Những gia đình tiêu biểu của núi rừng
10:14', 26/8/ 2004 (GMT+7)

Họ đều là những gia đình điển hình tiên tiến trong phong trào vượt khó thoát nghèo, có cuộc sống hạnh phúc. Mỗi gia đình mỗi vẻ, mỗi cách làm giàu khác nhau nhưng đều gặp nhau ở điểm chung: "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn"; trong chi tiêu phải lấy "tiết kiệm, hợp lý" làm đầu.

* Không chỉ biết mình

Gặp mặt các gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu trong Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28-6)

Ở cái thôn 2, xã An Vinh, huyện An Lão, gia đình anh Đinh Văn Ghênh và chị Đinh Thị Krunh là một trong số ít những gia đình không nằm trong diện hộ đói nghèo. Anh là giáo viên tiểu học ở xã, chị là hội viên nòng cốt của Hội Phụ nữ, nên cả hai sớm nhận thức được việc sinh đẻ có kế hoạch và cùng nhất trí: chỉ sinh hai con, đứa đầu cách đứa sau 5 năm.

An Vinh là xã vùng cao thứ nhì của huyện An Lão, đường sá đi lại còn rất khó khăn, khó phát triển kinh tế nhưng không vì thế mà anh chị nản lòng. Vợ chồng bàn tính: "phải biết chi tiêu tiết kiệm, hợp lý thì mới tích lũy và đầu tư mở rộng sản xuất được". Vậy là hàng ngày vợ chăm chỉ làm ruộng, làm nương, nhận khoán đất rừng, chăn nuôi thêm heo, gà... để có thu nhập bảo đảm cuộc sống đủ ăn. Chồng thì phấn đấu dạy tốt, tiết kiệm tiền lương mua một con bò sinh sản và máy xát gạo. Ngoài giờ lên lớp, anh tranh thủ thả bò, nhận xát gạo. Sau 11 năm, từ hai bàn tay trắng hai vợ chồng đã có 7 con bò, 6 con heo, 1 ao thả cá, đàn gà, đàn vịt trên 100 con. Thu nhập từ các khoản chăn nuôi, máy gạo đủ để anh chị xây được một ngôi nhà kiên cố với những tiện nghi sinh hoạt đầy đủ và sắm được hai chiếc xe máy.

Nhưng không chỉ biết đến mình, vợ chồng anh Ghênh còn biết lo cho người khác. Trong những năm qua, thông qua cuộc vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chị Krunh đã cho 6 gia đình cùng thôn mượn 6 chỉ vàng không lấy lãi, 10 con heo giống, 200 kg lúa giống và 2 triệu đồng tiền vốn. Bận rộn với việc nhà, việc xã hội nhưng anh Ghênh và chị Krunh không vì thế mà lơ là việc dạy dỗ, chăm sóc hai con là Đinh Văn Sô và Đinh Văn Kiên. Sô là học sinh tiên tiến suốt cả 5 năm và được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện.

* Hăng say công tác xã hội

Ở làng Giọt I, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, nhắc đến gia đình anh Đinh Nhưa và chị Đinh Thị Găm ai cũng trầm trồ: "Gia đình đó hăng say công tác xã hội, mà làm kinh tế cũng rất cừ". Anh Nhưa hiện là xã đội trưởng xã Vĩnh An rất nhiệt tình, năng nổ vận động bà con thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trong vùng. Hai vợ chồng anh là thành viên của câu lạc bộ không sinh con thứ 3, tham gia các khóa học về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, vệ sinh môi trường... và vận động bà con cùng thực hiện.

Tham gia công tác xã hội tích cực, trong làm ăn, phát triển kinh tế, anh chị cũng không hề kém cỏi. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về cách nuôi trồng do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức và chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, anh chị đã mạnh dạn áp dụng các mô hình vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp hai người thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Hiện anh chị có 2 ha rẫy trồng chuối, bắp, thơm; 4 sào lúa nước; 6 con bò và 6 con heo. Nhà cửa khang trang, các tiện nghi trong nhà như quạt, ti vi, xe máy đều đầy đủ. Thu nhập bình quân mỗi năm từ 12-15 triệu đồng. Anh Nhưa chia sẻ kinh nghiệm: "Bí quyết thành công của chúng tôi là hai vợ chồng làm bất cứ việc gì đều bàn bạc, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau đồng thời biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm". Từ năm 2001-2003, gia đình anh Nhưa, chị Găm đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp xã.

* Thuận vợ, thuận chồng

Trong buổi gặp mặt hôm ấy, còn nhiều gia đình dân tộc thiểu số khác nữa từ các huyện Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Họ đều là những gia đình điển hình tiên tiến trong phong trào vượt khó thoát nghèo, có cuộc sống hạnh phúc. Mỗi gia đình mỗi vẻ, mỗi cách làm giàu khác nhau nhưng đều gặp nhau ở điểm chung: "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn"; trong chi tiêu phải lấy "tiết kiệm, hợp lý" làm đầu. Chính nhờ phương châm đó mà gia đình chị Đinh Thị Đen ở thôn M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh hàng năm thu nhập trên 30 triệu đồng, xây được căn nhà cấp 3 và sắm sửa được các vật dụng đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, xe máy. Không chỉ biết thu vén cho riêng gia đình của mình, họ còn biết giúp những người khác thoát nghèo bằng cách cho mượn vốn, giúp kiến thức sản xuất, vận động mọi người sinh đẻ có kế hoạch như gia đình của anh Ghênh, gia đình chị Đoàn Thị Be ở Canh Hòa (Vân Canh)... Nói về mối quan hệ gia đình, chị Đinh Thị Nhứ, ở xã Ân Sơn, Hoài Ân nói: "Chỉ biết săn sóc chồng, con vẫn chưa đủ, mà còn phải quan tâm, củng cố đến mối quan hệ cha-mẹ-anh-em trong gia đình nhà chồng để quan hệ càng ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi người đều phải vì nhau thì gia đình mới có hạnh phúc dài lâu".

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tai nạn lao động vẫn còn là hiểm họa  (25/08/2004)
Nhìn lại công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở   (25/08/2004)
Tuổi cao, chí càng cao   (24/08/2004)
Hai cô gái giải Nhất   (24/08/2004)
Phiên chợ trong sương sớm   (23/08/2004)
Điện thoại di động: Thật - giả khó phân   (23/08/2004)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục  (22/08/2004)
Quy Nhơn: Những ngày đầu thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm  (20/08/2004)
Bát nháo nạn đào sắt phế liệu ở kho đạn Đèo Son   (19/08/2004)
Vùng đất dưới chân Đồi 10   (19/08/2004)
Những người lặng lẽ gìn giữ niềm vui  (19/08/2004)
Công an Bình Định không ngừng lớn mạnh trong phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND  (19/08/2004)
Chị Bảy hòa giải   (18/08/2004)
Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số   (18/08/2004)
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (18/08/2004)