|
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. |
Năm 1971 Nguyễn Khắc Phục vào chiến trường Khu V. Anh viết văn, làm báo, làm công tác tuyên huấn… Sau 1975, anh đi học đạo diễn điện ảnh ở Liên Xô. Nhưng được nửa chừng lại xin về nước. Về nước cũng chẳng để làm vương làm tướng gì mà để xin đi phục vụ chiến trường Campuchia. Dọc ngang mấy năm rồi anh về làm việc tại Hãng Phim Truyện Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu...
* Anh khởi nghiệp bằng văn chương. Vậy ngọn gió nào đã đưa anh đến với điện ảnh?
Tôi không hề có ý định làm điện ảnh. Cũng là số phận đun đẩy thôi. Sau năm 1975 tôi ra Hà Nội. Hết chiến tranh thì cũng phải tìm việc gì đấy để làm. Tôi đã đến “gõ cửa” báo Văn Nghệ. Báo sẵn sàng bố trí công việc cho tôi. Tôi chỉ hỏi “Có phải đến cơ quan không?” và nhận được câu trả lời “Phải đến!”. Thế là tôi lại sang tạp chí Tác phẩm mới và cũng được nhận vào làm. Tôi lại hỏi “Liệu có được ở nhà không?” và câu trả lời cũng là “Không!”. Sau đó tôi còn “gõ” nhiều cửa nữa và chỗ nào cũng nhận, thậm chí còn sẵn sàng bố trí tôi vào những vị trí khá hấp dẫn nhưng vẫn với điều kiện không được … ở nhà, mà phải đến cơ quan hàng ngày.
Địa chỉ cuối cùng tôi đến là Xưởng phim Truyện Việt Nam, bấy giờ gọi là Hãng phim Truyện Việt Nam. Sau khi nghe lại điệp khúc “có được ở nhà không” của tôi, ông Giám đốc gật đầu cái rụp - Ở đâu cũng được, viết cái gì cũng được, nhưng phải viết cho hay. Viết không hay là... ở ngoài đường liền! Thế là tôi “tấp” vào đấy. Nhưng vào rồi thì “nếm” ngay cái khó: mình đã làm điện ảnh bao giờ đâu, cũng chẳng ai dạy mình làm điện ảnh.
Thật ra trước đó khoảng 8 năm tôi cũng có viết vở kịch Người từ giã cuối cùng và đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng thành phim Những ngôi sao biển, nhưng lúc đó tôi cũng chỉ viết một cách thô sơ, đơn giản, gần như là một thứ truyện vừa, một thứ kịch bản đơn giản. Phim này tôi được xem khi đang ở chiến trường. Năm 1975 tôi về Xưởng phim Truyện Việt Nam với tư cách là một biên kịch nghiệp dư, bắt buộc phải tìm hiểu, phải học. Đấy chính là con đường đến với điện ảnh của tôi.
* Như vậy anh đến với điện ảnh vì muốn được tự do về thời gian hay còn cả tự do trong sáng tác?
Cả hai. Riêng tôi, tôi chịu ơn Xưởng phim Truyện Việt Nam suốt mấy chục năm nay. Tôi được quyền giữ nguyên thỏa thuận miệng ban đầu dù vật đổi sao dời rất nhiều. Tôi được họ tin cậy đến mức muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, miễn là có tác phẩm. Thậm chí lương của tôi cũng được cơ quan gửi về theo đường bưu điện.
* Những thuận lợi và khó khăn khi nhà văn nhảy sang làm điện ảnh?
Nhà văn một khi đi làm sân khấu hay điện ảnh sẽ có nhiều thuận lợi. Vì dù sao họ cũng đã từng trải, đã sống và tham dự vào mọi điều với con mắt quan sát, có chút ít kinh nghiệm để nhận ra đâu là “cốt lõi”, đâu là những “váng bọt” trong quá trình tìm hiểu, phản ánh và mô tả, tái hiện hiện thực bằng cảm quan của một người viết. Họ còn có khả năng khái quát và phát hiện cả những gì hôm nay còn manh nha nhưng có thể ngày mai sẽ xuất hiện như một hiện thực lớn đang tiếp tục chiếm lĩnh đời sống và chi phối cả quá trình phát triển của xã hội, hoặc hẹp hơn, các cộng đồng dân cư hoặc khu vực. Đó là khả năng tiên báo của họ, mà đấy cũng là những lợi thế khi các nhà văn dấn thân vào kịch trường và xi-nê.
