• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo
  • Báo in
  • Podcasts
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Bình Định - Đất và Người|Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Văn hóa - Nghệ thuật

Hương hoa dẻ

Chẳng sai chút nào khi người ta ví mùa thu như một người đàn bà đẹp. Có lẽ bởi khi thu đến đã giăng mắc trong lòng người bao điều kỳ diệu. Chẳng riêng gì mùa cây thay áo lá, mùa tựu trường và cả Tết Trung thu; chẳng riêng gì hương ổi trong vườn nhà se sẽ phả mình trong gió hay vị ngọt lịm của sim chín tím ngắt cả triền rừng… Đó còn là những chùm hoa dẻ e ấp với cánh thuôn dài, vàng mơ lặng lẽ và hương thơm dịu ngọt, ngất ngây. Với tôi, loài hoa ấy là một nét chấm phá tạo nên bức tranh thu tuyệt diệu, là khung trời thương nhớ.

Khi đất trời chuyển mùa, từng chùm dẻ xôn xao, vàng rộm đứng khép mình trong hàng rào cây chen chúc lá hay vách đá cheo leo nơi núi rừng xanh ngát. Rong ruổi theo sau đàn bò lên núi phải ngang qua một con đường nhỏ hẹp chỉ đủ cho từng chú bò đi theo hàng dọc, tôi nhận ra một sự mới lạ chỉ hôm nay mới có. Nếu những ngày thường, đám trẻ chúng tôi vẫn ngả nghiêng cười nói đến vô tâm; thì hôm nay, hương dẻ đã thức dậy trong từng cánh mũi, từng ánh nhìn và từng cái miệng tròn vo hồ hởi ở mỗi đứa.

Chúng tôi cử một đứa có thân hình nhỏ nhất lách mình qua hàng rào gai hái từng bông dẻ rồi chuyền tay cho những đứa đứng ngoài cẩn thận giơ vạt áo mình lên đón lấy. Sau một hồi cất công thu hoạch, chúng tôi chia phần đều nhau mỗi đứa một ít. Nhìn bông nào cũng vàng au, thơm phức. Như để tận hưởng hết quà tặng của đất trời ban cho, đám trẻ chúng tôi đua nhau đưa lên mũi hít lấy hít để rồi cột thành chùm đem về.

Về đến nhà, tôi lấy trong túi áo ra chùm hoa dẻ hãy còn thơm lừng chạy khoe ngay với mẹ, rồi vội vàng vào trong góc phòng, mở ngăn cặp, nhẹ nhàng đặt từng bông ép vào trong sổ. Nâng niu cuốn sổ như một vật báu, tôi kín đáo bỏ vào ngăn cặp, mừng rỡ ra mặt: “Vậy là chiều nay đến lớp, mình có cái khoe với con Hằng rồi! Chắc nó phải ghen tỵ lắm!”. Tôi cười một mình, khuôn mặt sáng bừng trông thấy.

Và quả không sai, giờ ra chơi hôm đó, con Hằng cứ xúm xít lấy tôi xin xỏ. Tôi chẳng thể nào vô tình trước nó, bèn đưa cho bạn hai bông dẻ. Hương hoa dẻ dịu ngọt loang nhẹ khắp phòng học khiến cô tôi nhớ đến bài thơ “Chùm hoa dẻ” của nhà thơ Quang Huy. Và thế là chúng tôi được nghe cô đọc lại bài thơ bằng một giọng truyền cảm trong vẻ thích thú, say sưa. Bờ cây chen chúc lá/Chùm dẻ treo nơi nào/Gió về đưa hương lạ/Cứ thơm hoài xôn xao/Bạn trai vin cành hái/Bạn gái lượm đầy tay/Bạn trai túi áo đầy/Bạn gái cài sau nón/Chùm nay hoa vàng rộm/Rủ nhau dành tặng cô/Lớp học chưa đến giờ/Đã thơm bàn cô giáo.

Nhớ nhất là ngày học lớp năm, nhà con Hiệp lớp tôi ở sát núi nên sau vườn nhà nó có nhiều cây hoa dẻ. Nhà nó nghèo chẳng có tiền mua phấn viết bảng, mùa hoa dẻ chín, nó thường hái thật nhiều bỏ vào trong túi vải mang đến lớp, đứa nào muốn có hoa thì đem một cục phấn trắng làm vật đổi chác. Cứ thế, hôm nào cũng vậy, tôi thấy con Hiệp có cả một túi phấn trắng bỏ trong cặp.

Khi tôi hỏi: “Mày đổi hoa lấy phấn nhiều thế để làm gì?” Nó đáp nhỏ: “Mình đem về cho mấy đứa em ở nhà tập viết”. Tôi ngớ người. Nghe thật đơn giản nhưng cũng thật thấm thía. Con Hiệp thương em nhiều đến thế. Thế là hôm nào nó đem hoa dẻ đến trường, tôi lại rủ thêm mấy đứa bạn khác lớp đem phấn đến đổi lấy hoa dẻ của nó.

Cứ thế, suốt mấy năm học tiểu học rồi trung học, những chùm hoa dẻ dân dã ấy làm bạn với tôi suốt mùa thu, để cho những mùa sau, nó hãy còn rạo rực, xuyến xao.

Ngày tôi học cấp ba rồi lên đại học, những bông hoa dẻ vẫn lặng lẽ bằng nhiều cách vẫn phảng phất thơm những trang nhật ký của tôi.

Hôm rồi, chợt hỏi mẹ về bạn Hiệp ngày xưa. Mẹ nói, bạn vào Nam làm công nhân từ lâu rồi, nghe nói lập gia đình trong đó, chắc cũng khổ nên lâu lắm không thấy về. Hình ảnh những bông dẻ màu vàng mật, thơm ngào ngạt và cả túi phấn trắng nằm gọn trong ngăn cặp nó bỗng dưng lại len vào hồn tôi với ánh mắt tròn đầy của người bạn tuổi thơ.

LÊ THỊ XUYÊN

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Nắng tuổi thơ…  (13/8/2016)  
Vai trò quan trọng của người phụ nữ  (13/8/2016)  
Ngày tôi vào lớp 1  (13/8/2016)  
Lần đầu tiên phát hiện hai di tích hang động tiền sử ở Bắc Kạn  (12/8/2016)  
Hào khí Việt trong thơ đi sứ cuối thế kỷ 18  (11/8/2016)  
Nhà báo Nguyên Trường đoạt giải Ba bài hát “Tổ quốc yêu thương”  (11/8/2016)  
Tập huấn nghiệp vụ viết, biên tập tin, bài cho 82 cán bộ ĐTT cơ sở  (11/8/2016)  
Phim Đức về chất độc da cam Việt Nam được đề cử giải Emmy quốc tế  (11/8/2016)  
Phê duyệt một đề án lớn về bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam  (10/8/2016)  
Bình Định là 1 trong 18 địa phương triển khai  (10/8/2016)  
TẤM GƯƠNG HCM
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
CHUYỂN  ĐỔI SỐ
Quảng cáo Báo Bình Định
Liên hệ quảng cáo
bidiphar
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 129/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 17.4.2023
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang