Trường ca Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân (Nxb. Quân đội Nhân dân, 2005) của Nguyễn Thanh Mừng tràn đầy tình cảm về ba mươi chín mùa xuân của một con người ưu tú, làm rạng rỡ những trang sử hào hùng của dân tộc: Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Ca ngợi anh hùng Nguyễn Huệ, nhà thơ không những đã huy động toàn bộ hiểu biết về cuộc đời của vị anh hùng, mà còn về lịch sử, văn hóa Bình Định. Nhưng, sự thể hiện không dừng lại ở việc mô tả, giới thiệu người anh hùng như một khách thể, mà ta có dịp đón nhận qua trường ca này, tiếng nói thông qua ngôn ngữ riêng, tâm trạng riêng, cảm nghĩ riêng của người anh hùng.
Bố cục trường ca đặt trên cái nền thời gian đồng hiện, tám chương với gần ngàn rưỡi câu thơ, đan xen những hồi niệm, khát vọng của một cá nhân về vận mệnh nước Việt. Thi pháp thơ Nguyễn Thanh Mừng có một giọng “phục sinh” quen mà lạ. Từ những trạng thái triết luận nhẹ nhàng, sự miêu tả hầu hết đều man mác hương vị trữ tình, thấm đẫm chất dân gian: “Sáo sậu về đông/ Sáo đen về tây/ Sáo nghệ về nam/ Sáo ngà về bắc/ Phương nao người về mây giăng khỏi lạc/ Không sợ đèo đá dăm/Không lo truông cát nóng/ Chỉ ngại rơi trong má lúm đồng tiền”. Hay làm sống lại khí vị dân gian bằng cách dung nạp ngọt ngào một kiểu nói rất mới: “Nàng có một Quy Nhơn/ Thích câu thơ như tuyết và như lửa/ Thích tắm bằng sông thích cười bằng gió/ Thích chen vai thích cánh với núi non”.
Có thể kể ra rất nhiều những câu thơ hay, những khổ thơ lấp lánh, dưới những dạng thức phong phú của thể loại, biến hóa, đa dạng cần thiết cho một bản trường ca. Từ thể lục bát - sở trường của Nguyễn Thanh Mừng, anh vẫn có khả năng “lạ hóa” theo cách nhìn sâu vào bản thể: “Chỉ mình đối diện với mình/ Giữa mênh mang đất và thinh lặng trời”. Đến một dạng thất ngôn với thi liệu quen thuộc nhưng cách diễn đạt bằng bút pháp đầy linh hoạt: “Mở cửa ngoài khuya chợt sững sờ/ Vũ trụ hiền như một giọt mưa/ Bão quỳ mọp xuống nâng lá nõn/ Sấm nguồn chớp bể hóa dạ thưa”. Những câu thơ có sức khái quát lớn, xứng đáng với tầm vóc nhân vật trữ tình là vua Quang Trung. Những vần thơ tự do, từ âm hưởng phóng khoáng “Nếu ngày ấy thanh bình/ Ta sẽ ôm em gào như gió hú/ Chạy băng băng trên triền sông nhiều hoa trinh nữ/ Và quỳ dâng trước động cát vàng/ Ta sẽ nói với trời xanh đất nước mình thơm ngát/ Đất nước chính là em thắm thiết nồng nàn” đến sự đúc kết: “Bằng ngôn ngữ của đất sét và lửa/ Của đá và của gió/ Phong vị vàng mười phong vị trầm hương/ Tạc câu thơ thánh thần nơi thung thổ”.
Tôi không thể liệt kê hết những câu thơ rất Nguyễn Thanh Mừng, tạo tác nên dáng đứng của trường ca này. Ở phương diện lý luận, văn học chính là sự tiếp nối, bổ sung của lịch sử chứ nhất thiết không phải là viết lại lịch sử. Chính tài năng của những cá thể sáng tạo đã đóng góp sự phong phú cho việc cảm nhận lịch sử, làm cho lịch sử nối kết với đời sống hiện tại. Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân đáp ứng một cách xuất sắc yêu cầu này.
Trong trường ca của Nguyễn Thanh Mừng, người anh hùng dân tộc có một cuộc đời sống động, không bị cách điệu hóa mà hiển hiện trước mắt ta với tư cách một con người bằng xương, bằng thịt. Ông yêu thiên nhiên, từ cây cỏ, chim muông, trăng sao, từ con cá, lá rau, quả ớt, hoa dừa; ông yêu người mẹ, người vợ, các con... Bởi “xuất thân áo vải” người anh hùng ấy tự biết mình trước sau vẫn là người trai Việt chân bùn tay lấm, “tìm gương mặt mình trong vóc vạc nhân dân”. Trong trường ca, chất anh hùng nổi bật của Nguyễn Huệ chính là lòng yêu thương, kính trọng nhân dân, những con người “trên tấm lưng còng hằn lên bao nhiêu giẫm đạp”.
“Một người dân có thể sẽ làm vua và ngược lại”, trong trường ca có một câu như thế. Ngỡ là một câu thơ bình dị, nhưng có cả một chiều sâu, nhắc nhở mọi người: hãy đừng xa cách dân, hãy vì nhân dân mà sống và phụng sự. Như anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung.
(*) Đọc Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân trường ca của Nguyễn Thanh Mừng (Nxb. Quân đội Nhân dân, 2005).
|