Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong thơ ca hiện đại
16:8', 8/3/ 2005 (GMT+7)

Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong văn học xưa, nhất là ở ca dao, là những nỗi khổ sở, vất vả, buồn tủi của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đó là tiếng hát than thân, trách phận… bởi họ thường cảm nhận thân phận thấp kém của mình. Do vậy mà ca dao xưa thường mở đầu bằng những từ "Thân em..", "Em như…":

- Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

- Em như con hạc đầu đình

Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay

Những bài ca ấy gợi tả nỗi xót xa, cơ cực của thân phận người phụ nữ, là tiếng thở dài cam chịu:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng

Đến như Hồ Xuân Hương cũng nhận thấy thân phận nổi nênh, lận đận, phụ thuộc đó trong bài thơ "Bánh trôi nước", cũng mở đầu bằng "Thân em…":

Thân em thì trắng, phận thì tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Nếu như trong ca dao, mô típ "Thân em…", "Em như…" là mô típ phổ biến thì thơ nữ hiện đại rất ít có từ nói đến "thân", "phận":

Cái phận trước, cái duyên sau

Làm chi tính được dài lâu với đời

(Chồng chị chồng em - Đoàn Thị Lam Luyến)

Đời dì quá buổi chợ tan

Nhà con xảy nghé tan đàn từ lâu

(Nói với con chồng - Nguyễn Thị Mai)

Nói về thân phận thì cảm hứng chung của ca dao và thơ hiện đại vẫn là cảm hứng về sự chìm nổi, vô định. Trái tim phụ nữ vốn giàu nhạy cảm, lo âu. Câu thơ "thi sĩ nhất" của Xuân Quỳnh vẫn thảng thốt với bao lo âu khi đối diện với mình, và "Tự hát" lên tiếng lòng của bao phụ nữ:

Giãi đồng hoang và đại ngàn sẫm tối

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đời mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Ít nói về thân phận, nhưng thơ hiện đại lại có nhu cầu giãi bày tâm trạng, nỗi lòng nhiều hơn. Vì thế trong thơ luôn có "hồn em", "trái tim em":

Em viết câu thơ buồn

Hồn em mong manh trong mềm như giọt nắng

Một mảnh sao băng, một hạt bụi vô tình khẽ chạm

Có thể để lại vết thương

(Em viết câu thơ - Trần Lệ Thủy)

Các trạng thái, cảnh ngộ được cảm nhận không đơn giản một chiều:

Trong mũi đan kia ẩn dấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu

Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng

(Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi)

Hoặc là:

Bóng chiều rơi xuống bờ vai

Có người so đũa thở dài lúc ăn

(Bóng chiều - Hoàng Việt Hằng)

Thơ hiện đại có sự cảm thông với những người phụ nữ xưa, như Thúy Kiều, Thị Kính, Xúy Vân…

Tiếng tỳ bà đòi nợ

Cho nàng Kiều

Cho những nàng Kiều

Kiếp đoạn trường muôn thuở

(Dư Thị Hoàn)

Trái tim phụ nữ khi đã yêu thương thường bao dung hơn và dũng cảm hơn. Họ bất chấp cảnh ngộ và ít toan tính hơn. Có lẽ ít tác giả nam giới nào dám nói thế này:

Khi nào anh đau khổ

Hãy tìm đến với em

Lòng anh còn bóng đêm

Em sẽ là tia nắng

Mặt đất còn gai chông

Bầu trời còn mưa gió

Bao giờ anh đau khổ

Hãy tìm đến với em

(Tâm hồn - Song Hảo)

Vậy là phụ nữ ngày nay cũng có nỗi buồn, nhưng không phải nỗi buồn thân phận khi xưa. Cái buồn ở đây được nhắc đến trong những khát vọng lý tưởng lớn lao:

Tôi không buồn những buổi chiều

Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai

(Hoàng Thị Minh Khanh)

Dù đã gặp nhiều trắc trở, phụ nữ ngày nay vẫn có cách nhìn thoáng đạt, đầy trách nhiệm hơn hơn về vai trò của mình trong xã hội. Họ tự chủ hơn. Bài thơ "Thơ vui về phái yếu" của Xuân Quỳnh đã thể hiện rõ điều đó:

Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay những anh hùng

Là bác học hay là ai đi nữa

Một người đàn bà không ai biết tuổi tên

Anh thân yêu, người vĩ đại của em

Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối

Một chút mặn mòi giữa đại dương vời vợi

Loài rong rêu chưa ai biết bao giờ

Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua

Là hạt bụi vô tình trên áo

Nhưng nếu sớm nay em chẳng đong được gạo

Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn…

 

. Trần Xuân Toàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải "Thơ vì hòa bình" quốc tế   (08/03/2005)
Tao ngộ với những giấc mơ  (07/03/2005)
Kết quả giải VTV - Bài hát tôi yêu lần III  (07/03/2005)
NSND Trọng Bằng nhận giải thưởng hòa bình quốc tế  (07/03/2005)
Michelangelo - một thiên tài nghệ thuật  (07/03/2005)
Thơ: Nguyễn Khắc Tuấn, Hồ Thế Phất   (04/03/2005)
Gặp Hải Âu trên đường xuyên Việt   (04/03/2005)
Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh và ước mơ tuổi 100   (03/03/2005)
"Nhớ và quên" với Nguyên Ngọc (*)   (03/03/2005)
''Mùa len trâu'' sẽ đi dự Oscar  (03/03/2005)
Folklore Tây Sơn: "Kho báu" đang chờ "vừng ơi..."  (01/03/2005)
Trùng phùng 30 năm  (03/03/2005)
CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu sáng tác tại Bình Định   (01/03/2005)
Mối tình thơ vượt lên số phận  (28/02/2005)
Kết quả giải Oscar 2005  (28/02/2005)