Thần dược chữa "bệnh" tham nhũng
15:45', 3/10/ 2006 (GMT+7)

Thần dược (tác giả Đào Minh Tâm, Anh Khoa chuyển thể, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình) là vở tuồng của Bình Định sẽ tham gia Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II - năm 2006. Vở diễn đề cập đến một đề tài thời sự hiện nay: nạn tham nhũng.

 

Cảnh trong vở "Thần dược". Ảnh: H.T

 

Tác giả Đào Minh Tâm cho biết: "Tôi xây dựng kịch bản này theo thể loại tuồng dân gian, để nói lên những vấn đề hôm nay. Đó là nạn tham nhũng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, với hàng loạt vụ tiêu cực bị phanh phui trong những năm gần đây. Thông qua Thần dược, tôi muốn gởi gắm ý nguyện của người dân là tiêu diệt nạn tham nhũng, để đất nước phát triển ngày càng vững mạnh".

Thần dược là câu chuyện xoay quanh 6 nhân vật chính: Trần Thị, phú hào, quan tri huyện, quan khâm sai, thầy lang, Xuân Hương (học trò thầy lang). Vợ chồng Trần Thị đang sống trong cảnh yên ấm thì bị tên phú hào tìm mọi cách chèn ép, bức tử chồng của Trần Thị, rồi ép Trần Thị phải về làm thiếp cho hắn. Quan tri huyện nhận tiền đút lót của phú hào, nên khi Trần Thị đến kêu oan, thì Trần Thị bị xử ép và tống vào ngục. Tên quan khâm sai được cử về thanh tra vụ án của Trần Thị đã bắt tri huyện và phú hào phải cống nạp tiền cho hắn. Biết được thầy lang đã chế ra được một loại thần dược có thể trừ được bệnh tham nhũng, quan tri huyện và phú hào liền bảo thầy lang phải dâng thuốc lên cho quan khâm sai uống, với hi vọng quan khâm sai sẽ không vòi thêm tiền của chúng. Không ngờ "gậy ông đập lưng ông", sau khi uống thần dược, quan khâm sai trở thành vị quan thanh liêm, chính trực, cương quyết không nhận tiền hối lộ nữa và xử án thật công minh, khiến tri huyện và phú hào bị xử tử, còn Trần Thị được minh oan và đền bù xứng đáng.

Sự tỏa sáng của những đào kép được tuyển lựa từ các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh như: Thu Hường (vai Xuân Hương), Công Lễ (vai tri huyện), Bảo Hiến (vai phú hào) - đến từ CLB tuồng Ánh Dương (huyện Tuy Phước); Kim Hanh (Trần Thị) - CLB tuồng Trần Quang Diệu (TP. Quy Nhơn); Hoàng Lộc (vai quan khâm sai) - CLB tuồng An Nhơn 1 và Văn Ngữ (thầy lang) - CLB tuồng An Nhơn 2, khiến vở diễn trở nên hấp dẫn. Điểm đặc biệt của Thần dược chính là 6 diễn viên đều vào vai 6 nhân vật chính, có tính cách và số phận, có đất diễn riêng và họ đã thể hiện vai diễn của mình rất xuất sắc. Trong Thần dược, ta có thể bắt gặp nhiều cảnh đối thoại và diễn xuất rất hay như cảnh tại nhà thầy lang; cảnh hối lộ nhau giữa phú hào, quan tri huyện và khâm sai; cảnh Xuân Hương dâng thần dược cho quan khâm sai; cảnh phẫn uất của Trần Thị khi kể tội bọn tham quan, ô lại... Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình nhận xét: "Tôi rất thích vở tuồng này vì nó nêu lên được vấn đề đang mang tính thời sự. Hơn nữa, đây lại là vở diễn tương đối khó, mà thường chỉ những diễn viên chuyên nghiệp mới thể hiện được thành công các nhân vật và toát lên được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tuy nhiên, các diễn viên không chuyên đã nỗ lực rất lớn và hoàn thành xuất sắc các vai diễn".

Bên cạnh sự xuất sắc trong diễn xuất của diễn viên, cách xử lý của đạo diễn, sự thâm thúy và sâu sắc trong lời thoại kịch bản, âm nhạc và cách dàn dựng sân khấu cũng góp phần tạo nên thành công của vở diễn. Nổi bật nhất là ở cảnh quan khâm sai uống xong thần dược, đắm chìm trong khúc nhạc đồng quê trong sáng dịu dàng, với tiếng đàn bầu nỉ non, hòa trong tiếng hát ru của mẹ, khiến cho tâm hồn viên quan này như đang được gột rửa, thanh lọc bởi những gì mộc mạc, chân chất của quê hương... Phải chăng, đây chính là điều mà vở diễn muốn nói: làm gì có thần dược trên đời. Chỉ có lòng dân trong sáng, lương thiện; khát khao hướng tới chân lý... mới là thần dược hữu hiệu nhất để chữa "căn bệnh" tham nhũng.

  • Trung Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Bình Lâm - cô gái đẹp ẩn mình  (29/09/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (29/09/2006)
Đứng thẳng lưng dưới mặt trời  (28/09/2006)
Trò chuyện với người viết "Học phí trả bằng máu"  (28/09/2006)
Bạn tôi  (28/09/2006)
Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (28/09/2006)
Chỉnh trang, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử  (28/09/2006)
"Khi kịch cọt lúc thơ ca"  (27/09/2006)
Đã có nhiều thay đổi trong quản lý dịch vụ văn hóa  (26/09/2006)
Trần Thu Hà và Đối thoại 06  (25/09/2006)
Uống cà phê và nghe mưa rơi ở Quy Nhơn  (25/09/2006)
Truyện Kiều sẽ đến với từng nhà  (24/09/2006)
Tôi và em và Miki  (24/09/2006)
Vua và Em  (22/09/2006)
Hoa hậu  (22/09/2006)