Còn khó khăn, nếu có, không phải do việc họ biên kịch với tư cách nhà văn, mà là ở chỗ họ hầu như bất lực khi đã phó mặc số phận kịch bản của mình cho những người khác. Đôi khi những điều họ viết có thể là hay ho, hấp dẫn, độc đáo thì qua các khâu duyệt, biên tập, thực hiện phim, những điều này “bốc hơi” lúc nào không ai biết… Lắm khi do sự cố này, những điều trên trở nên vô nghĩa. Nhiều khi bộ phim sau khi hoàn thành chỉ còn lại mỗi “bộ xương” của cái mà nhà văn gửi gắm, chi chút khi viết kịch bản.
* Như vậy là có sự can thiệp quá sâu của các bộ phận khác vào kịch bản?
Nếu có sự can thiệp quá sâu một cách thích đáng và hướng tới mục tiêu chất lượng nghệ thuật thì còn khả dĩ chấp nhận được. Ở đây tình hình thường không xảy ra như vậy, mà là can thiệp một cách tùy tiện, gặp chăng hay chớ, cũng lắm khi, chỉ do tắc trách.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất trong nghiệp làm phim của anh?
Khoảng thời gian tôi yêu nhất và vì nó tôi hiểu lẽ đời và cả cái giá phải trả cho nghệ thuật là những ngày tháng tôi được sống và làm việc bên cạnh đạo diễn Hồng Sến. Qua ông, tôi học thêm cách sống, cách tìm tòi, dâng hiến cho nghệ thuật. Ông là người thầy, người bạn, người anh lớn của tôi. Tiếc là ông mất sớm quá. Sau khi ông mất, tự nhiên một thời gian dài tôi không viết kịch bản phim được nữa.
* Nhận xét của anh về kịch bản phim Việt Nam hiện nay ?
Kịch bản phim của ta có thể có một vài điều gì đó khiến người ta suy nghĩ. Nhưng đại thể thì còn rất nghiệp dư. Lời thoại là một ví dụ, nhiều khi vang lên như chuông như trống, nhưng vừa xa lạ với đời sống, vừa qua miệng diễn viên vốn không quen phát ra những lời thoại như thế, thì làm sao mà hay được, sống động được. Khi đưa ra một kịch bản văn học, người viết chỉ cung cấp chất liệu, cảm hứng, chủ đề và khuynh hướng (gợi ý về thi pháp cho bộ phim). Tuy nhiên tất cả những điều đó phải được các chuyên gia “hẹp”, từ chuyên gia viết lời thoại, chuyên gia xây dựng các tình huống đặc biệt, chuyên gia về các lĩnh vực đời sống hiện thực mà kịch bản đề cập đến… chỉnh sửa. Từ sự hợp tác ấy giữa người viết kịch bản (nhà văn) với các chuyên gia, chúng ta may ra sẽ có những kịch bản điện ảnh chuyên nghiệp. Phim của ta diễn viên nói nhiều quá, tất nhiên lỗi không phải của họ.
* Có ý kiến cho rằng tính không chuyên nghiệp cũng là một trong những lý do làm điện ảnh Việt Nam thời gian qua vắng khách. Còn ý kiến của anh?
Chữ “không chuyên nghiệp” bây giờ đã trở thành những lời cửa miệng của tất cả chúng ta. Nhưng theo tôi, nói thế chỉ để che giấu một tình trạng đáng buồn hơn nhiều. Khi tự nhận “tôi là người viết kịch bản không được chuyên nghiệp lắm” vẫn dễ nghe hơn là thú nhận “tôi là một nhà biên kịch bất tài”, trong khi thực chất hai khái niệm đó là một.
* Những thách thức của điện ảnh Việt Nam khi phải đối mặt với cơ chế thị trường?
Mồm ta thì nói “làm phim phải hướng ra thị trường”, nhưng trong bụng và trong hành xử thì vẫn khoái bao cấp. Đó là nguy cơ lớn nhất. Chúng ta quá dễ dãi khi nhất trí với nhau về phát ngôn đao to búa lớn về cái gọi là “tạo ra những bước đột phá trong điện ảnh”, nhưng đồng thời phần lớn chúng ta vẫn sẵn sàng chặc lưỡi: Tiền nhà nước, thêm một phim dở cũng chẳng chết ai! Thêm vào đó là thái độ đạo đức giả và thiếu trách nhiệm đến mức tàn nhẫn khi quên mất rằng: Tiền làm phim là tiền thuế của dân. Vì vậy nếu không làm ra những tác phẩm có chất lượng cao, sáng tạo và bán được vé, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân là có tội.
