Cũng như một số cán bộ cách mạng khác, sau những năm tham gia kháng chiến rồi công tác sau giải phóng, năm 1991, cụ Thái Thành Sơn (năm nay 80 tuổi) nghỉ hưu trở về quê ở thôn Nhơn Thuận (Tây Vinh, Tây Sơn) sinh sống. Cứ ngỡ là về quê để an hưởng tuổi già nhưng về nghỉ chưa được bao lâu cụ Sơn lại nghĩ là mình phải tiếp tục làm một việc gì đó để đóng góp chút sức lực còn lại cho quê hương. Thế là cụ đi tìm gặp một số anh em cùng quê đã nghỉ hưu để thành lập Hội người cao tuổi xã Tây Vinh, tạo điều kiện cho anh em thường xuyên gặp nhau trao đổi tâm tư tình cảm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, động viên con cháu chăm lo học hành, làm ăn…
Cụ Sơn kể, qua đọc báo Người cao tuổi thấy Trung ương Hội khuyến học Việt Nam hướng dẫn về việc thành lập Hội khuyến học cơ sở, cụ thấy quê hương Tây Vinh của mình vốn là vùng đất có truyền thống hiếu học với nhiều nhà khoa bảng, thế là cụ làm đơn gởi thẳng lên Trung ương Hội khuyến học Việt Nam nói rõ thực tế của địa phương và bày tỏ quyết tâm xây dựng Hội khuyến học của xã để phát huy truyền thống của quê hương. Một tuần sau, cụ Sơn và các cụ trong Hội người cao tuổi xã Tây Vinh đã nhận được tài liệu của văn phòng Trung ương Hội khuyến học Việt Nam hướng dẫn các bước xây dựng, thành lập tổ chức Hội. Khi đó, cụ Sơn rất mừng vì lúc này Bình Định chưa thành lập Hội khuyến học nên dù rất muốn nhưng cụ cũng không tìm đâu ra các văn bản hướng dẫn thành lập Hội và tổ chức hoạt động khuyến học. Có được các văn bản trong tay, Cụ Sơn cùng các cụ trong Hội người cao tuổi của xã làm tờ trình xin UBND xã Tây Vinh cho phép xúc tiến việc thành lập Hội khuyến học của xã.
Sau khi được UBND xã chấp thuận cho phép thành lập Ban vận động thành lập Hội khuyến học xã gồm 7 người, với vai trò trưởng ban, cụ Sơn vừa tiếp xúc với lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, vừa in tài liệu của Trung ương Hội để gởi cho các chi bộ tuyên truyền, phổ biến tại các đại hội chi, Đảng bộ cơ sở và vận động kết nạp hội viên. Nhờ vậy, tại Đại hội Đảng bộ xã Tây Vinh, trong chương trình hành động gồm 10 điểm của Đảng bộ có 1 điểm là tiến tới thành lập Hội khuyến học của xã. Từ đó, cụ Sơn và các thành viên trong Ban vận động đã đi vận động và kết nạp được 50 hội viên, chủ yếu là đảng viên, giáo viên trong xã và một người là cán bộ của xã Tây Vinh đang sinh sống, công tác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh và tiến hành thành lập Ban chấp hành lâm thời Hội khuyến học xã. Sau khi UBND tỉnh có quyết định cho phép thành lập Hội khuyến học Bình Định vào đầu tháng 11-2000, cụ Sơn đã thường xuyên liên hệ với Ban chấp hành lâm thời của Hội khuyến học tỉnh để triển khai các bước thành lập cũng như hoạt động của Hội. Và vào tháng 2-2002, Hội khuyến học xã Tây Vinh chính thức được thành lập. Đến ngày 26-4-2002 Hội đã tiến hành đại hội lần thứ nhất với sự tham gia của 100 hội viên. Đến nay, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cụ Sơn đã cùng các thành viên trong Ban chấp hành hội khuyến học xã Tây Vinh đã thành lập được 14 chi hội khuyến học ở các thôn, ở các cơ quan, trường học, các hội đồng hương và các tộc họ trên địa bàn với hơn 200 hội viên. Bên cạnh việc xây dựng, củng cố tổ chức hội và phát triển hội viên, Hội khuyến học xã Tây Vinh cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động khen thưởng cho hơn 100 học sinh giỏi, giáo viên giỏi, vận động xin tài trợ học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi trong xã.
Đặc biệt, trong năm 2002, cũng qua đọc báo, cụ Sơn thấy Quỹ hỗ trợ và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam-Đan Mạch tại Hà Nội thông báo là sẽ hỗ trợ các hoạt động văn hóa cho các tổ chức nhân dân. Thế là cụ Sơn lại viết thư liên hệ với tổ chức này để xin tài trợ cho xã xây dựng một nhà văn hóa. Đến đầu năm 2002, tổ chức này đã đồng ý tài trợ cho xã Tây Vinh 70 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Đầu tháng 5-2002 công trình đã được khởi công và đến ngày 19-8-2002 thì hoàn thành. Khi khánh thành, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đã hỗ trợ một dàn âm thanh trị giá 10 triệu đồng, Thư viện tỉnh tặng 100.000 đầu sách báo các loại trị giá 10 triệu đồng, UBND huyện Tây Sơn và các tổ chức cá nhân khác ủng hộ tổng cộng gần 20 triệu đồng. Hiện nay, hầu hết các hoạt động, sinh hoạt của xã Tây Vinh đều được tổ chức tại nhà văn hóa của xã. Nhà văn hóa xã còn là nơi để mọi người dân trong xã đến đọc sách báo, xem phim ảnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa ở địa phương.
Cụ Sơn khẳng định, nhà văn hóa xã Tây Vinh sẽ là cơ sở để Hội khuyến học của xã tiến tới thành lập Trung tâm học tập cộng đồng trong những năm tới như đã dự tính từ đầu. Cụ Sơn còn cho biết thêm: Hiện nay, Hội khuyến học của xã đang phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và đã xây dựng được 4 Chi hội khuyến học dòng họ gồm họ Võ, họ Tào ở thôn Bến Đức, họ Nguyễn ở thôn An Vinh 1 và họ Huỳnh ở thôn Nhơn Thuận. Đặc biệt, Hội đang xây dựng và quyết tâm thực hiện bằng được đề án xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng ở xã để góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục ở cơ sở. Cụ Sơn đã đăng ký cho Hội khuyến học xã Tây Vinh được làm điểm của tỉnh để triển khai thực hiện đề án này.
|