Để di tích “sống” lại
20:16', 28/1/ 2008 (GMT+7)

Trong diễn trình lịch sử dân tộc, Bình Định là một trong những địa bàn diễn ra sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ. Giao thoa văn hóa đã để lại một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú trên mảnh đất này. Bình Định hiện có 150 di tích đã được kiểm kê bước đầu, trong đó, 33 di tích được công nhận cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh.

 

Bảo tàng Quang Trung đã được nâng cấp. Ảnh: Phạm Văn Chai

 

* Một hệ thống di tích nhiều giá trị

Hệ thống di tích ở Bình Định có thể tạm chia thành 8 nhóm: nhóm di tích khảo cổ; nhóm di tích tháp Chăm; nhóm di tích thời Tây Sơn; nhóm di tích lịch sử lưu niệm danh nhân; nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cổ; nhóm di tích lịch sử cách mạng; nhóm di tích đình làng, miếu cổ, nhà cổ; nhóm danh lam thắng cảnh. 

Trong những năm qua, nhiều di tích ở Bình Định được tu bổ, chống xuống cấp, bảo quản cấp thiết đối với các hạng mục có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, tập trung bảo quản, chống xuống cấp 7 di tích tháp Chăm và các di tích: thành Hoàng Đế, di chỉ Gò Sành, đình làng Vinh Thạnh, đền thờ Đào Duy Từ, lăng Mai Xuân Thưởng, đền thờ Tăng Bạt Hổ…

Bên cạnh đó, Điện thờ Tây Sơn - Bảo tàng Quang Trung đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch mở rộng, và đầu tư nhiều hạng mục tôn tạo, hệ thống cơ sở hạ tầng. Cùng với hệ thống di tích thuộc Khu căn cứ Núi Bà được quy hoạch, tỉnh cũng đã từng bước đầu tư xây dựng các hạng mục tại danh thắng Hầm Hô, Ghềnh Ráng. Các di tích lịch sử cách mạng như di tích thảm sát Gò Dài, Nhà tù số 9 đường Đào Duy Từ, Nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, Nhà lưu niệm Chi bộ Nhà Đèn, Điểm tập kết ra Bắc cũng được tu bổ, tôn tạo. Các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cổ được các tổ chức đầu tư đúng mức. Hệ thống nhà truyền thống như Nhà truyền thống các Lực lượng Vũ trang Bình Định, Nhà truyền thống huyện An Nhơn, Nhà truyền thống huyện Phù Cát không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều di tích xứng đáng đề nghị công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa như Tượng đài Trần Hưng Đạo (phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn), đền ông Nhiêu (phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn), miếu Bà (xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn)... Đặc biệt, hệ thống di sản văn hóa Chăm ở Bình Định xứng đáng được tôn vinh, hiện đang trong quá trình tiến cử, khuyến nghị Trung ương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới.

Hệ thống di tích ở Bình Định đã được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học, khai quật khảo cổ và thực hiện một số dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị. Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội hóa trong công tác này. Đáng lưu ý nhất trên lĩnh vực này là di tích Điện thờ Tây Sơn.

 

Tháp Đôi. Ảnh: Đ.T.Đ

 

* Để di tích thực sự “sống”

Tuy nhiên, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Bình Định đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, cần thực hiện một cách đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần nghiên cứu, thiết lập cơ sở dữ liệu, bản đồ khoa học hệ thống di tích bằng công nghệ hiện đại. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ, xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích, để lập dự án quy hoạch chi tiết, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Nhà nước cần có chính sách đầu tư kinh phí phù hợp cho các di tích trọng điểm phục vụ phát triển du lịch. Xem xét đưa dự án tu bổ tôn tạo di tích trọng điểm của tỉnh vào hạng mục đầu tư có trọng điểm. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh từng công trình tại từng di tích trọng điểm, để thực sự phát huy hiệu quả.

Tổ chức đào tạo cho cán bộ làm công tác bảo tồn di tích, cán bộ quản lý dự án những kiến thức cơ bản về tu bổ, tôn tạo di tích, bảo vệ di tích. Ngoài ra, cần điều chỉnh các khu vực khoanh vùng bảo vệ phù hợp với Luật Di sản Văn hóa, gắn với việc phân cấp quản lý hệ thống di tích, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Điều cần quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích ở Bình Định là cần có chính sách, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể; có chế độ cụ thể đãi ngộ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn di tích; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực của các chuyên gia, nghệ nhân tham gia thực hiện các hạng mục tôn tạo.

Trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị di tích, tỉnh nên tranh thủ các chuyên gia đầu ngành trong nước, phát huy chất xám của họ và lựa chọn đơn vị tư vấn thích hợp; đồng thời, tham khảo các chuyên gia nước ngoài khi cần thiết. Để có thể thực hiện được quy hoạch chi tiết, nhất là đối với các di tích tháp Chăm đang trong ý tưởng khuyến nghị trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Bình Định cần rút kinh nghiệm từ thành công quy hoạch quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, tháp Bà TP. Nha Trang. Mỗi bước đi trong quá trình bảo tồn, khai thác sử dụng ở những khu di tích này đều được công luận nhìn nhận và những người làm công tác bảo tồn ở đây luôn sẵn sàng lắng nghe, rút kinh nghiệm. 

  • Nguyễn Văn Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bên thềm xuân  (28/01/2008)
Vãn cảnh Eo Gió  (28/01/2008)
Đám cưới chuột - bức tranh Xuân hay và đẹp  (28/01/2008)
Ăn uống ngoài đồng  (28/01/2008)
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)
Tình nguyện xung kích chung sức cùng cộng đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (19/01/2008)
Nơi kết nối những ý tưởng  (19/01/2008)
Chén trà trong sương sớm  (19/01/2008)
Nghề truyền thống thăng hoa  (19/01/2008)
Tôn vinh vẻ đẹp nữ doanh nhân Việt Nam  (19/01/2008)
Khi họ biết mình là ai…  (19/01/2008)
Gian nan chỗ ở học sinh  (19/01/2008)