* Có lời đồn Hãng phim Truyện Việt Nam sắp phá sản. Anh đã nghe chưa?
Tôi chưa nghe. Nhưng theo tôi, nếu giải tán Hãng phim Truyện Việt Nam thì đây sẽ là một sai lầm lớn. Có thể giải tán tất cả các hãng phim, nhưng có vài trung tâm điện ảnh quốc gia thì phải bằng mọi giá mà giữ lấy. Theo tôi có mấy lý do sau đây. Thứ nhất, dù sao ở đây vẫn còn đội ngũ sáng tác điện ảnh, từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế…, ít nhất cũng khả dĩ hơn ở các nơi khác trong nước. Thứ hai, Hãng đã nếm trải những kinh nghiệm thất bại cay đắng, mà theo tôi, trong chừng mực nào đấy, những kinh nghiệm này nếu được dũng cảm nhìn nhận, kiên quyết vượt qua một cách thông minh và đổi mới, lúc ấy, chúng sẽ hữu ích và quan trọng không kém kinh nghiệm thành công.
Đúc kết của cá nhân anh sau quá trình hoạt động trong điện ảnh là gì?
Sự bất tài là nguy cơ lớn nhất không riêng gì đối với người hoạt động nghệ thuật trong điện ảnh.
* Xin cảm ơn anh.
KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN NHỰA ĐÃ DỰNG:
1- Những ngôi sao biển (Xưởng phim Truyện VN, 1971, ĐD Đặng Nhật Minh)
2- Tự thú trước bình minh (Xưởng phim Truyện VN, 1977, ĐD Phạm Kỳ Nam)
3- Mưa rơi trên thành phố (hai tập, Xưởng phim CAND, 1978, ĐD Trần Phương)
4- Sơn ca trong thành phố (Hãng phim Truyện VN, 1981, ĐD Khánh Dư)
5- Học trò thủy thần (Hãng phim Truyện VN, 1982, ĐD Khánh Dư)
6- Nhiệm vụ hoa hồng (Hãng phim Giải Phóng, 1987, ĐD Hồng Sến)
7- Chiến trường chia nửa vầng trăng (Hãng phim Giải Phóng, 1990, ĐD Hồng Sến)
8- Điệp khúc hi vọng (Hãng phim Giải Phóng, 1991, ĐD Hồng Sến)
9- Lạc cầm thứ 13 (Hãng phim Truyện VN, 1996, ĐD Nguyễn Hữu Luyện)
10- Bọn trẻ (Hãng phim Truyện VN, 1996, ĐD Khánh Dư, huy chương vàng dành cho kịch bản văn học của Liên hoan phim Bình Nhưỡng).
KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH ĐÃ DỰNG:
1- Những nẻo đường phù sa (50 tập, Hãng phim Tây Đô, 1995, ĐD Châu Huế)
2- Bình minh châu thổ (30 tập, Hãng phim Tây Đô, 1996, ĐD Châu Huế)
3- Câu chuyện cuối tuần (25 tập, 1997, Đài TH Đà Nẵng)
4- Những đứa con thành phố (12 tập, Hãng phim TH thành phố HCM, 1998, ĐD Đỗ Phú Hải)
5- Những tháng năm yêu dấu (Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Châu Huế)
6- Mật mã 1789 ( nhiều tập, Hãng phim Hội Nhà Văn, 2000, ĐD Tự Huy)
7- Bức tường lửa ( 15 tập, Đài TH Đà Nẵng, 2000)
8- Viên ngọc Côn Sơn (4 tập, Hãng Nguyễn Đình Chiểu, 1997, ĐD Lê Văn Duy)
9- Hiến dâng ( 2 tập, Chi nhánh phía Nam Đài TH Trung ương, 1998, ĐD Lê Dân)
10- Hồi ức tình yêu (Trung tâm nghe-nhìn Hà Nội- Đạo diễn Trần Trung Nhàn)
11- Nước mắt của biển (Đài Truyền hình Hải Phòng)
12- Cửa ngõ ( Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Trần Vịnh)
13- Nước mắt của biển ( Đài PT-TH Hải Phòng-2000)
14- Người dưng ( Đài PT-TH Hà Nội, năm 2001)
Ngoài ra còn một loạt phim video: Hoa Hậu mồ côi, Vĩnh biệt chân trời cũ, Ngày chủ nhật vắng chúa, Đừng đùa với số 0, Cầu nguyện trong sương mù… | |