Hắn không sợ mất tiền trúng số, hắn chỉ sợ mất niềm tin. Hắn chợt nghĩ, giá như hắn không trúng số có lẽ hay hơn.
- Ừ thôi em về trước. Sáng nay anh không bận gì.
Nàng đi rồi, hắn cầm lấy tờ báo, nhưng không đọc được. Nàng có thể nghĩ cô bé bán vé số kia là con nhóc tinh ranh nhưng hắn thì không. Nàng không nhìn thấy đôi mắt trong veo ấy đã âng ấng nước và giọng nói như nghẹn lại khi nhận bán giúp vé số cho bạn mình. Nàng không nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của cô bé khi hắn mua đến 30 tờ vé số một lúc. Tấm lòng bao dung, thương người của hắn quả quyết rằng cô bé đó không tinh ranh như nàng nghĩ. Nó sẽ quay lại.
Cô bé quay lại thật. Hắn chưa nhìn thấy đã nghe tiếng reo từ xa:
- Chú ơi! Chờ cháu lâu lắm phải không? Cháu chờ nhận trực tiếp luôn. Đổi bên ngoài mất phần trăm uổng lắm. Hắn cười không phải vì hắn trúng số mà vì niềm tin của hắn không mất. Cô bé đưa cho hắn gói tiền:
- 50 triệu đó chú. Hắn đón lấy, nói:
- Bạn cháu đâu? Chú cho hai đứa một nửa.
- Không, tụi cháu không dám xin nhiều vậy đâu. Năm bảy trăm, một triệu là quá rồi- Cô bé giãy nảy.
- Tiền trời cho mà! Đừng ngại. Hắn quả quyết.
- Không! Lộc của chú, tụi cháu, mỗi đứa chỉ xin chú 500 ngàn là đã quá nhiều rồi. Cháu cảm ơn chú nhiều- Cô bé đứng dậy, trước khi quay đi, nó ngập ngừng-Cô ấy bảo cháu cầm vé số trúng thưởng đi luôn phải không chú?
- Sao cháu biết?
- Ánh mắt cô ấy nhìn cháu nói như vậy!
- Cô ấy chưa hiểu cháu. Nè, cháu cầm lấy một nửa đi. Chú muốn giúp các cháu thật lòng đấy - Hắn lại mở bọc tiền.
- Không, cháu không nhận thêm đâu. Cháu đi đây - Cô bé vừa nói vừa chạy vụt ra khỏi quán.
Còn lại một mình, hắn nhìn gói tiền lòng chợt thấy vui vui. Hắn vui không phải vì trúng số đến 50 triệu đồng, mà vì hắn thắng cược với nàng. Người chiến thắng sẽ có quyền và hắn sẽ sử dụng cái quyền đó để buộc nàng: “Đừng đánh mất lòng tin ở người khác”.
Mùa xuân đang đến. Những sợi nắng xuân xuyên qua cành lá nhảy múa trên mặt bàn như đang chia vui cùng hắn…
|