|
Trước tượng con mẹ bớt nỗi đau - ảnh Phạm Văn Chai |
Phụ nữ bao giờ cũng là những người chịu thiệt thòi nhất trong và cả sau chiến tranh. Bom nổ, đạn rơi, thương vong, hy sinh, nước mắt... tất cả những biến cố đầy khốc liệt ấy đã làm thời gian ngưng tụ trong mắt họ. Hai mươi tám năm đã trôi qua kể từ ngày quê hương thống nhất hòa bình, nhớ lại ngày xưa mà tưởng như mọi chuyện chỉ mới vừa xảy ra đâu đó hôm qua hôm kia.
* Thời gian trong mắt mẹ
Năm 1996, lần đầu tiên Bình Định tổ chức lễ tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) ở huyện Phù Mỹ. Năm ấy, hội trường của huyện còn chật, mà người dự lễ thì đông. Các mẹ cao tuổi nhất đều tìm cách ra hóng mát ở vườn dừa bên ngoài. Thói quen nghề nghiệp xui tôi theo hỏi chuyện các mẹ. Mỗi một lần được ngồi trò chuyện, nhìn vào đôi mắt già nua của các mẹ tôi lại thấy bão giông, mây mù năm tháng giăng ngang, giật dọc. Cả một thời vinh quang, nhọc nhằn mà kiêu hãnh trong đau thương như bùng dậy trong một khoảnh khắc. Thế rồi bỗng có tiếng hỏi gióng giả - Ai đó, ai làm gì mà hỏi han miết vậy cà?.. . Ngưng một chút bà mẹ (lúc này thì tôi đã biết đó là BMVNAH Nguyễn Thị Tạo ở Mỹ Chánh) lại kể, kể bằng cái giọng đều đều như đang nhắc lại cho riêng mình nghe: "Thằng Tư hồi trước cũng vậy đó. Đụng cái gì cũng hỏi, hỏi xem để biết những cái ở miền Bắc không có. Vừa lợp nhà vừa hỏi, hỏi suốt ngày, làm thằng Hai cũng phát bực, tụi nó anh em kết nghĩa mà còn hơn anh em ruột, đi đâu cũng có đôi... Cho đến lúc hy sinh …".
Trong câu chuyện hôm ấy giữa các mẹ, thời khắc của những năm tháng chiến tranh, của cái ngày đau thương mất mát xảy ra dường như đã dừng lại. Những biến động của cuộc sống, cho dù là cuộc sống bộn bề hôm nay chỉ cũng làm cho nỗi niềm ấy đong đưa trong một khoảnh nhất định của biên độ con lắc đồng hồ. Tích tắc qua lại, tưởng như mọi chuyện đã trôi qua từ lâu lắm rồi, đi hẳn và mất hút vào quá vãng sau những tiếng tích tắc khắc nghiệt. Nhưng không, cái sự bất biến của nỗi đau vẫn hiện diện trong mắt mẹ nhưng không là vì bi lụy mà là vì yêu thương. Như một qui luật, yêu thương nhiều bao nhiêu thì người ta lại sống tốt hơn bấy nhiêu. Chẳng phải tất cả các mẹ đã đủ sức mạnh để vượt qua bao đau thương mất mát, miệt mài đóng góp cho cuộc sống chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến ngày toàn thắng đó sao?
