Xây dựng và phát huy giá trị các công trình tưởng nhớ, tôn vinh các nhân vật lịch sử:
Từ những chuyển động tích cực
Gần đây, một điểm đáng mừng trong xây dựng công trình tưởng nhớ, tôn vinh các nhân vật lịch sử có nhiều cống hiến cho dân tộc là việc huy động các nguồn lực xã hội, các nhà tài trợ có nhiều chuyển động tích cực. Ðiều này không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa văn hóa trên địa bàn tỉnh, mà còn làm tăng thêm nội dung trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương trong ngày khánh thành.
Nhân dân đồng tình; doanh nhân, doanh nghiệp ủng hộ
Năm 1997, tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn - nơi chôn rau cắt rốn của anh hùng dân tộc Võ Duy Dương - người dân địa phương và dòng họ đã cùng nhau góp công góp của xây dựng đền thờ ông; hàng năm tổ chức tế lễ trang trọng. Năm 2007, đền thờ này được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua gần 20 năm, đền thờ nay đã xuống cấp, không gian chật hẹp... nên việc xây dựng công trình mới, quy mô xứng tầm hơn đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ của nhiều người dân, đặc biệt là của một số doanh nhân. Nhờ vậy, dự án này sau đó được triển khai rất nhanh.
Cuối tháng 7.2016, mặc cho cái nắng nóng gay gắt của buổi trưa, rất đông người dân và đại biểu vẫn thấy “mát lòng” khi về dự lễ khánh thánh Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương. Đền thờ được xây dựng mới trên khu đất rộng hơn 2.700 m2, gồm nhiều hạng mục, với tổng mức đầu tư 10,8 tỉ đồng. “Để có được Đền thờ quy mô như hôm nay, bên cạnh sự đóng góp của tộc họ Võ ở TX An Nhơn và người dân địa phương, còn có sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp, điển hình là Công ty CP Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Thiên Quỳnh, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty TNHH Nông sản Quốc tế… cùng nhiều nhà tài trợ khác. Công trình được triển khai nhanh chóng, “thông đồng bén giọt” còn nhờ ở tấm lòng của người dân sinh sống ở khu vực quanh di tích đã ủng hộ chủ trương di dời của tỉnh, giúp việc bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công diễn ra đúng tiến độ yêu cầu...”- ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết.
Cuối tháng 5.2016, với sự tài trợ từ gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu (thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, công trình Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) được khởi công. Công trình này đang trong giai đoạn hoàn thành, với các hạng mục: Điện thờ, cổng tam quan, nhà bia, bình phong, nhà quản lý và soạn lễ, sân đường đi... được xây dựng trong khu đất Di tích Lịch sử cấp quốc gia Gò Lăng, nơi có dấu tích nền nhà và khu vườn ngày xưa của gia đình ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng, cha mẹ của Tây Sơn tam kiệt- Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Ông Trần Hoài Nam, đại diện gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu, chia sẻ: “Thông qua việc làm thiết thực này, chúng tôi muốn cùng tham gia tôn tạo một điểm “về nguồn” ở quê ngoại Tây Sơn tam kiệt; góp phần thu hút người dân trong tỉnh và du khách tìm đến bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc sinh thành và người anh hùng áo vải, đã có nhiều cống hiến trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh, huyện Tây Sơn đã tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi đóng góp xây dựng Đền thờ!”.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương.
Phát huy tốt hiệu quả các công trình
Tại lễ khởi công xây dựng Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh ý nghĩa của việc xã hội hóa xây dựng công trình. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh, hoạt động này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích phong trào Tây Sơn tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử; đưa di tích Gò Lăng trở thành một điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập trong tương lai. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, nếu biết cách khơi gợi, động viên, nguồn lực từ cộng đồng, xã hội, sẽ tạo động lực lớn, chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa văn hóa trên địa bàn tỉnh; làm tăng thêm nội dung, ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Đối với việc phát huy giá trị Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương, Giám đốc Sở VH-TT &DL Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp cùng tộc họ Võ quản lý đền thờ, để phát huy hiệu quả khu di tích này một cách tốt nhất. Di tích này sẽ gắn kết với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn TX An Nhơn và hệ thống di tích khu vực phía Tây của tỉnh, tạo thành một tuyến tham quan mang nhiều ý nghĩa...”.
Mới đây, công trình Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) được khánh thành. Hoàn thành đền thờ như mong ước lâu nay của tộc họ, người dân và chính quyền địa phương là một thành công rất lớn. Tuy nhiên, để phát huy giá trị, ý nghĩa của đền thờ, cần tiếp tục xã hội hóa để hoàn thiện “phần hồn”; tiến tới biến nơi đây như một bảo tàng chuyên đề khoa học. Được như vậy, việc thu hút sự ủng hộ của xã hội sẽ còn nhiều hơn, nhanh hơn.
“Trong quá trình xây dựng, công trình này nhận được sự ủng hộ tài trợ xã hội hóa khoảng 700 triệu đồng, sử dụng chủ yếu cho phần trang trí nội thất. Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, vận động các nguồn kinh phí tài trợ, chúng tôi sẽ có những hình thức linh hoạt để mời gọi các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu... tham gia đóng góp phù hợp với khả năng của mình, nhằm bày tỏ tấm lòng đối với bậc hậu tổ tuồng và góp phần giúp cho đền thờ hoạt động hiệu quả” - ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, chia sẻ.
* * *
Các dự án kể trên đều là những dự án lớn, được cộng đồng dân cư nhiệt tình ủng hộ, cùng sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân. Để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn trong xã hội, cần phát huy mạnh mẽ giá trị các công trình; bởi khi chứng tỏ nguồn lực xã hội được sử dụng tốt, các dự án mới, công trình mới sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, tốt hơn.
Do vậy, việc phát huy hiệu quả các công trình tôn vinh các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa vào thực tiễn cuộc sống nên được tính toán, xây dựng kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp là điều nên sớm được tính đến.
Nhà yêu nước Võ Duy Dương (1827-1866) là một trong những lãnh tụ nghĩa quân chống thực dân Pháp đầu tiên ở Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Cù Lâm Nam, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn; sau đó, cùng gia đình chuyển vào Nam khai hoang lập ấp. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Ðịnh, Võ Duy Dương đã chủ động đứng ra tập hợp, chỉ huy nghĩa binh đánh Pháp ở nhiều nơi và lập nên những chiến công vang dội, được triều đình phong hàm Chánh bát phẩm Thiên Hộ. Vì thế, trong dân gian, đồng bào miền Nam trân trọng gọi ông là Thiên hộ Dương.
HOÀI THU