"Điểm tô" cho tháp Bánh Ít
14:18', 5/10/ 2006 (GMT+7)

Sở Du lịch Bình Định đang triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khu tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước). Đây được xem là bước khởi động đầu tiên của việc đầu tư nhằm khai thác những giá trị của hệ di tích Chăm tại Bình Định trong hoạt động du lịch.

 

Cổng vào di tích tháp Bánh Ít được thiết kế theo phong cách kiến trúc Chăm. Ảnh: V.T

 

Bình Định là một trong những địa phương có tiềm năng về du lịch phong phú, có thể khai thác trên nhiều bình diện khác nhau. Bên cạnh nhiều danh thắng như Ghềnh Ráng - Tiên Sa, đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai, đảo Yến, bãi biển Quy Hòa, Hầm Hô, núi Bà - hònVọng Phu, suối khoáng Hội Vân... Bình Định hiện còn 8 cụm với 14 ngôi tháp Chăm nổi tiếng; trong đó, có những cụm tháp như tháp Đôi, Bánh Ít, Dương Long được xếp vào loại đẹp trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm.

Do vậy, để đưa du lịch Bình Định phát triển, ngoài việc xây dựng quy hoạch các tuyến du lịch quan trọng như Quy Nhơn - Sông Cầu, Phương Mai - Núi Bà; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn; còn phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại các di tích, danh thắng này. Trong đó, với hệ di tích Chăm Bình Định, bên cạnh việc đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo (do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh làm chủ đầu tư), để khai thác hiệu quả vào hoạt động du lịch, cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng như điện nước, hệ thống cây xanh, các dịch vụ... (do Sở Du lịch Bình Định làm chủ đầu tư). Một trong những động thái tích cực mới đây của ngành du lịch Bình Định là triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại khu tháp Bánh Ít.

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khu tháp Bánh Ít, có tổng mức đầu tư dự toán trên 2 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bình Định thiết kế, Công ty TNHH xây dựng An Thịnh thi công, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Các hạng mục trong dự án sẽ thi công gồm: xây dựng tường rào, cổng ngõ, sân cổng, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, đường lên tháp, mái taly chắn đất, diệt cây cỏ dại. Theo ông Nguyễn Kim Khuê - Phụ trách Phòng Quản lý Du lịch (thuộc Sở Du lịch Bình Định), Sở Du lịch Bình Định đã lập đề án đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 12 tỉ đồng, gồm nhiều hạng mục khác; tuy nhiên, mới chỉ được duyệt hơn 2 tỉ đồng để làm các hạng mục trên, còn lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

   

Cụm tháp Bánh Ít. Ảnh: V.T

 

Đây là cụm tháp Chăm đầu tiên mà ngành du lịch Bình Định tham gia làm chủ đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng. Trước đây, hạ tầng khu tháp Đôi do UBND thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Đây là tín hiệu cho thấy sự gắn kết hơn giữa ngành văn hóa và ngành du lịch, trong việc khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa Chăm vào phát triển du lịch Bình Định.

Trên thực tế, từ trước đến nay, các công ty lữ hành vẫn đưa khách đến tham quan tháp Bánh Ít, nhưng chưa thu được gì, do chưa có hệ thống dịch vụ. Trong khi đó, Bánh Ít là một trong hai di tích được du khách chọn tham quan khi đến Bình Định (điểm còn lại là Bảo tàng Quang Trung), trong đó, hầu hết khách tham quan là người nước ngoài. Theo nhận xét của ông Nguyễn Kim Khuê, lượng khách đến tham quan ngọn tháp này tương đối khá. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu tháp, Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh sẽ cùng thống nhất việc khai thác dịch vụ.

Tất nhiên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, ngành du lịch cũng cần tăng cường công tác quảng bá. Hiện nay, Sở Du lịch Bình Định đang cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch xây dựng đề án nhằm kết nối du lịch Bình Định vào tuyến du lịch trọng điểm quốc gia. Khi ấy, việc khai thác giá trị hệ di tích Chăm tại Bình Định sẽ đạt hiệu quả hơn nếu những di sản này được gắn kết trong cái nhìn tổng thể chung của hệ di tích Chăm ở miền Trung.

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tạm hoãn việc tổ chức Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (05/10/2006)
Khúc bi tráng về cuộc chiến với định mệnh  (03/10/2006)
Cảm nhận nhỏ qua một trường ca (*)  (03/10/2006)
Thần dược chữa "bệnh" tham nhũng  (03/10/2006)
Tháp Bình Lâm - cô gái đẹp ẩn mình  (03/10/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (29/09/2006)
Đứng thẳng lưng dưới mặt trời  (28/09/2006)
Trò chuyện với người viết "Học phí trả bằng máu"  (28/09/2006)
Bạn tôi  (28/09/2006)
Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (28/09/2006)
Chỉnh trang, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử  (28/09/2006)
"Khi kịch cọt lúc thơ ca"  (27/09/2006)
Đã có nhiều thay đổi trong quản lý dịch vụ văn hóa  (26/09/2006)
Trần Thu Hà và Đối thoại 06  (25/09/2006)
Uống cà phê và nghe mưa rơi ở Quy Nhơn  (25/09/2006)