Hãy xây cho mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo một ngôi nhà tình nghĩa
17:59', 21/5/ 2004 (GMT+7)

Vũ Bảo là một trong số ít những anh hùng liệt sĩ tuổi thiếu niên của tỉnh Bình Định. Anh hy sinh ngày 20-7-1963, khi đang chèo đò đưa đoàn cán bộ cách mạng qua sông. Năm đó, Vũ Bảo 14 tuổi. Hơn 40 năm sau ngày hy sinh của anh, trong một chuyến công tác, chúng tôi tìm đến thôn An Quang, xã Cát Khánh (Phù Cát) để thăm ngôi nhà cũ của Vũ Bảo, để mường tượng ra tuổi thơ của người anh hùng hàng chục năm về trước. Nhưng thật bất ngờ và đau đớn, ngôi nhà của anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo không hơn một ngôi lều rách nát. Ở đó, có bà mẹ già của anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo đã 75 tuổi và đã 3 năm nay bị tai biến, liệt nửa người.

Ngôi nhà của mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo hiện nay

1. Ngôi nhà của mẹ Lê Thị Xin, mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo, ở xóm Quang Trung, thôn An Quang (xã Cát Khánh) cũ kỹ và lụp xụp, rộng chừng 35 mét vuông, được che chắn tạm bợ bằng những tấm cót. Bên ngoài đã vậy, bên trong càng không có gì đáng giá hơn. Tài sản duy nhất là chiếc tủ thờ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo (nhưng vẫn chưa có di ảnh của anh). Nền nhà được lát bằng những viên gạch ống, chỗ có - chỗ không. Nhìn thấy sự thất vọng trong ánh mắt của chúng tôi, anh Võ Văn Châu, em ruột anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo, người con duy nhất còn lại của mẹ Xin, nói như phân trần: "Hoàn cảnh của gia đình tôi hiện nay rất khó khăn. Hai vợ chồng phải lo cho 5 đứa con ăn học cùng với người mẹ già đau yếu. Mà tôi thì đi làm công cho các chủ tàu bữa được 10 ngàn, bữa 20 ngàn đồng, có khi cả ngày không có đồng nào nên tiền đâu mà xây một ngôi nhà tử tế?".

Năm 1984, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Châu xuất ngũ về địa phương với căn bệnh sốt rét và đến bây giờ, thỉnh thoảng những cơn sốt rét rừng lại hành hạ anh. Vợ chồng anh đầu tắt mặt tối dành dụm được đồng nào là lo chữa chạy cho mẹ già, cho bản thân anh, rồi lo cho lũ nhỏ ăn học, là hết đồng đó. Chị Lê Thị Sảnh, vợ anh Châu nói thêm vào: "Nhiều lúc thấy mẹ nằm một chỗ, biết mẹ buồn, hai vợ chồng tôi bàn tính mua cho mẹ chiếc ti vi dù trắng đen cũng được để mẹ xem cho đỡ buồn nhưng không có tiền. Thậm chí những huân, huy chương của anh Hai (anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo) sợ bị mưa dột ướt vì không có chỗ treo, phải đem cất kỹ ở trong tủ".

Trong góc nhà, trên chiếc giường gỗ đã hư hỏng, là nơi mẹ Xin đang nằm. Mẹ bị tai biến và bị liệt nửa người từ 3 năm nay, nên chỉ nằm một chỗ không đi lại được. Năm nay mẹ Xin đã bước sang tuổi 75 nên sức khỏe ngày càng yếu. Thấy chúng tôi đến thăm, mẹ cố gượng ngồi dậy trò chuyện, vừa nói mẹ vừa khóc: "Tôi ao ước, trước khi nhắm mắt được một lần sống trong ngôi nhà mới, được thấy bàn thờ thằng Hai (liệt sĩ Vũ Bảo) không còn bị dột khi mùa mưa đến". Mặc dù từ năm 2000, trường hợp của mẹ Xin đã được xét vào diện hỗ trợ cải tạo nhà đơn sơ và được cấp 6 triệu đồng. Nhưng với số tiền ít ỏi đó, mẹ chỉ xây được một căn phòng nhỏ phía bên cạnh làm nhà bếp, còn gian phòng chính nơi thờ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo chỉ che cót bao quanh tạm bợ.

2. Đau đớn và bức xúc, chúng tôi đến UBND xã Cát Khánh để tìm hiểu thêm về trường hợp mẹ Xin. Lúc ấy đã gần trưa nên Ủy ban xã không còn một người nào. Chúng tôi đành phải chờ đến đầu giờ chiều. Chờ mãi, nhưng vị cán bộ phụ trách thương binh xã hội của xã vẫn chưa tới. Lát sau, được người "mách nước", chúng tôi mới biết vị cán bộ chính sách của xã đang… chơi bida gần đó.

