Giúp đúng thứ dân cần, dân muốn
Sáu năm trên hành trình công tác Hội CTÐ, bà Thái Kim Dung (SN 1972), Chủ tịch Hội CTÐ huyện An Lão, đã chủ động kết nối nhà hảo tâm thực hiện tốt nhiều chương trình, hoạt động, đưa công tác chữ thập đỏ An Lão ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa cho người khó khăn, kém may mắn ở vùng cao.
Đúc kết “bí quyết” thành công, bà Dung chia sẻ: Giúp đúng điều người dân cần, trao đúng thứ người dân muốn. Bà Dung đã nhiều lần nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương Hội CTĐ Việt Nam vì những đóng góp của mình trong công tác nhân đạo từ thiện.
Bà Thái Kim Dung (bìa phải) trao sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật trên địa bàn huyện. Ảnh: NVCC
Vui với “quyền” giúp đỡ người khác
Trước năm 2018, bà Thái Kim Dung công tác tại UBND xã An Quang (huyện An Lão) với chức danh là Phó Chủ tịch UBND xã. Đây cũng là thời gian giúp bà hiểu rõ nỗi khó khăn, vất vả của đồng bào miền núi. Khi được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội CTĐ huyện, bà chủ động lên kế hoạch giúp đỡ phù hợp từng nhóm đối tượng.
• Sau 12 năm đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã An Quang, những ngày đầu chuyển công tác sang Hội CTĐ huyện, bà có cảm nhận gì đặc biệt không?
- Đối với tôi làm công việc nào cũng phải hết lòng, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vai trò là Chủ tịch Hội CTĐ huyện, điều tôi tâm đắc nhất là đã được Đảng, Nhà nước trao cho “quyền” được tập trung giúp đỡ người yếu thế. Đặc biệt, lúc làm Phó Chủ tịch UBND xã, tôi đi cơ sở rất nhiều, đến từng làng, từng thôn và hiểu rõ được sự thiếu thốn của từng nơi, từng nhóm đối tượng. Nhờ vậy, đây cũng là bước đệm giúp tôi triển khai tốt công tác nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ người khó khăn, yếu thế một cách thiết thực nhất, giúp họ ổn định cuộc sống.
• Bà có thể nói rõ hơn về điều này không?
- Dù huyện An Lão có rất nhiều hộ nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn nhưng mỗi người lại có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng, như có người nghèo vì lớn tuổi neo đơn, có người vì ốm đau, có người chỉ vì thiếu sinh kế. Với từng nguyên nhân, trường hợp, chúng tôi xác minh, nắm danh sách rõ ràng để khi kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ, họ thấy thuyết phục, ý nghĩa. Hoặc khi có nhà hảo tâm chủ động đề nghị thực hiện chương trình hỗ trợ cho những nhóm người khó khăn nào đó thì chúng tôi cũng có danh sách ngay.
Hiện chúng tôi đang thực hiện các chương trình theo từng nhóm người như: Hỗ trợ nhu yếu phẩm hằng tháng cho 22 cụ già neo đơn; trao sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng sữa cho trẻ mầm non, mẫu giáo; duy trì bếp ăn tình thương tại TTYT huyện...
• Trong các hoạt động trợ giúp, trao sinh kế là một biện pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Hội CTĐ An Lão triển khai công tác này như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa bà?
- Chúng tôi triển khai rất nhiều chương trình trao sinh kế theo đặc thù từng nhóm hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đối với hộ có lao động, chúng tôi trao dê, bò giống sinh sản. Với gia đình không có lao động chính, chúng tôi trao heo, gà để thuận tiện trong quá trình chăn nuôi.
Đáp lại nỗ lực của chúng tôi, nhiều hộ được trao sinh kế đã dần thoát nghèo. Mới đây, một trường hợp khó khăn ở xã An Quang được hỗ trợ là chị Đinh Thị Bay không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang nhờ chăn nuôi dê. Chứng kiến từng gia đình khó khăn, hộ nghèo dần vươn lên là niềm vui, tự hào và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng.
Kết nối những trái tim đồng điệu
Là huyện miền núi nên An Lão có địa hình trắc trở hơn nhiều địa phương khác. Để có thể hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp khó khăn, bà Thái Kim Dung xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, các CLB thành viên chất lượng, rộng rãi. Hiện toàn huyện có 12 Hội CTĐ cơ sở ở 10 xã, thị trấn và 2 trường học (Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão và Trường THPT An Lão) với 2.800 hội viên; 21 đội tình nguyện viên với 214 thành viên; 1 CLB Người tình nguyện với 14 thành viên...
