Năm ấy, chị xuất hiện trong nhà tôi với tư cách người giúp việc. “Con ở quê lên phố kiếm việc làm đã nhiều hôm… Cô cho con ở đây, làm việc gì cũng được. Miễn là cô nhận con!”. Chị nói với mẹ tôi, bấy giờ mẹ đang có sạp hàng khô ở chợ Lớn, bằng một giọng tha thiết.
- Con tên gì? Mẹ tôi hỏi.
- Dạ, con tên Đâu!
Công việc chính của chị là nhắc nhở tôi đến giờ đi học, dọn dẹp những thứ tôi bày ra; và nấu cơm cho ba người: tôi với chị hai phần, một phần khác buổi trưa chị đưa ra chợ cho mẹ. Tôi không có anh chị, sống lẻ loi một mình nên chị trở thành người gần gũi nhất. Chị thường nhìn tôi, bẽn lẽn và mĩm cười. Không biết những nụ cười ấy mang ý nghĩa gì. Chỉ biết nụ hàm tiếu nở lấp lánh trên gương mặt hiền lành trong đôi mắt ẩn hiện suy tư của một thiếu nữ tuổi 18 ít nói, khiến gã trai đang lớn như tôi cảm nhận một rung động lạ thường… Rồi không biết mấy lần, tôi cùng chị nếm mùi lựu đạn cay nổ ngay trên phố ban ngày, mà tôi không hiểu lý do. Lần nào cũng vậy, chị luôn kịp thời chụp vào đầu tôi một bịch ny-lông rồi cột nhẹ ở cổ, cử chỉ tự nhiên và nhanh nhẹn, cứ như chị đã chuẩn bị từ lâu. Và đó là tất cả những gì còn hoài niệm trong ký ức tôi cách đây ngót 30 năm.
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã nhiều tháng, chị không còn ở trong nhà tôi nữa. Chị đi đâu, làm gì tôi không thể biết, sự đánh đố mờ mịt giống như cái tên của chị. Công việc học hành thi cử cũng không cho phép tôi giải đáp những chuyện đại loại như vậy. Có lẽ chị đã về quê lấy chồng và sinh con! Thiếu nữ thời ấy thường thế. Tôi luôn nhớ chị. Vậy mà đã hơn năm chị sống chung một nhà…
Một tháng sau sự kiện lịch sử 30-4-1975, khi cấp chính quyền nhà nước Cách mạng lâm thời đã ổn định ở các địa phương cơ sở, chị đột ngột xuất hiện trước cửa nhà. Miếng cơm đang và dừng lại ở cổ. Trong tôi như hiện lên cảm giác trái táo cấm nơi vườn địa đàng. Vẫn với nụ cười vốn có của chị, thân mật nhưng tươi sáng khác lạ bởi chị đang khoác trên người một bộ quân phục của chiến sĩ giải phóng. Thì ra công việc của chị là thế! Sắc phục này tôi đã thấy cách đây không lâu khi những đoàn quân giải phóng tiến vào thị xã từ hướng trại Bình Khê để toả đến các trại lính ngụy ở ngoại ô tây nam. Lúc đó nhân dân chào đón bộ đội ở hai bên đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn). Tôi còn nhớ, chỉ đến lúc này các kho hàng Quân tiếp vụ và trang thiết bị ở các trại lính mới thật sự dừng lại việc đập phá… Dưới bãi biển vẫn còn nguyên vẹn mấy chiếc Jeep lùn và xác người chết không áo, đã trương phình và bốc mùi. Thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng đạn pháo từ ngoài khơi vọng vào. Nơi đây vài ngày trước đã có một cuộc đụng độ với quân ta, nếu không là một cuộc thanh toán nhau trong hàng ngũ quân nguỵ…
Gặp lại mẹ và tôi, chị xúc động rõ rệt. Ngày ấy chị bỏ đi không kịp lời từ biệt. Chiếc áo chị đang mặc hơi chật, thắt lại ở eo hằn rõ sức xuân qua khuôn ngực phập phồng. Chiếc mũ tai bèo khiến chị mạnh mẽ hơn trong nữ tính của mình. Sau hồi thăm hỏi và kể chuyện nhanh chóng với mẹ, chị lại ra đi… Chị là liên lạc viên hay lính biệt động? Tôi không thể biết. Rồi không có địa chỉ, không nhận tin tức. Tất cả đang là tin mừng. Sau này mẹ con tôi chuyển chỗ ở nhiều lần. Nhịp sống mới cuốn lấy mỗi người một việc. Đến bây giờ tôi vẫn không gặp lại chị… Nhưng bấy nhiêu năm, nơi miền tâm cảm của gã trai kia, biến cố lịch sử trở thành biến cố cá nhân với tất cả niềm ưu trọng dành cho chị, như một kỷ niệm êm đềm của cuộc đời.
Dưới vòm xà cừ khép tán chạy dọc hai bên như một bức tĩnh thực vật trên đường Võ Tánh (Lê Hồng Phong sau này), những mái đầu trẻ trung thế hệ chúng tôi uống ly cà phê đầu tiên không còn chiến tranh. Ly cà phê của con người và đất nước. Của ý thức. Trên quán Hòa Bình gần cổng sân vận động…
Quy Nhơn thời làm cách mạng của chị nhỏ như lòng bàn tay. Vậy mà suốt 28 năm qua tôi đi chưa hết thành phố ngày một đổi khác…
Chị Đâu ơi! Bây giờ chị ở nơi nao?
. Trần Hoàng
|