Phóng sự:
An Lão - sốt nấm “linh chi”
15:47', 11/5/ 2003 (GMT+7)

Mua bán nấm linh chi

Hơn một tháng qua, cuộc sống của người dân huyện miền núi An Lão bỗng sôi động hẳn khi nhiều người phát hiện ra loại nấm “linh chi” đang mọc trên các khu rừng. Bên cạnh những người đang ngày đêm lùng sục trong rừng sâu, hàng loạt “đại lý” nấm “linh chi” ở huyện An Lão đang đầu cơ hàng tấn nấm chờ… được giá. Điều đáng nói, thứ nấm mà mọi người gọi là “linh chi” ấy vẫn chỉ là lời đồn đại.

* Băng rừng tìm nấm “linh chi”

Vừa về tới thôn Xuân Phong, xã An Hòa (An Lão) chúng tôi như bị cuốn hút bởi những cảnh mua bán nấm đang diễn ra ở đây. Một chị hàng nước bảo: “Ngoại trừ phụ nữ và người già yếu, còn lại hầu hết thanh niên khỏe mạnh ở đây đều đang ở trong rừng tìm nấm linh chi. Nấm mọc nhiều trong các dãy núi ở huyện này, trong đó nhiều nhất là ở dãy núi thuộc xã An Toàn”.

Sau 2 giờ, anh xe ôm khỏe mạnh đưa tôi đến xã An Toàn. Anh giới thiệu tôi với 2 chàng trai Nhek và Yang, người dân tộc Hrê, để đưa tôi đi săn lùng nấm. Nhìn thân hình gầy gò của tôi, Nhek ái ngại: “Nấm ở tuốt trong rừng sâu lận đó, phải đi cả ngày thì mới có. Tôi sợ cán bộ đi không nổi đâu”. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lú lên cũng là lúc chúng tôi thẳng tiến vào rừng sâu với rìu, rựa, cuộn dây dài hơn 20 mét và ít mì tôm, nước uống. Sau hơn cả buổi với hàng chục cây số lội rừng vì không có đường mòn, chúng tôi chỉ hái được 2 cái nấm độ hơn 1 kg… Bất chợt, Yang reo lên vì phát hiện một khối nấm khá to nằm trên thân cây xoay cao hơn 10 mét. Lập tức, Yang dùng dây có móc thảy lên nhánh cây rồi đu lên, cứ như vậy sau 3 lần thảy dây, Nhek đã ở bên cạnh khối nấm to đùng. Ở dưới gốc, Yang nhắc: “Cẩn thận không thì bể đấy.” Sau gần 10 phút tỉ mỉ đục đẽo, Yang đã đưa được khối nấm nguyên vẹn xuống mặt đất. Nhek phấn khởi: “Thế là hôm nay thắng lợi đấy cán bộ ơi, mình về được rồi. Mấy cái nấm này chúng tôi cũng bán được cả trăm ngàn đấy!”.

* Hành trình của nấm

Nấm hái được trên các khu rừng được tập trung về các “đại lý” nấm ở thôn Xuân Phong, xã An Hòa qua các lái buôn tại các vùng trọng điểm nấm. Qua khảo sát của chúng tôi, riêng khu vực Xuân Phong đã có hơn 10 điểm thu mua nấm. Chủ đại lý Kết kể: “Một tháng trước, có mấy người ở Sài Gòn về đưa ra mấy mẫu nấm bảo tôi tìm mua rồi bán lại cho họ bao nhiêu cũng được. Lúc đầu, họ mua nấm với giá cao. Bởi vậy, người ít tiền thì ùa nhau đi tìm nấm, còn người có tiền thì thi nhau đi buôn nấm. Lúc ấy, giá bán nấm từ 15 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg tùy theo khối lượng của khối nấm. Ví dụ chiếc nấm 5 kg giá khoảng 15 nghìn đồng/kg; nấm 30 kg giá khoảng 30 nghìn đồng/kg... riêng nấm trên 50 kg thì giá cũng trên 200 nghìn đồng/kg. Còn bây giờ thì họ ép giá lắm, không bằng một nửa lúc trước. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mua trữ, ghim hàng chờ được giá sẽ bán. Loại nấm này đâu có nhiều, lúc khan hàng giá sẽ lên thôi”.

