Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ
17:31', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Nơi thượng nguồn sông Kôn, có một vườn cam mang tên Nguyễn Huệ. Nơi đó, còn lưu truyền bao câu chuyện về những người anh hùng áo vải ngày đầu dựng nghiệp. Một chuyến ngược ngàn lên Vĩnh Sơn, tìm về dấu tích một vườn cam…

 

Dưới cánh tay chỉ của mí Bình, là khu vực Vườn cam Nguyễn Huệ. Ảnh: V.T

 

* Vườn cam dưới bóng đại ngàn

Ông Trần Đình Ký, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, người quên ăn quên ngủ với các di tích Tây Sơn, rất hào hứng khi nói về miền đất thượng nguồn, một trong những địa danh của Tây Sơn thượng đạo, với bao câu chuyện về buổi đầu của phong trào Tây Sơn này. Trong những câu chuyện ấy, có vườn cam Nguyễn Huệ. Hóa ra, trong hồ sơ di tích của Bảo tàng, có viết những dòng dở dang, khá kỹ về những gốc cam, những gốc mít lạ lùng, tương truyền có từ thời Nguyễn Huệ rèn quân. Bản thân ông Ký, từng lên khu vườn cam này.

Khu vực Vĩnh Sơn, theo ông Ký, còn tiềm ẩn bao di tích kỳ thú. Đó là thành đá Tà Cơn nổi tiếng, với những cột đá cao, đều đặn khác thường, tưởng chừng như đã có ai đẽo gọt. Đó là hệ thống hang động, và những chiếc chum cổ bằng đá “một con trâu nằm lọt”, rải rác trong một bãi lầy; có những hang nuôi quân ở bên cạnh thành Tà Cơn với hàng vạn con dơi đập cánh. Bảo tàng Qung Trung cũng đã có lần thuê người dân tộc thiểu số đưa đường đi khám phá nơi này, ngõ hầu tận mặt những truyền tụng, song vẫn chưa thành.

Mang theo những câu chuyện kể đẫm huyền thoại về đất thượng nguồn, chúng tôi lên Vĩnh Sơn. Tấm biển di tích về “Vườn cam Nguyễn Huệ, căn cứ buổi đầu của nghĩa quân Tây Sơn”, nằm ngay trước mặt UBND xã Vĩnh Sơn. Vậy nhưng, hóa ra, phải đi thêm khoảng 2km nữa, qua những lối đi ngoằn ngoèo len giữa những ao nuôi cá, những vườn nhà của các hộ dân, chúng tôi mới đặt chân đến khu vực vườn cam Nguyễn Huệ. Trước mặt chúng tôi, bạt ngàn những cây cối, hoa cỏ, lau lách, như bao vùng đất khác ở xã miền núi này. Tịnh chẳng thấy một gốc cam nào cả. Len qua những khóm cây vườn nhà, qua những bờ ruộng và ao cá, chúng tôi thi thoảng mới gặp một hai cây bưởi, cây cam. Nhưng hóa ra, tất thảy chúng đều mới được trồng sau này, và hương vị thì cũng chẳng thơm thảo lắm…

“Vườn cam thì chỉ là dấu tích thôi và khu vực vườn cam là khu vực này, rộng chừng 2km, chứ còn gốc cam xưa thì không có đâu”- ông Đinh Ply, cán bộ UBND xã Vĩnh Sơn, nói. Lần đỏ mắt, chúng tôi cũng chỉ tìm thấy những gốc cây bưởi, trái khá nhỏ, nằm lẫn trong những khu vườn nhà dân sống xung quanh. “Vườn cam xưa nghe nói rộng hàng chục ha, có cây đường kính 30-40cm, quả vỏ mỏng, rất ngọt, nhưng vào những năm chiến tranh, đã bị chết gần hết do chất độc hóa học. Trước đây, còn một hai gốc cam mọc lên đấy, nhưng trái nhỏ, hơi chua. Còn bưởi là người dân trồng sau này”- chị Đinh Thị Sá, thường gọi là mí Bình, sống ngay gần khu vườn cam nói.

Dẫu vậy, theo mí Bình, trong tâm khảm người dân Vĩnh Sơn, vườn cam Nguyễn Huệ vẫn rất thực. Nó thành niềm tự hào của người địa phương khi nói, kể về quê hương mình, nó thành sự nhắc nhở, trong những câu chuyện người già, trong những đêm hơmoan bên bếp lửa đại ngàn. Và họ - những người dân nơi này - vẫn mơ ước, về một ngày “vườn cam lại vàng”. 

