Lịch sử nén chặt trong từng di tích (DT). Vậy nhưng, mỗi khi ghé thăm các DT ở Bình Định, tâm hồn ta không ít băn khoăn bởi những DT này vẫn chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để có sức thu hút với du khách xa gần…
* Trùng tu rồi... để đấy?
|
Du khách tham quan khu du lịch Hầm Hô |
Những năm gần đây, Bình Định đã trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp nhiều DT. Đáng kể là các tháp Chăm như tháp Đôi (Quy Nhơn), Thủ Thiện (Tây Sơn), Bánh Ít (Tuy Phước) và một số di tích khác như Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Đào Duy Từ (Hoài Nhơn)…
Tuy nhiên, các DT sau khi đã được trùng tu, có chỗ lên tới hàng tỉ đồng, vẫn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Tháp Bánh Ít sau khi trùng tu xong, vẫn trơ vơ trên một đỉnh đồi khô khốc; các hạng mục trong dự án như trồng cây xanh, đường… chưa được đầu tư. Các tháp khác như Dương Long (Tây Sơn), Bình Lâm (Tuy Phước), Phú Lốc và Cánh Tiên (An Nhơn) hiện vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, cần được gia cố, tu bổ. Đường vào các tháp lại không được đầu tư, nên rất khó khi du khách có ý muốn tìm đến để thưởng lãm. Hiện tại, khu vực bảo vệ tháp Bình Lâm, Dương Long quá hẹp, không phù hợp với tầm vóc của DT, nhất là khi muốn khai thác để phục vụ cho các hoạt động du lịch. Riêng tháp Bình Lâm thì trong khu vực bảo vệ, vẫn còn một số hộ dân sinh sống, làm cho cảnh quan và môi trường xung quanh di tích bị ảnh hưởng. Mặt tiền tháp lại bị che khuất bởi cây cối, rào giậu, gạch đá, rơm rạ rất mất mỹ quan... Đến thành Đồ Bàn - Hoàng Đế thì chỉ là chiếc cổng… như mới, và hố khai quật thì đã đầy cát và cỏ.
DT Tây Sơn, một "đặc sản" của du lịch Bình Định, thì lâu nay ngành du lịch chỉ mới chú ý đến Bảo tàng Quang Trung và Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Các DT khác có liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn như những câu chuyện về gò Dạy Voi của Bùi Thị Xuân, chuyện về vườn cam Nguyễn Huệ… chưa được phát huy.
Trong các danh thắng, trừ Hầm Hô và Ghềnh Ráng đã được đầu tư về cảnh quan môi trường, đồng thời kết hợp khai thác sử dụng và phát triển tiềm năng du lịch, bước đầu cho hiệu quả nhất định; các danh thắng khác thì vẫn chưa được phát huy đúng mức.
* Vẫn là... ngọc trong đá
Nếu Dương Long là cụm tháp duy nhất ở Bình Định còn lại bố cục ba tháp hoàn chỉnh, cũng là cụm tháp Chăm cao nhất Việt Nam, một kho sử liệu nghệ thuật bằng đá, thì Cánh Tiên lại là một dạng ít thấy trong nghệ thuật Chăm: chỉ gồm một tháp đứng đơn độc trên đồi cao với dáng nét nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách Bình Định; tháp Đôi thì thể hiện rõ nét ảnh hưởng của nghệ thuật Khơme... Chẳng thế mà một nhà khoa học đã từng đánh giá 13 đền tháp Chăm hiện tồn ở Bình Định là một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc, điêu khắc Chăm.
Lại nữa, chùa Thập Tháp (An Nhơn) và chùa Linh Phong (Phù Cát) đều là những DT văn hóa có giá trị, lại nằm gần những DT hoặc danh thắng độc đáo khác. Rồi thành đá Tà Kơn (Vĩnh Thạnh) trong cái vẻ huyền bí của nó cũng là một điểm đến có sức hấp dẫn. Nếu gành Đá Đĩa của Phú Yên đã là một danh thắng có tiếng thì Tà Kơn lại chưa được mấy người biết đến. Một nét độc đáo khác của thành đá này là gắn với nó có những hơamon mà người già có thể kể thâu đêm suốt sáng. Bên cạnh đó, còn phải kể đến hàng loạt hội lễ dân gian, độc đáo nhất là hội đổ giàn An Thái gắn với truyền thống thượng võ và định danh miền đất Võ, các làng nghề…
Tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử ở Bình Định là điều không cần nhắc lại. Nhưng nếu chỉ nói đến tiềm năng mà không đầu tư khai thác, thì vẫn chỉ là ngọc trong đá. Bởi vậy, có một vị chuyên gia điều hành một công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu nói về Bình Định thì có rất nhiều điều, nào là lịch sử, văn hóa, sinh thái biển… nhưng khi dẫn du khách đến từng điểm thì lại thất vọng. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, hướng dẫn viên thì vẫn ở mức... ậm à ậm ờ. Phải chăng, ngành du lịch thì dường như vẫn quá mê mải với những khách sạn, nhà hàng, những dự án du lịch biển, du lịch sinh thái mà bỏ qua một tiềm năng?
* Tăng tiềm lực văn hóa cho du lịch
Theo các nhà khoa học, môi trường du lịch bao gồm những yếu tố không do ngành du lịch chi phối. Ngoài môi trường thiên nhiên, môi trường kinh tế- xã hội thì môi trường văn hóa được xem là yếu tố hàng đầu.
Đầu tư cho những yếu tố vật chất trong hoạt động du lịch như: khách sạn, nhà hàng… là quan trọng, nhưng không có tác dụng giữ chân khách trong một tour dài ngày. Quyết định mua sản phẩm du lịch của du khách chỉ có thể có nếu ngoài những điều kiện phục vụ, còn là những điều mới lạ bổ ích cho sự nghỉ ngơi, làm giàu tri thức, văn hóa. Cần khẳng định ngay rằng du lịch biển, du lịch sinh thái thì nhiều địa phương có thể có, nhưng để có một di sản nghệ thuật Chăm cùng với kinh đô Đồ Bàn, hệ thống di tích Tây Sơn thì không nơi nào có.
Muốn du lịch Bình Định cất cánh, chỉ đầu tư cho hạ tầng du lịch, chạy theo "mốt hiện đại", chưa đủ. Hơn nữa, đầu tư cho những yếu tố này ngay trong một lúc không thể làm được và khó cạnh tranh nổi với thị trường du lịch không chỉ các nước khác, mà ngay cả với các trung tâm du lịch lớn trong nước.
Tăng tiềm lực văn hóa cho du lịch, điều quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, một chiến lược, trên cơ sở đó, có sự phối hợp giữa hai ngành văn hóa, du lịch. Có vậy, du lịch Bình Định mới có thể cất cánh.
. Thạch Trung
|