Theo những người chuyên săn lùng nấm “linh chi” ở xã An Toàn, nấm ở đây có 2 loại: cổ linh chi và nấm linh chi thường. Tuy “đầu ra” của nấm hiện đang bế tắc nhưng nhiều người dân An Lão vẫn hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc đầu cơ nấm. Tuy nhiên, không ít người đã ngáng ra vì họ cảm thấy có cái gì đó không bình thường từ cơn sốt nấm. Anh Võ Ngọc Thơ ở xã An Hòa, một chủ đại lý nấm đã giải nghệ, bức xúc: “Lúc đầu, thấy có lời nên tôi cũng nhảy vô thu mua để bán lại cho các người trong Sài Gòn. Chỉ khoảng hơn 2 tuần sau, giá nấm hạ xuống còn không được phân nửa. Đến khi dò đến đại lý hỏi sao không nhập hàng như đã hứa thì họ bảo chủ đi vắng rồi, họ không biết gì vì họ cũng chỉ là người làm thuê”.

* Có đúng là nấm linh chi?

Qua khảo sát của chúng tôi, những chiếc nấm mà người dân An Lão coi là nấm “linh chi” thường nặng từ 3 - 50 ký, có hình dáng như củ ấu, trên mặt màu đen hoặc vàng, trông giống như gỗ mục. Bác sĩ Võ Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện An Lão, cho biết: “Tôi đã tham khảo nhiều sách về y dược học cổ truyền nhưng chưa có tài liệu nào mô tả nấm linh chi có hình tượng như nấm hiện dân An Lão đang khai thác. Nấm linh chi chỉ có ở những khu rừng già cao trên 1.000m. Nói thế là căn cứ ở sách vở chứ ở đây từ trước đến nay nào ai biết giống nấm này mặt ngang mũi dọc ra sao đâu. Họ chỉ đi lấy nấm theo mẫu mà người mua đã đưa”.

Ông Nguyễn Phát Tường, Chủ tịch Hội y học cổ truyền Bình Định, khẳng định: “Bằng mắt thường rất khó phân biệt được có phải là nấm linh chi hay không. Bởi vì, hiện có rất nhiều loại nấm có hình dạng giống nhau nhưng có loại thì chứa độc tố, còn có loại thì không. Chính bản thân tôi cũng đã có lần bị say nấm chí tử chỉ vì hình dáng của 2 loại nấm mà tôi biết rất giống nhau. Hiện nay, người dân Bình Định chưa quen với việc dùng nấm linh chi, nếu có chăng thì chủ yếu họ sử dụng kèm theo toa thuốc đông y và tại các phòng trà. Nhưng đó là những loại nấm nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc Triều Tiên và giá trên dưới 1 triệu đồng/kg”.

* Lời kết

Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bình Định, cho biết: “Chúng tôi hiện chưa có đủ điều kiện để tiến hành nghiên cứu loại nấm trên. Tuy nhiên để tránh tình trạng khai thác nấm tràn lan có nguy cơ làm ảnh hưởng đến rừng, Cục kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm huyện An Lão thường xuyên kiểm tra chặt chẽ tình trạng khai thác, mua bán nấm và sẽ xử phạt nếu như họ gây ảnh hưởng đến khu rừng”.

Hiện nay, những cuộc săn lùng, mua bán và sử dụng nấm “linh chi” ở huyện An Lão vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào tổ chức kiểm định dược tính của loại nấm này. Điều đáng nói, nhiều người dân An Lão đang cho rằng đây là loại nấm “linh chi” quí, họ đã “đầu tư” hàng chục triệu để tích trữ với hy vọng kiếm đồng lời và hàng ngày sắc nước uống thay vì uống nước trà. Chẳng biết niềm hy vọng kiếm lời và cải thiện sức khỏe của họ có phải là thực tế?

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)
Ghi nhận từ hội thi “Văn hóa ẩm thực các món chay”  (07/05/2003)
Đánh bại cuộc hành quân Atlăng   (06/05/2003)
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)
Những “Yết Kiêu” diệt Mỹ   (29/04/2003)
Khu Đông gạo trắng nước trong...  (30/04/2003)