Mẹ Lê Thị Xin bị liệt nửa người đã 3 năm nay

Với lý do làm việc mà không hẹn trước, ông Lê Văn Khảo, cán bộ phụ trách thương binh xã hội của xã Cát Khánh bắt chúng tôi ngồi đợi ông... đánh xong cơ bida mới chịu về tiếp chuyện. Có lẽ do bận "nhiều việc", nên khi làm việc với chúng tôi, ông Khảo chỉ trả lời cho xong chuyện, không đâu vào đâu. Không làm việc được với ông này, chúng tôi chạy lên UBND huyện.

Tại đây, sau khi nghe chuyện mẹ Xin, ông Vũ Văn Nghiêm, Phó trưởng phòng Tổ chức Lao động - Xã hội huyện, cho biết: "Trường hợp của mẹ Xin đã được các cấp quan tâm đặc biệt, nhiều lần mẹ được cứu trợ đột xuất. Cả việc từ tuất liệt sĩ cơ bản được nâng lên tuất liệt sĩ nuôi dưỡng để mỗi tháng mẹ nhận 420 ngàn đồng. Trong năm 2000, mẹ cũng được hỗ trợ 6 triệu đồng thuộc diện nhà ở đơn sơ để xây lại nhà. Lâu nay chúng tôi cứ tưởng mẹ đã xây nhà và sống trong ngôi nhà mới rồi. Nếu xã báo cáo trường hợp khó khăn của mẹ, dù đã được hỗ trợ nhưng vẫn chưa xây được nhà thì chúng tôi tìm nguồn kinh phí khác để xây cho mẹ một ngôi nhà tình nghĩa. Trong thời gian đến, nếu được sự đồng ý của UBND huyện cũng như Sở LĐ-TB-XH tỉnh, chúng tôi sẽ tìm từ các nguồn nào đó xây tặng cho mẹ Xin một ngôi nhà tình nghĩa".

3. Sau chiến tranh, đất nước ta có hàng vạn những bà mẹ liệt sĩ như mẹ Xin và Nhà nước cũng đã có những chính sách đãi ngộ để các mẹ được sống thanh thản. Có thể, trong số những hàng vạn bà mẹ liệt sĩ ấy, dù đã có chế độ đãi ngộ phù hợp nhưng có những mẹ vẫn còn rất khó khăn vì nhiều lý do, mà mẹ Xin là một ví dụ. Đành rằng, mẹ Xin cũng đã được hưởng sự quan tâm đặc biệt, như lời ông Vũ Văn Nghiêm nói, nhưng nếu chính quyền xã, huyện và tỉnh quan tâm hơn, sâu sát hơn thì có lẽ mẹ Xin đã có một ngôi nhà khang trang từ nhiều năm nay.

Đất nước thống nhất đã gần 30 năm. Lẽ nào, chúng ta để mẹ của một anh hùng liệt sĩ mà tên của anh đã được đặt thành tên một con đường ở TP Quy Nhơn, cứ ở mãi trong căn nhà lụp xụp như vậy?

. Thúc Giáp - Nguyễn Phúc

 

Liệt sĩ Vũ Bảo tên thật là Võ Văn Bảo, sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng tại xã Cát Khánh (Phù Cát). 14 tuổi, Vũ Bảo đã giác ngộ cách mạng và tham gia làm giao liên du kích. Với lòng nhiệt tình, xông xáo và mưu trí, Vũ Bảo luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngày 20-7-1963, giặc bất ngờ đổ quân bao vây thôn An Quang hòng tiêu diệt các cán bộ cách mạng đang công tác tại đây. Trong lúc chèo thuyền đưa các cán bộ vượt vòng vây, Vũ Bảo đã anh dũng hy sinh. Trước khi hy sinh, Vũ Bảo nói: "Một mình cháu hy sinh cũng không ảnh hưởng nhiều đến cách mạng. Nếu các chú hy sinh thì thiệt hại cho Tổ quốc, cho đồng bào nhiều lắm." Hành động hy sinh dũng cảm của Vũ Bảo đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng ba. Ngày 17-7-2002, Chủ tịch nước đã truy tặng liệt sĩ Vũ Bảo danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ tiếp tục làm rõ động cơ đánh anh Lẹ  (21/05/2004)
Tiếp tục thông tin về nạn lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép ở Phú Hậu - Cát Chánh: "Chân dung" một trùm đất  (21/05/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Quản lý kê toa từ đơn thuốc  (20/05/2004)
Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế ở Bình Định: Không dễ triển khai   (19/05/2004)
Người thờ Bác Hồ trong vùng địch   (19/05/2004)
Ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định tại diễn đàn Quốc hội khóa XI  (18/05/2004)
Cây đại thụ của đường Hồ Chí Minh  (18/05/2004)
Thi tốt nghiệp tiểu học năm học 2003-2004: Vì Luật nên... phải thi  (18/05/2004)
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục, nghĩ về nền giáo dục hiện nay   (17/05/2004)
Để trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng   (17/05/2004)
Chuyện ghi ở Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Bình Định  (16/05/2004)
Những người sống cạnh… người chết  (14/05/2004)
Công nhân nhảy xưởng  (13/05/2004)
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)