Mỹ Đức có một ông... "quan"
10:54', 29/7/ 2004 (GMT+7)

Thông tin từ bạn đọc cho biết: Ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) có một ông "quan". Gần 8 năm làm Chủ tịch UBND xã, ông "quan" này đã dồn năng lực của mình vào việc vun vén cho lợi ích cá nhân, trong khi phong trào của địa phương này thì vẫn mãi cứ bi bét. Lần theo thông tin của bạn đọc, phóng viên Báo Bình Định đã về Mỹ Đức và ghi nhận được nhiều điều về nhân vật này.

* Con "quan" thì được...

Cơ sở sản xuất nước đá của gia đình ông Bộ ở thôn An Giang

Mỹ Đức là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Năm 2001, xã có 1 chỉ tiêu đi học cử tuyển. Theo công văn đưa về thì việc xét chỉ tiêu phải được công bố rộng rãi cho các đối tượng học sinh trong địa phương, đã tốt nghiệp loại khá trở lên thì nộp hồ sơ để được xét. Chỉ tiêu này về đến xã, đáng lẽ phải được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong tập thể xem xét, quyết định thì ông Chủ tịch xã Huỳnh Tiến Bộ lại cho "ém". "Ém" kỹ đến nỗi ngay Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã mà cũng chẳng hề hay biết. Mục đích của việc "ém" chỉ tiêu này của ông chủ tịch là để đưa hồ sơ con gái mình là Huỳnh Thị Nga vào danh sách gửi đưa lên huyện xét đi học cử tuyển. Tuy không được cử đi học trong đợt xét này nhưng rồi sau đó chỉ ít lâu, con gái ông Bộ lại được đi học cử tuyển tại Đại học Y Tây Nguyên. Giải thích về điều này, ông Bộ nói là do huyện còn thừa một chỉ tiêu, nên "anh em ở trên" nói ông đưa con gái ông đi học (!).

Một người con khác của ông Bộ, Huỳnh Văn Dự, sinh năm 1977, hiện là Trưởng Đài Truyền thanh xã. Lạ một điều: Dự là một thanh niên có vóc dáng khỏe mạnh, điển trai nhưng lại được hưởng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc da cam từ năm 2000 đến tháng 6-2004. Nguyên nhân được ông Bộ giải thích là do anh Dự bị mắc bệnh tim từ nhỏ và nhân xã có đợt khám những người bị nhiễm chất độc da cam, ông Bộ bèn cho con trai đi khám và được công nhận (!). Vậy là liên tục vài năm nay, anh Dự được hưởng tiền trợ cấp 48.000 đồng/tháng. Mãi đến tháng 6-2004, để được đi học lớp trung cấp kế toán tại huyện Phù Mỹ, anh Dự mới làm đơn xin thôi hưởng chế độ này và được chấp nhận (?). Tuy nhiên làm việc với chúng tôi, anh Dự lại khẳng định: "Tôi đã bớt bệnh tim từ… 6 - 7 năm nay rồi".

Ông Bộ hiện có hai cơ sở sản xuất nước đá: một đặt tại thôn An Giang và một tại thôn Phú Hà. Để dễ bề gian lận tiền điện, ông Bộ bèn đưa một người con khác là Huỳnh Văn Phương vào làm trong Ban Quản lý Điện của xã (nay là HTX Điện), chịu trách nhiệm quản lý điện thôn An Giang. Vậy là hai cơ sở đá của ông Bộ mỗi tháng chỉ trả khoảng tiền điện dao động từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng. Trong khi đó, theo chính anh Huỳnh Văn Phương thì, chỉ riêng cơ sở đá đặt tại thôn An Giang đã có công suất là 30 cây đá/lần và cứ khoảng 3-4 ngày lại chạy một lần. Theo tính toán của một nhân viên thuộc Chi nhánh Điện lực Phù Mỹ với chúng tôi, tối thiểu để làm lạnh một mẻ đá mới phải mất khoảng 200 Kw, tính ra tiền đã là 200.000 đồng. Như vậy, sơ sơ mỗi tháng tối thiểu cơ sở của ông Bộ chạy 6 lần, thì số tiền điện phải trả đã vượt quá con số 1 triệu đồng...

* Chủ tịch 8 năm, phong trào không mạnh

Trước khi đến làm việc tại xã Mỹ Đức, chúng tôi đã được nghe dư luận phản ánh rằng ông Bộ làm việc theo phe cánh. Những cán bộ thuộc cấp là do ông tạo nên, bởi vậy, chỉ mình ông mới... "điều khiển" được. Bởi vậy mới có chuyện, khi ông Trần Hoài Phong, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, được bầu làm chủ tịch xã, thì ông này không điều hành được bộ máy nên chỉ ngồi ghế chủ tịch được đúng 1 năm 7 tháng, mà theo dư luận là do những người cộng sự đã "thiếu nhiệt tình" hợp tác (!).

Điều mà người dân băn khoăn là ông Bộ làm chủ tịch xã 8 năm, nhưng các phong trào Mỹ Đức vẫn chưa mạnh. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ Đức đều không hoàn thành. Trong sự yếu kém này của phong trào chung, tất nhiên, có trách nhiệm của ông Bộ với tư cách là chủ tịch xã.  

Bên cạnh đó, dư luận còn có ý kiến cho rằng ông Bộ có phong cách làm việc độc đoán, thiếu dân chủ và giải quyết công việc theo cảm tình cá nhân. Hệ quả là nạn lấn chiếm đất ở Mỹ Đức vẫn đang diễn ra nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Các trường hợp cất nhà trái phép còn tồn tại ở các năm trước tại khu Bến Đình, khu chợ cá… chưa xử lý dứt điểm được thì đến năm 2003 lại nổi lên 58 trường hợp cất nhà trái phép tại khu kinh tế mới. Tình trạng chặt phá rừng dương, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường biển vẫn xảy ra.

Những sai phạm của cá nhân ông Bộ đến đâu, trách nhiệm của ông Bộ như thế nào cần sớm được các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Có vậy, mới yên dân và góp phần tạo cho Mỹ Đức sự ổn định, đoàn kết và phát triển tốt hơn.

. Viết Thọ - Công Tâm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sôi động thị trường mũ bảo hiểm   (28/07/2004)
Công hội đỏ và những cuộc đấu tranh đầu tiên của CNLĐ Bình Định  (28/07/2004)
Sôi nổi và hiệu quả  (28/07/2004)
Chuyện một người làm công tác đền ơn đáp nghĩa   (27/07/2004)
Uống nước nhớ nguồn   (27/07/2004)
Tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)
Ghi nhận qua phong trào thi đua của công nhân, lao động tỉnh Bình Định   (26/07/2004)
"Xuyên Á" qua vùng gió Lào   (26/07/2004)
Trước thềm năm học mới: Đồng phục học sinh có gì mới?  (26/07/2004)
Phụng Sơn có CLB Gia đình hạnh phúc   (23/07/2004)
Hành trang HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 có gì mới?   (23/07/2004)
Dấu chân tình nguyện  (22/07/2004)
Đêm Trường Sơn huyền thoại   (21/07/2004)
Chuyện dân số ở xã đảo Nhơn Lý  (21/07/2004)
Có một lớp học không nghỉ hè   (20/07/2004)