• 6 năm - quãng thời gian không ngắn nhưng cũng chưa dài, song bà đã triển khai hiệu quả rất nhiều hoạt động và đưa Hội CTĐ huyện An Lão từ xếp hạng trung bình, khá đến xuất sắc và là đơn vị dẫn đầu của các huyện miền núi, trung du. Bà có thể chia sẻ bí quyết của mình?
- Việc xây dựng đội ngũ tình nguyện viên rộng khắp và công tác điều hành, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chính là yếu tố quan trọng nhất. An Lão là huyện miền núi, địa hình rộng, cách trở, dân cư lại không tập trung, nếu không mở rộng đội ngũ tình nguyện viên thì công tác hỗ trợ, giúp đỡ chắc chắn không thể nào kịp thời được.
Yếu tố thứ hai là các hoạt động chúng tôi thực hiện đều đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo được niềm tin của nhà hảo tâm. Cùng với đó, thực tế đã chứng minh nơi nào làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện thì an sinh xã hội cũng phát triển. Đặc biệt, khi Hội CTĐ trợ giúp kịp thời cho những người có hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ đó cố gắng vươn lên, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương. Huyện ủy, UBND huyện đã thấy được điều đó và rất ủng hộ chúng tôi.
• Về số người đăng ký hiến mô, tạng, An Lão tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh. Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này?
- Trước khi vận động mọi người đăng ký hiến mô, tạng, chúng tôi thành lập 2 ngân hàng máu sống. Hiện 2 nhóm này đang hoạt động rất hiệu quả. Mới đây, khi có một bệnh nhân cần máu gấp, 4 thành viên của ngân hàng máu sống không ngại đường xa vào BVĐK tỉnh hỗ trợ. Nhờ hoạt động của các thành viên, tinh thần hết lòng vì mọi người đã được lan tỏa rộng rãi.
Tiếp đó, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của thôn, CLB hay qua các đợt hiến máu tình nguyện, chúng tôi dành 5 - 10 phút để tuyên truyền về việc đăng ký hiến mô, tạng. Hiện nay, An Lão có 4 người đã đăng ký hiến tạng được Trung tâm ghép tạng Quốc gia cấp thẻ hiến tạng sau khi qua đời. Bây giờ nhiều người dân trên địa bàn huyện rất hưởng ứng hoạt động này, dự kiến số người đăng ký hiến mô, tạng trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng.
• Còn đối với việc chăm sóc những mầm non tương lai thì sao?
- Trẻ em ở huyện An Lão, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn, do vậy tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao. Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo” là một trong những hoạt động chính của chúng tôi. Chúng tôi liên kết với Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood để hỗ trợ sữa cho các cháu. Riêng trong năm 2023, chúng tôi đã tặng 1.238 lon sữa bột, 30 thùng sữa tươi cho các cháu mầm non, mẫu giáo.
Cùng với đó, chúng tôi tổ chức các chương trình hưởng ứng nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu... để các cháu đều được có quà, được thêm niềm vui. Ngoài ra, cùng với bếp ăn tình thương tại TTYT huyện, chúng tôi còn duy trì bếp ăn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Ruối.
• Với những kết quả đạt được, thời gian tới bà có dự định như thế nào để hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả, giúp được nhiều trường hợp khó khăn hơn?
- Khi đến với những hoàn cảnh khó khăn, trông thấy ánh mắt mong đợi và vui mừng của họ, chúng tôi quyết tâm phải cố gắng nhiều hơn nữa. Ngoài tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình đang thực hiện, chúng tôi còn triển khai một số hoạt động chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Vừa rồi chúng tôi tặng 20 thùng đựng rác cho xã An Quang. Các thùng rác được đặt ở 10 điểm. Mỗi điểm gồm 1 thùng rác hữu cơ - vô cơ, 1 thùng rác thu gom nhựa tái chế và do 1 tình nguyện viên phụ trách. Ngoài chung tay cùng địa phương bảo vệ môi trường, các điểm thu gom rác còn giúp các đội tình nguyện viên bán phế liệu thu gom được gây quỹ giúp đỡ các trường hợp khó khăn trên địa bàn.
• Xin chân thành cảm ơn bà!
Năm 2023, Hội CTĐ huyện An Lão vận động được 4,23 tỷ đồng hỗ trợ cho 18.867 lượt hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó thực hiện chương trình Tết nhân ái năm 2023, Hội CTĐ huyện tặng 5.092 suất quà (tăng 1.517 suất so với năm 2022), đạt 254,6% kế hoạch tỉnh giao. Cùng với đó, hằng năm Hội CTĐ huyện An Lão thực hiện tốt phong trào hiến máu tình nguyện. Riêng trong năm 2023 đơn vị vận động được 418 người hiến máu, đạt 105% kế hoạch UBND tỉnh giao.
THẢO KHUY (Thực hiện)