Những năm gần đây, tình hình thực hiện các quy định về bảo hộ lao động (BHLĐ) tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa triệt để. Vẫn còn nhiều DN chưa thật sự chú ý đầu tư cơ sở vật chất cho vấn đề này. Thậm chí, có nơi còn trang bị theo kiểu đối phó với các đợt thanh, kiểm tra, nhất là các DN trong ngành xây dựng, khai thác đá, vận hành thiết bị chịu áp lực.
* BHLĐ chưa triệt để
|
Thợ xây, một trong những nghề nguy hiểm |
Sáng 14-3-2004, ngày đầu tiên của Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, một tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng đã xảy ra trên công trường thi công cầu Quy Nhơn- Nhơn Hội, tại tuyến đường thuộc Công ty 508 đảm nhiệm. Ba công nhân đã bị thương, trong đó nặng nhất là anh Nguyễn Văn Thanh, 23 tuổi, quê ở Thanh Hóa, là công nhân cầu đường. Anh Thanh được cứu sống kịp thời nhưng bị cắt cụt 1/3 trên đùi phải, 1/3 dưới đùi trái, 1/3 giữa cẳng tay phải. Chịu cảnh tàn phế suốt đời. Trước đó, không lâu, tại Cảng Quy Nhơn cũng đã xảy ra một vụ TNLĐ gây chết người.
Trên đây chỉ là hai trong số những vụ TNLĐ đã thống kê được từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn còn không ít DN hầu như không nắm được các quy định, văn bản pháp quy của Nhà nước về BHLĐ. Tại nhiều nơi sản xuất các thiết bị điện chưa được nối bảo vệ điện, cầu dao không an toàn, hở nắp, khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ giữa các khu vực chưa đảm bảo an toàn; các máy móc và thiết bị chịu áp lực bắt buộc phải được đăng kiểm không hề được đăng kiểm hoặc đã quá hạn đăng kiểm từ lâu... Việc không tuân thủ các quy định về BHLĐ đã dẫn đến những hệ quả tất yếu. Thống kê cho thấy, trong số các vụ TNLĐ đã xảy ra, nguyên nhân do vi phạm quá trình kiểm tra an toàn lao động (ATLĐ) chiếm 29,67%, do thiết bị sản xuất không an toàn: 1,1%, DN không có biện pháp kiểm tra ATLĐ: chiếm 1,1%, do các nguyên nhân khác chiếm 68,13%.
* Rủi ro thuộc về NLĐ
Khai thác, chế biến hàng lâm sản và đá granite xuất khẩu là hai ngành nghề hàng năm đem về hàng chục triệu USD cho tỉnh nhưng cũng chứa nhiều rủi ro về TNLĐ. Chuyện bị máy "ăn" một lóng tay, cây đâm thủng bụng, gỗ đè hay dăm đá văng vào mắt khiến người lao động (NLĐ) bị mù... thậm chí chết người là chuyện vẫn thường xảy ra tại các DN khai thác chế biến gỗ, đá granite. Và khi rủi ro xảy ra với NLĐ, không ít DN, nhất là khu vực dân doanh, chỉ bồi thường ít tiền thuốc men hoặc vài mươi triệu đồng (nếu chết) cho gia đình, vậy là xong trách nhiệm.
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị đầy đủ các phương tiện BHLĐ bảo đảm ATLĐ cho NLĐ. Thế nhưng, một công nhân làm gỗ ở KCN Phú Tài cho biết: "Quần áo BHLĐ, chúng tôi cũng phải nộp 70.000 đồng mới được hai bộ. Xưởng chỉ cấp không mũ và khẩu trang thôi". Trong khi đó anh Hoành, công nhân làm việc tại một công ty khai thác đá bức xúc: "Cơ quan có cấp giày nhưng là đồ dổm, chỉ dùng hai tuần là hả mỏ. Quần áo thì làm việc nặng nhọc như tôi chẳng chịu được mấy bữa. Vậy là đâu cũng lại vào đấy".
Hiện nay Bình Định có khoảng 600 đơn vị DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và hàng ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh cỡ vừa và nhỏ tại các huyện và thành phố. Muốn cải thiện được tình hình thực hiện BHLĐ tại các đơn vị sản xuất, ngoài việc hướng dẫn, tuyên truyền, cần phải tiến hành công tác thanh, kiểm tra thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra của ngành chức năng vẫn còn mỏng. Hàng năm chỉ có khoảng 40-50 đơn vị tại Bình Định được thanh tra, kiểm tra kể cả về BHLĐ và chính sách lao động. Cho đến nay, vẫn chưa có chế tài xử nghiêm các vụ TNLĐ đã xảy ra, rất ít vụ TNLĐ gây ra chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Làm thế nào để hạn chế?
Về phía NLĐ, do đa phần xuất phát từ nông dân đi làm thuê, không được đào tạo bài bản qua các trường lớp, trong khi đó các DN, phần vì không có thời gian phần vì cũng chưa thực sự chú trọng đến công tác BHLĐ, nên khi NLĐ vào làm việc tại các đơn vị sản xuất, họ hầu như chỉ được hướng dẫn thao tác công việc, ít được hướng dẫn các biện pháp ATLĐ, cũng như cảnh báo những nguy hiểm phải đề phòng dẫn đến gây ra TNLĐ. Đã đến lúc các biện pháp hạn chế TNLĐ trở thành việc làm cấp bách đối với các DN hiện nay. Cần đầu tư mở rộng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tăng cường giáo dục kiến thức về BHLĐ cho NLĐ, đảm bảo những trang bị lao động tối thiểu cho họ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ DN, khen thưởng nếu thực hiện tốt chính sách BHLĐ, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vụ TNLĐ. Một trong những điều quan trọng nhất hạn chế TNLĐ còn phải phụ thuộc rất nhiều vào ý thức thực hiện các quy định về an toàn lao động của NLĐ.
. Thu Hà
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh:
Cho đến nay, việc thực hiện BHLĐ tại các DN thuộc khu vực dân doanh vẫn còn nhiều điều đáng nói. Nhiều DN không nắm được các quy định mới về BHLĐ không đăng kiểm các thiết bị, chất nguy hiểm, không báo cáo TNLĐ định kỳ... Mặc dù các DN có trang bị quần áo BHLĐ, bồi dưỡng ca ba... nhưng lại không theo đúng các quy định của Nhà nước về BHLĐ mà đa phần làm theo cảm tính, DN này bắt chước DN kia trong khi đó tính chất của mỗi ngành nghề, công việc hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng mặc dù đã có Nghị định về xử phạt các đơn vị vi phạm hành chính nhưng chỉ dừng ở mức kiến nghị là chính chứ chưa thể xử phạt được vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị định.
|
|