Mạng lưới y tế trường học (YTTH) tại Bình Định được thành lập từ năm 1995 theo chỉ thị của UBND tỉnh. Tính đến nay đã có 208/362 trường trong tỉnh có nhân viên y tế chuyên trách. Sau gần 10 năm hoạt động, mạng lưới này đã góp phần to lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho học sinh. Tuy nhiên, năm 2004, theo hướng dẫn của Thông tư 77 liên bộ về BHYT tự nguyện, mạng lưới này đang đứng trước nguy cơ tan vỡ do mức phí thu BHYT thấp, kinh phí trích của BHYT không đủ chi lương và hoạt động YTTH.
|
Khám bệnh định kỳ cho học sinh trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn) |
Một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách BHYTHS là khôi phục lại hoạt động của hệ thống YTTH nhằm làm tốt công tác CSSK ban đầu cho các em. Theo nội dung hướng dẫn của Thông tư liên bộ Y tế - GD-ĐT số 14 ngày 19-9-1994 về công tác BHYTHS, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 18/CT-UB về việc tăng cường công tác YTTH thông qua quỹ BHYTHS. Theo đó, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn công tác YTTH, tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế để phục vụ cho nhu cầu CSSK học sinh ngay tại trường và hưởng lương từ quỹ BHYTHS trích lại. Cho đến nay đã có 208 trường trong tỉnh thành lập được phòng YTTH có cán bộ y tế chuyên trách. Thành phố Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn đã có 100% trường có phòng YTTH chuyên trách. Những nhân viên này có trình độ chuyên môn là y sĩ, y tá trung cấp do nhà trường ký kết hợp đồng hằng năm và quản lý.
Nhờ hệ thống YTTH chuyên trách này, công tác CSSKBĐ cho các em ngay tại trường đạt kết quả tốt. Gần 10 năm qua, hàng trăm ngàn học sinh khi đến trường không may bị tai nạn hay bệnh tật đều được sơ cấp cứu ngay tại phòng YTTH của trường và kịp thời chuyển đến bệnh viện nếu bệnh nặng; chưa có học sinh nào bị tai nạn hay bệnh tật để tử vong trong nhà trường. Các em còn được chính những nhân viên YTTH này hướng dẫn, giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh tật học đường.
* Khó khăn...
Thực tế đã chứng minh mối quan hệ cùng phát triển giữa việc tổ chức tốt hệ thống YTTH chuyên trách và công tác BHYTHS tại Bình Định. Nhân viên YTTH đã chăm sóc tốt sức khỏe cho các em làm phụ huynh và các thầy cô giáo tin tưởng hơn vào chính sách BHYTHS. Nhờ vậy, số lượng học sinh tham gia BHYT tại Bình Định năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động cho thấy hệ thống YTTH chuyên trách vẫn tồn tại những khó khăn bất cập. Đó là những vấn đề liên quan đến biên chế, chế độ chính sách cho nhân viên YTTH. Hiện nay, Sở GD-ĐT, Sở Y tế chưa có biện pháp giải quyết mà chủ yếu giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định. Vậy nên, mặc dù nhiều nhân viên YTTH có thâm niên 8 đến 10 năm phục vụ công tác CSSK học sinh trong trường nhưng mỗi năm họ lại phải ký kết một hợp đồng ngắn hạn mới với nhà trường và ngoài số tiền lương ít ỏi được trả từ quỹ BHYTHS trích lại họ không có một chế độ nào khác.
Những trường có số học sinh tham gia lớn từ 1.500 đến 2.000 em, số thu BHYTHS nhiều thì lương của họ tạm đủ sống còn những trường có số học sinh dưới 1.200 em thì lương rất thấp; có nơi nhà trường trả dưới mức quy định 290.000 đồng/tháng. Thậm chí có nhân viên hưởng lương dưới 200.000 đồng/tháng. Đồng lương không đủ sống, chế độ quyền lợi không ổn định đã gây ra sự bất an cho hầu hết những nhân viên YTTH. Trong khi đó họ phải thực hiện một khối lượng công việc khá lớn. Những trường đông học sinh mỗi ngày họ phải sơ, cấp cứu từ 30 đến 40 em bị bệnh, tai nạn ngay tại trường. Ngoài ra, họ phải tham gia giáo dục sức khỏe cho học sinh phòng chống các bệnh học đường, kiểm tra vệ sinh thực phẩm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cung cấp nước sạch...
Trước đây, một số nhà trường đã trích kinh phí BHYTHS để mua BHYT cho họ. Nhưng sau khi cơ quan BHYT sát nhập vào BHXH, Chính phủ ban hành quy chế tài chính mới bắt buộc phải tham gia cả BHXH và BHYT thì họ không còn một chế độ nào nữa. Không những thế mà ngay cả việc được tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề những năm trước còn được Sở GD-ĐT, Sở Y tế và BHYT tỉnh quan tâm tổ chức cho họ, vài năm nay đã không còn.
*… chồng lên khó khăn
Qua đợt khảo sát những trường có cán bộ YTTH vào tháng 3-2004, sau khi thực hiện Thông tư số 77 của liên bộ Y tế - Tài chính ban hành về công tác BHYT tự nguyện thì hầu hết các nhà trường đều lo lắng cho mức phí tham gia BHYTHS thấp và phí trích lại rất thấp không đủ cho nhà trường trả lương nhân viên YTTH chuyên trách. Trong khi đó các trang thiết bị y tế CSSKBĐ tại phòng YTTH của nhà trường sau nhiều năm sử dụng đã cũ và hư hỏng không có kinh phí mua sắm lại. Nhiều trường nêu kiến nghị cho phép thu thêm các khoản kinh phí khác ngoài quỹ BHYT trích lại để CSSK cho các em tốt hơn. Một số nhà trường ở những khu vực khó khăn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT diện nghèo cho hộ gia đình, các em học sinh không phải mua thẻ BHYT hoặc rất ít em tham gia nên nguy cơ giải thể phòng YTTH là không thể tránh khỏi nếu không có biện pháp hỗ trợ khác.
Vì sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước, mạng lưới y tế trường học đang cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền.
. Nhật Minh |