Thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TW, ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 06-HD/TCTW ngày 2-4-2002 của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 22-7-2002 cụ thể hóa chủ trương luân chuyển cán bộ của tỉnh, qua thời gian thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Thực hiện kế hoạch đề ra, Tỉnh ủy đã chủ trương luân chuyển một số Tỉnh ủy viên, cán bộ lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh có độ tuổi từ 50 trở xuống có năng lực, có triển vọng phát triển về một số địa phương giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thành phố để công tác và rèn luyện. Năm 2003-2004 tỉnh đã thực hiện luân chuyển một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban về làm cán bộ chủ chốt ở huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tuy Phước và Phù Cát. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tiếp tục nghiên cứu lên kế hoạch để luân chuyển tiếp một số cán bộ chủ chốt của các sở, ban, đoàn thể dự kiến trong nhiệm kỳ tới sẽ cơ cấu vào cấp ủy tỉnh, hoặc dự kiến đề bạt giữ các chức vụ cao hơn, có điều kiện rèn luyện trưởng thành từ thực tiễn.
Các sở, ngành cũng đang rà soát lập danh sách số cán bộ trong độ tuổi, kể cả cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc, nằm trong diện quy hoạch để tiến hành thực hiện trong thời gian tới. Kế hoạch của tỉnh còn luân chuyển một số cán bộ giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyên môn gần nhau, nhằm rèn luyện cho cán bộ có am hiểu thêm về nhiều lĩnh vực.
Đối với cấp huyện, tỉnh cũng chỉ đạo điều động một số Huyện ủy viên, Thành ủy viên, trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể huyện, thành phố từ 45 tuổi trở xuống có năng lực, có triển vọng phát triển về giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn. Trong thời gian qua đã có 24 cán bộ được luân chuyển, trong đó 18 cán bộ được cử giữ chức bí thư xã, phường, 3 cán bộ giữ chức phó bí thư và 2 cán bộ là chủ tịch UBND xã. Đồng thời điều động một số bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn dưới 45 tuổi có năng lực, có triển vọng và đủ tiêu chuẩn công chức về bổ sung nguồn cán bộ cho huyện, thành phố. Hiện nay các huyện, thành phố đang tiếp tục lên kế hoạch để luân chuyển, bồi dưỡng rèn luyện số cán bộ có triển vọng phát triển, tiếp tục củng cố các cơ sở yếu, kém.
Tuy nhiên việc triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở một số sở, ngành và huyện, thành phố làm còn chậm. Có những cơ sở chưa kết hợp được giữa đánh giá, quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ; có những địa phương do không giải quyết được số cán bộ tại chỗ năng lực hạn chế, nên không thể luân chuyển cán bộ đến. Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết còn có biểu hiện thiếu kiên quyết, nể nang, ngại va chạm, sợ xáo trộn.
Kết quả bước đầu trong công tác luân chuyển cán bộ cho thấy nếu cán bộ được rèn luyện, biết hòa mình với địa phương, đơn vị; chịu khó, năng động nhiệt tình công tác, rèn luyện và phát huy đạo đức, phẩm chất thì đều trưởng thành vững vàng, đảm đương được nhiệm vụ. Ngược lại, có những cán bộ khi công tác ở cấp trên hoặc ở địa phương, đơn vị này thì nói hay, thuyết giỏi, nhưng khi được chuyển đến môi trường mới thì không hội nhập được, làm việc không có hiệu quả, không thuyết phục được quần chúng, phong trào địa phương, đơn vị đó không phát triển.
Thực tế cũng cho thấy luân chuyển cán bộ là một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm và tế nhị; nếu nhìn nhận đúng, luân chuyển hợp lý thì rèn luyện được cán bộ, thúc đẩy được phong trào. Ngược lại thì hậu quả cũng khó lường. Như vậy đòi hỏi công tác tổ chức phải hết sức thận trọng trong cách làm, phải chuẩn bị kỹ kế hoạch và lộ trình thực hiện, không thể làm ồ ạt, tràn lan chạy theo số lượng. Mặt khác phải nhìn nhận sự biện chứng mối quan hệ giữa đánh giá với quy hoạch cán bộ và luân chuyển, đào tạo cán bộ.
Để công tác luân chuyển cán bộ thực sự phát huy được tác dụng như mong muốn, có nghĩa là vừa đào tạo được cán bộ, vừa phát hiện được người tài vừa đẩy mạnh được phong trào, phát triển được kinh tế, xã hội, thiết nghĩ những người làm công tác tổ chức, quản lý cán bộ cần có những biện pháp tình huống cụ thể trong việc xử lý công việc ở mỗi địa phương, đơn vị, qua đó nắm bắt một cách chắc chắn nhất về tính nhanh nhạy và trình độ quản lý của những cán bộ được luân chuyển. Tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng và thực hiện chế độ nhà công vụ thống nhất; ban hành chính sách hỗ trợ đối với các cán bộ được luân chuyển công tác để cơ sở tổ chức thực hiện. Các cấp ủy cần tổng kết rút ra những kinh nghiệm sâu sắc, nhằm đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, đào tạo bồi dưỡng được lớp cán bộ "vừa hồng vừa chuyên" thực hiện tốt công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
. Tôn Võ Xuân |