Giải mã tấm bia ký trên tượng Phật Lồi
Chùa Linh Sơn thuộc thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, có một pho tượng đá cổ Champa, được chuyển từ thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải đến, dân gian gọi là tượng Phật Lồi. Trước đây, khi chưa dịch được nội dung trên bia ký và giải mã về các biểu tượng trên pho tượng, giới nghiên cứu chưa xác định được đây là tượng gì. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho biết, đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn.
Mặt sau của tượng Phật Lồi được tạo liền khối với một tấm bia ký, tấm bia bị vỡ mất phần trên, phần còn lại có 12 dòng chữ Champa cổ. Nội dung 12 dòng chữ này là một bí ẩn lớn suốt một thời gian dài, chúng chỉ bắt đầu hiển lộ ý nghĩa khi Giáo sư Arlo Griffiths, trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tiếp cận.
1.
Theo như nội dung tấm bia ký khắc sau lưng pho tượng được dịch, thì pho tượng này có niên đại thế kỷ XV. Bia ký mang ký hiệu C.214 (tức bia ký thứ 214 của Champa đã được các nhà khoa học đưa vào danh mục quốc tế). Sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Arlo Griffiths đã đọc được minh văn, biên tập và dịch ra tiếng Anh. Bản dịch ra tiếng Việt và giải thích ý nghĩa do PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cung cấp. Và nội dung minh văn khẳng định, đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Tấm bia ký mặt sau pho tượng thần Shiva.
Bia ký của tượng Shiva ở chùa Linh Sơn là một bia ký dài, có nội dung và có niên đại cụ thể, được viết bằng chữ Chăm cổ. Nội dung bia ký nói về vị vua Nauk Glaun Vijaya, vị vua này được nhắc tới, là đã đánh thắng người Việt (Yvan) và chiếm được vương quốc Brah Kanda. Sau khi giành được nhiều chiến thắng, trở về Campa vào năm Saka-1343.
Theo các nhà nghiên cứu, Nauk Glaun Vijaya chính là người đã kế vị ngôi vua của cha mình là Jaya Simhavarman (IV) vào năm 1400 với tên tấn phong là Virabhadravarman. Sau đấy, vào năm 1432, Nauk Glaun Vijaya làm lễ đăng quang với vương hiệu là Indravarman (VI) (sử sách Trung Quốc gọi là Chang-pa-ti-lai (Champadhiraja), sử liệu Việt Nam gọi là Ba Đích Lai). Vì nhiều lý do, thời kỳ trị vì khá dài của vua Nauk Glaun Vijaya (1400-1441) trôi trong thanh bình.
Trong mấy năm đầu trị vì, Ba Đích Lai phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (khu vực hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) cho nhà Hồ. Sau đó, nhân cơ hội nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, Ba Đích Lai đã chiếm lại hai vùng đất đã dâng. Khi đã lấy lại được phần đất phía Bắc và được nhà Minh ủng hộ, vua Champa đã trả thù người láng giềng Chân Lạp bằng cuộc tấn công vào nơi mà vị vua AngKor cuối cùng đến định đô (nay là Phnôm Pênh). Cả hai chiến tích trên vào năn 1421 (năm Saka-1343), Nauk Glaun Vijaya đã cho ghi lên bia ký phía sau pho tượng.
2.
Như vậy, chủ nhân và niên đại của bài bia ký khắc phía sau pho tượng Shiva ở chùa Linh Sơn đã được xác định rõ. Nhưng vấn đề đặt ra tiếp theo, niên đại của pho tượng và niên đại của bia ký có phải là một hay không?
Mảnh bia vỡ có khắc chữ Chăm cổ và bệ tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn.
Pho tượng Shiva nếu đem ra phân tích những chi tiết mang tính phong cách, các nhà nghiên cứu điêu khắc Champa cho rằng, tác phẩm này thuộc phong cách lớn cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc Champa: phong cách tiếp nối giữa phong cách tháp Mắm Bình Định với giai đoạn hình thành phong cách YangMun (từ 1307 đến 1471), nghĩa là cũng vào khoảng thời gian vua Nauk Glaun Vijaya khắc trong bia ký.
Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng thần Shiva thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, khi thì được thể hiện dưới dạng tượng nhân dạng (trường hợp tượng vua Pô Rômê (Ninh Thuận), chính là tượng thần Shiva dưới hình thức vị thần tối cao); khi thì thể hiện dưới dạng Mukhalinga (trường hợp vua Pôklaung Garai biến tướng dưới dạng cột lửa hình Linga, biểu tượng của thần Shiva); khi thì thần Shiva được khắc tạc có bộ râu nhọn dài, ngồi trầm tư và cầm tràng hạt được thể hiện trong một số tác phẩm điêu khắc, phù điêu khai quật tại tháp Mắm (Bình Định - trước đây có một số người gọi tên tháp là tháp Mẫm. Tuy nhiên, thực tế tên tháp phải là tháp Mắm mới đúng. Tháp được nhà khảo cổ học người Pháp J. Y. Claeys, thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ gọi theo tên ông Nguyễn Mắm, chủ nhân của khu đất mà nhà khảo cổ khai quật. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh trong cuốn Văn hóa cổ Chămpa, năm 1987 khi ông điền dã khu vực này có gặp cụ Nguyễn Mắm lúc đó vẫn còn sống ở tuổi 77 và xác thực tên gọi của tháp)… Nhưng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như chữ om trên mũ, chữ số ba ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt… được thể hiện dưới dạng tạc thành pho tượng thờ và phía sau lưng có tấm bia ký. Có thể nói, đây là một tác phẩm điêu khắc Champa có hình thức khác biệt so với các hình thần Shiva phát hiện ở Bình Định. Và là hiện vật độc bản, một tượng Shiva đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Mặt khác, tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có một số chi tiết trở thành đặc trưng cho nghệ thuật tạc tượng của phong cách muộn, như: mũ hình trụ cao, bộ râu dài nhọn đầu, chiếc thắt lưng to bản được trang trí bằng các bông hoa bốn cánh, tấm bia lớn phía sau lưng pho tượng. Đây là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần - vua rất đặc trưng của nghệ thuật Champa từ sau phong cách tháp Mắm, tức là trong hai phong cách YangMun và Pô Rômê. Các vị thần hay thần vua của các phong cách muộn này thường được tạc tựa vào tấm bia sau lưng, thường đội mũ hình trụ, thường có bộ râu nhọn, và phần bên dưới cơ thể được tạc sơ sài hoặc không được thể hiện. Như vậy, có thể tạm xác định tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần - vua sau đấy của nghệ thuật điêu khắc Champa giai đoạn thế kỷ XIV-XV.
***
Thông qua tác phẩm điêu khắc thần Shiva ở chùa Linh Sơn và đặc biệt nội dung trên tấm bia ký, ta hiểu biết thêm về lịch sử đất nước Champa và nền nghệ thuật điêu khắc tôn giáo ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.
HỒ THÙY TRANG
Nội dung bia ký trên tượng thần Shiva hiện đặt ở chùa Linh Sơn thuộc thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn:
Kính chào! Đức ngài S’ri Vrsu uy nghi.
Visnujati Vira Bhadravarmadeva, tên của ngài bắt đầu bằng Vrsuvamsa, người tới từ đô thành Nauk Glaun Vijaya, người đã tiến hành lễ cúng tế đầu tiên của hoàng gia vào năm Saka 1343. Thời gian trôi đi, đến năm 1353 Saka, một người quyền quý tiến hành một nghi lễ bằng cờ câu chú (mantra) ngũ âm không có ngũ quan, không có năm ăn năn hối lỗi. Và, ông ta cũng đã làm lễ dâng năm mũ miện thật to lớn. Sau đấy, nhìn thấy và nhận thấy sự chỉ dẫn của đức tôn nghiêm Sri Jayasimhavarmadeva của mình đã đem đến sự che chở cho các vị vua tương lai, ông đã phục hồi lại nơi thờ phụng pavvakananvak và dâng cúng cho vị thần đó.