Đêm. Vừa bước chân về đến nhà, đã được nghe nói lại là một người bạn nhắn xuống chơi ngay. Đêm nay, cây quỳnh nhà hắn lại trổ bông. Vội lấy xe ra. Lọc cọc đạp đi ngay.
Còn nhớ, ngày tôi còn bé, sát cạnh nhà tôi là nhà bác Bảy cũng có trồng quỳnh. Ngày ấy, cô Năm con gái bác Bảy hãy còn chưa có chồng. Một hôm, cô khệ nệ mang ở đâu về một cành lá dài ngoằng ngoẵng, to bản, nhìn chẳng thấy có ý vị gì. Rồi trồng ngay cái mảnh đất bên chái nhà chính. Tôi lân la sang chơi, tò mò hỏi, cô Năm bảo: cây hoa quỳnh đấy, nó chỉ nở vào đêm. Ai nhìn thấy hoa quỳnh nở, người ấy sẽ được hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc làm sao được với một loài hoa ích kỷ dường ấy. Tôi tự nghĩ vậy và từ đó, tôi coi chuyện cô Năm làm là một trò vớ vẩn. Mà chả biết hoa quỳnh là thế nào chứ tôi thấy nội cái công việc chăm sóc nó đã quá nhiêu khê. Để cây lớn lên, lá xanh thì cũng đơn giản thôi, nhưng quá lạ là lá càng xanh, cây càng lớn thì lại chẳng thấy nở lấy một đóa hoa nào. Mệt mỏi vì sự chờ đợi, cô Năm lại mang một cây dao về trồng ngay bên cạnh. "Cho có đôi, có cặp" - cô giải thích với tôi vậy. Trồng cùng một chậu, cũng chẳng thấy hoa hiếc gì, trồng sang chậu kế bên, vẫn không kết quả. Lại có người khuyên lấy bã trà cho vào gốc, thế là sáng nào quỳnh ta cũng được bồi dưỡng một lượt bã trà. Tịnh hoa vô tín - cây càng lớn, lá cứ xanh, xanh đến ngắt ra.
Rồi cũng như vì quá mỏi mòn chờ đợi một đóa hoa quỳnh, cô Năm đi lấy chồng, người cùng làng. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao cô Năm lại lấy anh này, bởi trước đây, cô tôi cũng đã có một anh người yêu. Rồi người ấy đi đâu tôi cũng chẳng biết. Mà cái trí tuệ bé con của tôi thở ấy, nào quan tâm làm gì đến chuyện muôn đời vẫn phức tạp ấy. Cũng may là nhà chồng cô Năm cũng gần nên thỉnh thoảng cô lại về nhà bác Bảy chơi, cũng lại hỏi thăm một đóa quỳnh. Nhưng lá quỳnh vẫn xanh, như trêu chọc, não lòng. Cô Năm mỗi ngày một gầy rộc đi, hai rồi ba con và song trùng với nước da xanh của cô là cái màu xanh nao lòng của lá quỳnh.
Rồi gia đình tôi chuyển vào Nam. Cây quỳnh nhà bác Bảy nghe đâu đã cũng bị chặt bỏ để xây căn bếp mới. Mà cho đến lúc ấy, như sau này về quê tôi có nghe nói lại, cũng chẳng thấy trổ bông. Còn cô Năm thì nghe đâu lại thêm một mặt con nữa. Việc đồng áng, việc gia đình cứ cuốn đi, mỗi lần gặp, trông cô lại càng bé nhỏ, gầy gộc. Sau này lớn lên, ít có dịp về quê, tôi cũng chẳng biết cô Năm rồi thế nào. Mà tôi cũng quá vô tâm, vô tâm như những lá quỳnh xanh dạo ấy.
Bây giờ đối diện với hoa quỳnh trong đêm sương lạnh. Nhìn những cánh hoa e ấp như đôi môi cô gái đồng trinh, uốn cong cong từng đường tơ mỏng mảnh, tôi lại nhớ đến cô Năm, đến những người con gái mà cuộc đời khuất sau bãi lúa, bờ tre. Những đêm trăng hát hội, những buổi hẹn hò cũng qua nhanh như một thoáng hương quỳnh, rồi chìm sâu trong một cuộc đời trắc trở. Tàn đi theo tháng ngày mà vẫn cứ mơ hoài một hạnh phúc xa xôi như một đóa hoa quỳnh muôn đời không hiện hữu.
Này một chùm hương nhè nhẹ được cánh hoa thả ra trong gió, nhẹ nhàng và êm dịu một cách lạ kỳ trong một cuộc đời không êm dịu. Quỳnh hoa, vốn chẳng được các bậc tài nhân, quân tử liệt vào hàng danh hoa. Âu cũng là một loài hoa không hạnh phúc. Chẳng đợi chăm bẵm, tỉa tót, chẳng thể bị bán mua, hoa quỳnh chỉ nở trong đêm cho những người có lòng thức đợi, như chờ đợi phút giây tao ngộ với ước mơ hạnh phúc trong đời.
Cho đến tận bây giờ, tôi cũng chẳng trồng quỳnh, bởi tôi chẳng đủ kiên nhẫn và lòng trông đợi. Tôi, kẻ xô bồ chạy theo cuộc đời, đôi khi cũng chỉ tự giật mình. Những đóa quỳnh hoa chỉ thường tại ở một vài thời khắc mà lòng mình lại quá vô tâm. Nhưng đêm nay, tôi đã tao ngộ với cánh hoa quỳnh, hay tao ngộ với những giấc mơ không với tới mà luôn luôn thường trực trong mỗi con người.
. Thạch Trung
|