Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô
17:40', 10/4/ 2003 (GMT+7)

Đã lâu lắm rồi, có thể cả nghìn năm có lẻ, cứ qua 70 ngày sau Tết Nguyên Đán, ngày 10 tháng 3 ÂL, hàng vạn con cháu Lạc Hồng, từ hương thôn đến phố thị, thượng du đến châu thổ hành hương về núi Nghĩa Lĩnh - đất Phong Châu (nay thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) để tưởng niệm, tri ân 18 đời Hùng Vương dựng nước:

Dòng máu Việt chảy trong trời đất,

Đều thủy chung như nhất cùng nhau,

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3…

Theo cuốn “Cổ Việt thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền” soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470) lưu truyền quanh vùng đất Tổ, đã viết:

Lần giở lại căn nguyên dòng dõi

Mười tám đời cùng gọi Hùng Vương

Mở đầu khải tổ Kinh Dương

Tiền phong dựng nước tìm đường định đô…

Song, không phải Kinh Dương Vương tìm ngay được đất Phong Châu từ chuyến đi đầu tiên. Tương truyền người đã đến đất Thứu Lĩnh - một vùng núi xưa thuộc châu Hoan, phủ Đức Quang, huyện Thiên Lộc (nay là đất Hà Tĩnh) để lập “đế đô”, nhưng không đạt yêu cầu phát triển trong tương lai.

Đất Thứu Lĩnh cơ đồ toan dựng,

Nhưng vẫn nhìn về những tầm xa…

Người quay ra, và đã đi đến nhiều miền đất lạ để chọn tìm đất dựng đô, đó là vùng hợp lưu ba con sông lớn: sông Thao, sông Lô và sông Đà, xưa gọi là Thao giang, Thanh giang, Hắc giang.

Theo truyền thuyết khi đến một vùng đất bằng phẳng, phong cảnh đẹp, nay là xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) có nhiều khe ngòi chằng chịt, người vẫn chưa ưng, và sai chim đại bàng đắp thêm 100 quả đồi, hẹn phải xong trước lúc rạng đông. 99 quả đồi đắp xong, có tiếng gà gáy, tưởng trời đã sáng, đại bàng bỏ đi, cho là điềm dữ, người lại lên đường, tìm miền đất khác.

Trên đường đi về hướng Đông Bắc, thấy một hòn núi cao vượt lên vùng đồi, tựa cây cột chống trời, người thúc ngựa đến xem, rất ưng ý. Khi quay ra, vó ngựa đập mạnh một mảng núi sụt lở, người cho là thế đất không bền, liền bỏ đi hướng khác, về sau gọi là núi Sất.

Đi tiếp xuống hướng mặt trời mọc, đến vùng Võ Lao, Quảng Nạp gần đó, người gặp một dãy núi dài tựa hình con giao long, đầu núi nhô lên ngọn núi đá cao (nay là núi Thắm). Vừa đặt chân vào cửa hang đá ở đỉnh núi, người gặp một con đại xà nằm chắn ngang, người cho là điềm gở, và quay ngược lên vùng Ao Châu (huyện Hạ Hòa), vượt sông Thao xuống mạn Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) cũng không tìm được nơi nào đạt yêu cầu xây dựng đế đô. Người lại vượt sang tả ngạn sông Thao, dừng chân ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao. Nơi đây đủ điều kiện xây dựng kinh đô buổi đầu dựng nước, vì:

Miền Thao hợp với Lô, Đà

Nơi linh địa cứ kể qua còn nhiều…

Bao lần thử, bao nhiêu lựa chọn

Muôn loài cùng chờ đón tiếp tay

Đến nơi thế đất rồng bay

Tản Viên, Tam Đảo cùng quay đầu về

Sông núi tựa bốn bề hào lũy

Bọc đô thành đất quý Phong Châu

Bốn ngàn năm trải bể dâu

Thủ đô dựng nước buổi đầu là đây

Theo thuyết địa lý, vùng đất Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là hình một con rồng trong thế đất “Long triều thiên” (rồng chầu trời) đồi núi xung quanh như con rồng uốn khúc, mà ngọn Nghĩa Lĩnh tựa đầu rồng vươn lên, chuẩn bị bay cao, bay xa.

Đứng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh nhìn hai bên phía trước, bên phải là núi Tản Viên, bên trái là hòn Tam Đảo, đó là hình ảnh “tả thanh long” và “hữu bạch hổ” (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu về, đồi núi xung quanh là thành cao, các sông Thao, sông Đà, sông Lô tựa hào sâu bao bọc, che chở kinh thành. Chính đó là đất Phong Châu, thủ đô dựng nước buổi đầu định đô.

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là câu nói “bất hủ” của lãnh tụ Hồ Chí Minh nói với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954, bên cây thiên tuế, trước Thiên Quang Thiền tự ở núi Nghĩa Lĩnh, lúc trên đường trở về thủ đô sau chín năm kháng chiến trường kỳ, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân ta đã đánh bại tên đế quốc đầu sỏ Hoa Kỳ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, đất nước thu về một mối; khắc phục hậu quả chiến tranh; đạt nhiều thắng lợi to lớn trong quá trình hội nhập; phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, ngày càng nâng cao vị thế của nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với thế giới.

Đứng trên núi Nghĩa Lĩnh hôm nay, xa xa là thành phố Việt Trì sừng sững bên ngã ba “Thao, Lô, Đà” thơ mộng. Bên phải là Công ty Xúp pe phốt phát Lâm Thao, bên trái là công ty Giấy Bãi Bằng - 2 doanh nghiệp Anh hùng lao động đứng chân cạnh kinh đô thời dựng nước, đang ngày đêm sản xuất phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Trên đất Tổ, nhân dân Phú Thọ cũng đang phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội để xứng đáng là quê hương Phong Châu - kinh đô thời vua Hùng dựng nước.

N.T.H

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)
Anh thợ sửa xe đạp, ông chủ CLB giàu thành tích thể thao  (03/04/2003)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi “Vua phá lưới”?  (03/04/2003)
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế  (02/04/2003)
FIFA quyết định hoãn trận Iraq - Việt Nam  (02/04/2003)
Văn Quyến hoàn tất ''hat-trick'' cầu thủ trẻ xuất sắc nhất  (02/04/2003)
Thức nhận không gian sơn mài  (31/03/2003)
Bình Định lại trắng tay trên sân nhà  (30/03/2003)
Chim Yến Canary - nhạc sĩ của phòng khách  (30/03/2003)