Có lần tôi nghe BMVNAH Phan Thị Mười (Quy Nhơn)kể lại: “ Mẹ có 4 con hy sinh, là thằng Nghĩa, thằng Ngọc, con Ba, thằng Bá … Mẹ hỏi con, có đứa con nào lại không mang nặng để đau? Vậy mà liên tục từ năm 1966 đến năm 1969, mỗi năm mẹ lại mất một đứa con rứt ruột sinh ra. Con Bảy là đứa, mất nó, mẹ đau nhất. Nó hy sinh khi đang làm giao liên ở Đèo Son, quân ngụy kéo xác về Quy Nhơn, chúng phơi xác ở Công viên Quy Nhơn mà mình không thể ra nhận…”. Trong tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ Mười, tôi biết trong suốt phần còn lại nỗi mất mát kia sẽ còn mãi trong trái tim già nua của mẹ bởi như lời mẹ nói – Nhiều lúc bần thần đến cồn cào gan ruột cứ tưởng như con nó mới hy sinh hôm qua, tim mẹ như bị ai vò xé. Thế nhưng nếu quay ngược lại thời gian, cũng với từng ấy hoàn cảnh, sự kiện các mẹ sẽ sống ra sao? Có lần tôi đã hỏi mẹ Trần Thị Nên (Hoài Sơn – Hoài Nhơn) câu hỏi tương tự trong một buổi trưa miền núi nắng nóng âm âm. Nghe câu hỏi của tôi, mẹ Nên nghẹn ngào: “ Anh Dũng của tụi bay chết trẻ lắm, tao chỉ có mình nó, mất nó tao như bị muối xát trong gan ruột. Nhưng đó là chiến tranh, cả cái xã Hoài Sơn này, cả đất nước mình đánh giặc chứ riêng gì anh tụi bay đâu. Mẹ nào mất con mà không đau, nhưng nếu làm lại từ đầu thì cũng sẽ như vậy thôi.”.
Tôi còn nhớ một nhà báo phương Tây đã đúc kết: "Nếu chỉ chiến đấu bằng lòng căm thù, có thể người Việt Nam vẫn chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ của họ. Nhưng để làm nên sức mạnh Việt Nam, làm nên nhân cách Việt Nam, họ đã chiến đấu với cả tấm lòng yêu thương, nhân từ, bằng niềm kiêu hãnh của một nền văn hóa có chiều dày hơn 4000 năm văn hiến. Chính nhờ vậy mà tâm hồn của họ không bị thương tật, không bị chiến tranh tàn phá. Đó là điều kỳ diệu mà đối phương của họ không có". Tôi đã nghiệm ra được chân lý ấy những điều kỳ diệu ấy, đôi lúc chỉ trong một cái chớp mắt của mẹ, những đôi mắt không còn nước mắt để khóc những đứa con đã đi xa, xa mãi mãi.
* Vỹ thanh của năm tháng
Cho đến nay người ta vẫn chưa thể thống kê chính xác lượng bom đạn mà Mỹ đã đổ xuống Việt Nam trong chiến tranh. Mới hôm qua đây, nhân loại yêu chuộng hòa bình vẫn còn phải giật mình khi biết sự thật về số lượng chất độc màu da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hàng vạn hàng vạn người con của quê hương đã ngã xuống để độc lập dân tộc nở hoa, để tổ quốc kết thành thống nhất? Có bao nhiêu dòng họ đã tuyệt tự vì người nối dõi duy nhất đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc? Có gì đo đếm đáng để so sánh với những nỗi đau xé ruột ấy của các bà mẹ Việt Nam? Cho đến nay, 28 năm đã trôi qua nhưng lương tri con người vẫn chưa thể trả lời xong câu hỏi gai góc này.
Thế mà vượt qua mất mát, với lòng độ lượng bao dung đã thành bản chất, ta đã tự giải thoát cho mình không vướng vào cảnh tích tụ hận thù. Nhiều người lính từng tham chiến và gây đau thương ở Việt Nam đã tìm được sự cứu rỗi cho tâm hồn khi trở lại chiến trường xưa, thậm chí họ còn nhận được nhiều lời chào, những nụ cười từ trẻ thơ. Tôi tin vào sự độ lượng rất con người của dân tộc Việt Nam ta, trước tiên là ở các mẹ. Tự lòng mình nhiều khi tôi tự hỏi: Đành rằng bà mẹ nào trên trái đất này cũng thương con, vun đắp cho gia đình, cũng nhân từ, nhưng liệu nơi nào, đất nào lại sinh ra được nhiều bà mẹ kỳ diệu như ở nước ta!
Chiều nay đứng lặng bên tượng đài nghĩa trang, tôi chợt nghe câu hát: “Xin hát về người, đất nước ơi! Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi! Suốt đời lam lũ, hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói, vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con. Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi! ”. Lời hát cứ vang lên như gió ngàn, như sóng bể, khi lắng đọng, lúc dạt dào như tấm lòng bao la của các mẹ các chị, rồi tỏa dần tỏa dần đến mênh mông.
. Bá Phùng
|