Ða dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên an toàn: Nguồn tài nguyên quý cần được bảo vệ, phát huy
Tài nguyên đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão) phong phú, đa dạng; trong đó, nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm và có giá trị khoa học cao. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn là rất quan trọng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và phát triển bền vững.
Đa dạng hệ sinh thái và động, thực vật
Theo điều tra, thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) và Viện Sinh thái học miền Nam, tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) An Toàn có 5 kiểu hệ sinh thái chính, gồm: Hệ sinh thái rừng tự nhiên; hệ sinh thái trảng cỏ, trảng cây bụi; hệ sinh thái rừng trồng; hệ sinh thái đất nông nghiệp và hệ sinh thái thủy vực. Trong đó, hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm diện tích chủ yếu và quan trọng nhất.
Hiện tổng diện tích rừng tự nhiên tại Khu BTTN An Toàn khoảng hơn 23.750 ha, chiếm hơn 92% tổng diện tích quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn; độ che phủ rừng đạt trên 95,5%.
TS Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết: “Đặc trưng của Khu BTTN An Toàn là hệ sinh thái rừng tự nhiên độc đáo mang tính điển hình của vùng rừng núi thuộc Đông Trường Sơn, là vùng còn nhiều tiềm ẩn và hấp dẫn bởi tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao. Đây là vùng duy nhất có sự giao lưu của các luồng sinh vật thuộc các yếu tố Hoa Nam, Miến Điện, Malaysia, Đông Dương; yếu tố phân bố toàn cầu và yếu tố đặc hữu”.
Với sự đa dạng về mặt địa hình, thảm thực vật của Khu BTTN An Toàn rất phong phú về thành phần loài và các kiểu dạng sống. Đến nay, tổng số loài thực vật tại Khu BTTN An Toàn được ghi nhận là 739 loài, thuộc 419 chi, 133 họ. Trong đó, có 59 loài thực vật là các loài quý hiếm, nguy cấp được liệt kê trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN 2021); Sách Đỏ Việt Nam 2007; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, nhóm thực vật có giá trị cao tại Khu bảo tồn cũng chiếm tỷ lệ lớn với 279 loài, thuộc 224 chi, 92 họ. Trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các loài thuộc nhóm công dụng làm thuốc (234 loài), thực phẩm (55 loài) và lấy gỗ (29 loài).
Bên cạnh đó, tổng số loài động vật có xương sống trên cạn ghi nhận tại Khu BTTN An Toàn là 343 loài, gồm 40 loài lưỡng cư, 54 loài bò sát, 164 loài chim và 85 loài thú. Nhiều loài động vật quý hiếm được phát hiện, ghi nhận tại Khu bảo tồn như: Chà vá chân xám, vượn trung bộ, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, rái cá bé, cheo cheo, mang Trường Sơn, sóc bay trâu…
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho hay: “Khu hệ động vật có xương sống trên cạn tại Khu BTTN An Toàn có rất nhiều loài động vật được xếp vào nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng theo các cấp khác nhau trong Sách Đỏ Việt Nam. Điều này cho thấy giá trị bảo tồn rất lớn đối với khu hệ động vật có xương sống trên cạn tại khu vực này”.
Phát huy giá trị và tăng cường bảo tồn
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Khu BTTN An Toàn có giá trị ĐDSH cao và nhiều loài đặc hữu là nguồn tài nguyên quý để làm cơ sở cho phát triển du lịch gắn với các hoạt động tham quan, quan sát động vật hoang dã như ngắm chim và các loài linh trưởng. Hoạt động này sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ, bảo tồn hiệu quả tài nguyên ĐDSH tại Khu bảo tồn.
Ngoài ra, một số loài lưỡng cư tại Khu BTTN An Toàn cũng có giá trị để phát triển kinh tế như ếch đồng, các loài ếch xanh, ếch gai sần… Đây là các loài ếch có kích thước lớn và có thể gây nuôi nhằm phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đến năm 2030, Khu BTTN An Toàn được quy hoạch thành Vườn quốc gia An Toàn.
Sở NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, triển khai các nội dung liên quan vấn đề này, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao tại Khu bảo tồn.
Ông Khiếu Đức Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết: Hiện công tác khoán bảo vệ rừng đến người dân địa phương được đơn vị thực hiện theo đúng quy định pháp luật và đạt hiệu quả cao. Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn và chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân trong việc bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, hoang dã. Nhờ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương được nâng cao, hạn chế tối đa sự xâm hại tài nguyên rừng.
Theo TS Lưu Hồng Trường, sự phát triển KT-XH góp phần không nhỏ vào việc gia tăng áp lực lên các hệ sinh thái, tài nguyên ĐDSH tại Khu BTTN An Toàn. Do đó, việc các cơ quan thẩm quyền xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, các nhóm loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu, các loài có giá trị kinh tế và đem lại sinh kế cho cộng đồng tại Khu bảo tồn là rất cần thiết.
VĂN LỰC