 

Những gốc cam, gốc bưởi mới trồng quanh khu vực Vườn cam. Ảnh: V.T

 

* Và tấm lòng người Ba na

Thực ra, vườn cam Nguyễn Huệ ở Vĩnh Thạnh cũng chỉ là một trong những vườn cam mang tên hoặc được cho là có gắn với phong trào Tây Sơn ở dải đất miền Trung và Tây Nguyên này. Chẳng hạn, vườn cam ở Kbang (Gia Lai); hay ngay ở vùng Xuân Đài (Phú Yên), cũng từng có một khu vườn cam được cho là gắn với phong trào Tây Sơn.

Sự tồn tại của những vườn cam như vậy là dễ hiểu, bởi cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn, nhen nhóm năm 1771, do Nguyễn Nhạc cùng với hai người em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo, đã lập căn cứ trên vùng Tây Sơn thượng đạo này. Trong quá trình xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, Nguyễn Nhạc đã biết dựa vào nhân dân các dân tộc miền núi Tây Nguyên, xây dựng lòng tin yêu, kính phục của họ đối với mình và gây dựng tinh thần đoàn kết giữa người miền xuôi và người miền ngược. Các tộc trưởng Ba na đều coi Nguyễn Nhạc là “người trời”, “Vua trời” và gọi ông là Bok Nhạc. Có tộc trưởng đã gả con gái cho Bok Nhạc. Trên những vùng căn cứ ấy, hẳn nhiên đều có những khu trồng lương thực, trồng cây. Những vườn cam nghĩa quân ra đời từ đấy chăng.

Bởi thế, ở xã Sơn Lang, huyện Kbang (Gia Lai) có vườn cam gắn với người vợ Ba na của Nguyễn Nhạc tên là Ja Dok. Ja Dok là một phụ nữ xinh đẹp, trẻ nhưng thạo việc làm ruộng rẫy và có uy tín với dân làng, có tài tổ chức. Để có đủ lượng thực cho đội ngũ nghĩa quân phát triển ngày càng đông, Nguyễn Nhạc liền giao cho người vợ Ba na này chỉ huy nghĩa quân khai phá mở rộng vùng đất dưới chân hòn Mộ Điểu thành vùng ruộng canh tác, lại đưa trâu từ Tây Sơn hạ lên sản xuất lương thực cung cấp cho cả vùng căn cứ. Nay ở vùng này, vẫn còn dấu tích cánh đồng, gọi là Đồng Cô Hầu,  rộng khoảng 20 ha. Không chỉ vậy, bà Ja Dok còn trồng những rừng cam, rừng mít ở các plây vùng Vĩnh Sơn, Kông Hà Nừng, Kông Chơ vi… Và phải chăng, vườn cam ở Vĩnh Sơn là một trong số này.

* Cho “hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”

Khi chúng tôi đang viết những dòng này, huyện Vĩnh Thạnh đang tiến hành lập dự án phục hồi Vườn cam Nguyễn Huệ (làng K2, xã Vĩnh Sơn) và sẽ mở tuyến du lịch sinh thái ở núi Nguyễn Huệ. Theo kế hoạch, huyện sẽ tiến hành trồng lại cam bằng giống bản địa và trồng thử nghiệm một số loại cam, cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao. Điều thú vị là ý tưởng này đã được đưa vào bộ sách “Ý tưởng Việt Nam” (tập 4) của Trung tâm Sách ý tưởng Việt Nam (Vietbooks).

Và những vườn cam ấy, biểu tượng của sự gắn kết Kinh - Thượng trong một cuộc khởi nghĩa, buổi đầu của đại nghiệp “Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”, nay sẽ lại được hồi sinh trên quê hương người áo vải.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)
Nhịp cầu nhân ái: Nơi kết nối những yêu thương  (29/01/2008)
Những thành tích phá án của Đội 3  (28/01/2008)
Những sự kiện đáng chú ý của tỉnh trong năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2007  (28/01/2008)
Xuân nào vang tiếng bài chòi…  (28/01/2008)
Khát vọng xanh  (28/01/2008)
Tầm sư học võ  (28/01/2008)
Chú tiểu Hiến và hành trình “tiếp thị” võ Việt  (28/01/2008)
Bóng đá Bình Định chờ ngày “thái lai”  (28/01/2008)
Để di tích “sống” lại  (28/01/2008)