Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:
Vì sao không tuyển được lớp chuyên Lịch sử và Địa lý?
16:33', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Năm học 2004-2005, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Sở GD-ĐT cho phép tuyển thêm 2 lớp chuyên Lịch sử và Địa lý ngoài những lớp chuyên đã có. Tuy nhiên, qua thực tế tuyển sinh: Lớp chuyên Lịch sử chỉ có 7 học sinh (HS) đăng ký, dự thi và không có em nào trúng tuyển; còn lớp Địa lý 8 HS thi cũng chỉ có 2 HS trúng tuyển trong khi chỉ tiêu của mỗi lớp từ 30-35 HS. Vậy đâu là nguyên nhân?

* Thi 7 rớt 7

HS chuyên Hóa trường Lê Quý Đôn

Nhìn bảng công bố kết quả thi tuyển vào Trường chuyên Lê Quý Đôn, T.N - một trong 7 HS thi vào lớp chuyên Lịch sử cảm thấy rất buồn. N là một HS rất thích môn học này. Hồi còn học THCS ở Trường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), N là học trò "ruột" của cô giáo dạy sử bởi sau mỗi bài cô dạy, N lại về nhà tìm kiếm trên sách báo, trên Internet những kiến thức liên quan để bồi đắp thêm kiến thức về môn học. Được hỏi vì sao thích học sử mà điểm thi sử lại không cao, N cho biết: "Ba cháu tình cờ đọc trên Báo Bình Định thấy năm nay Trường Lê Quý Đôn có mở lớp chuyên Lịch sử liền về thông báo và cháu quyết định thử sức... nhưng có lẽ là không đủ thời gian để chuẩn bị".

Thầy Trương Hoài Phương, giáo viên Trường Quốc Học, một trong những giám khảo chấm thi môn lịch sử cho biết: "Những HS thi và "chịu" học môn lịch sử thường có hai khuynh hướng, một là các em thật sự hứng thú, say mê với môn học; thứ hai, các em học để "đối phó" với kiến thức, chuẩn bị cho việc thi đại học khối C".

Để hình thành một lớp chuyên phải có ít nhất là 20-25 HS. Với 15 HS dự thi và 2 HS trúng tuyển thì việc mở các lớp chuyên mới sẽ khó thực hiện được. Thầy Phương cho biết: "Môn Lịch sử chưa có vị trí xã hội trong lòng phụ huynh và HS như các môn toán, lý, hóa... trong khi việc định hướng của nhà trường và phụ huynh HS cho các em đến với môn học này từ các lớp dưới chưa rõ". Thầy Phương kể một câu chuyện vui, năm vừa rồi, một HS của thầy đã đạt giải nhì trong kỳ thi HS giỏi quốc gia môn Lịch sử và được tuyển thẳng vào đại học. Lúc HS đó công bố kết quả, cả nhà mới "ngã ngửa" vì không ngờ học sử mà "có giá" đến thế.

* Nguyên nhân vì... thiếu thông tin

Thực tế đã chứng minh, việc thành lập Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là hướng đi đúng của ngành GD-ĐT nhằm đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi một cách bài bản và khoa học. Kể từ khi thành lập, thầy và trò trường chuyên đã gặt hái khá nhiều kết quả trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, thi Olympic... Ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng nhà trường chứng minh hiệu quả đào tạo nhà trường qua 2 con số so sánh: tỷ lệ HS giỏi lớp 9 được tuyển vào lớp 10 hàng năm ở trường chỉ chiếm khoảng 20% số HS giỏi của cả tỉnh; tuy nhiên, số HS đạt giải HS giỏi các cấp qua một quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở trường luôn đạt tỷ lệ từ 70-73% so với số HS giỏi trong cả tỉnh.

Con số trên có thể còn khập khiễng, nhưng vẫn nói lên được rằng mô hình trường chuyên là phù hợp với công tác đào luyện nhân tài. Hơn nữa, xu hướng phát triển của một trường chuyên là phải có đầy đủ các lớp chuyên. Bởi vậy, trong điều kiện có thể, Trường Lê Quý Đôn đã từng bước mở rộng thêm các môn chuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của HS và phụ huynh các em.

Năm học 2003-2004, Trường Lê Quý Đôn đã được phép mở thêm lớp chuyên tin. Nhưng chỉ có 6 HS dự thi... và rồi lớp chuyên tin đã thất bại vì không có "nền" (HS THCS phần lớn chưa được học tin học). Và đến năm học 2004-2005 là 2 lớp chuyên Lịch sử và Địa lý. Ông Bắc cho rằng: Nguyên nhân thứ nhất là lực học của HS vào các môn này chưa đủ tầm để vào trường chuyên; thứ hai, HS và phụ huynh HS chưa quan tâm đến 2 môn này vì các trường đại học, các ngành nghề có liên quan đến sử-địa để các em chọn thi đại học rất ít.

Nhưng, quan trọng nhất là thông tin về việc mở hai lớp chuyên sử, địa của trường ít được phụ huynh và HS biết đến. Mãi đến tháng 6-2004, Sở GD-ĐT mới thông báo cho trường về việc tuyển sinh 2 lớp mới. Sau đó, trường mới thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi ngày 14-7 HS đã thi tuyển.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những chặng đường lịch sử của ngành Tư tưởng - Văn hóa   (30/07/2004)
Người thương binh được dân kính mến   (30/07/2004)
Mỹ Đức có một ông... "quan"   (29/07/2004)
Sôi động thị trường mũ bảo hiểm   (28/07/2004)
Công hội đỏ và những cuộc đấu tranh đầu tiên của CNLĐ Bình Định  (28/07/2004)
Sôi nổi và hiệu quả  (28/07/2004)
Chuyện một người làm công tác đền ơn đáp nghĩa   (27/07/2004)
Uống nước nhớ nguồn   (27/07/2004)
Tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)
Ghi nhận qua phong trào thi đua của công nhân, lao động tỉnh Bình Định   (26/07/2004)
"Xuyên Á" qua vùng gió Lào   (26/07/2004)
Trước thềm năm học mới: Đồng phục học sinh có gì mới?  (26/07/2004)
Phụng Sơn có CLB Gia đình hạnh phúc   (23/07/2004)
Hành trang HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 có gì mới?   (23/07/2004)
Dấu chân tình nguyện  (22/07/2004)