Gò Cây Ké - Một địa chỉ gốm Champa tiềm ẩn
15:18', 5/6/ 2003 (GMT+7)

Một tác phẩm gốm Chăm

Cùng chung khu vực phân bố và có thể cùng thời đỏ lửa với các trung tâm sản xuất gốm cổ Champa Bình Định như Gò Sành, Gò Hời… Nhưng, qua dấu vết để lại và rất nhiều cổ vật tìm thấy có thể cho ta đoán định: Gò Cây Ké là một trung tâm sản xuất gốm cổ Champa phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và còn tiềm ẩn.

Khu vực di tích trước kia là một gò đồi thấp có rất nhiều cây ké (một loại danh mộc), ngày nay là khu thổ cư của nhân dân thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Gò Ké nằm giữa cánh đồng Bình An Đông có diện tích khoảng 6.000 m2. Bàu Dài chia cắt 2 trung tâm sản xuất gốm cổ Champa Gò Cây Ké và Gò Hời, cách nhau khoảng 300m theo trục Đông - Tây.

Trải qua bao đời, nhân dân địa phương xây dựng nhà cửa chồng lên di tích. Tuy nhiên vết tích trung tâm sản xuất gốm còn để lại rất rõ nét và đậm đặc với những đống xỉ sắt lớn, nhiều dấu vết lò nung, mảnh gốm ken dày mặt đất. Đặc biệt con mương thủy lợi chạy dài rìa nam khu gò cho ta mặt cắt tầng phế thải ở đây khá dày từ 0,4m - 0,6m chồng chất mảnh vỡ bao nung, sản phẩm. Xen lẫn trong khu dân cư hiện nay còn thấy dấu vết 4 lò nung gốm. Quá trình canh tác, đào lấy đất, đào móng nhà... người ta đã gặp nhiều tường lò đắp bằng đất nung.

Những đợt khai quật các lò gốm Chăm trước đây ở Gò Sành, Gò Hời chỉ tìm được một vài hiện vật còn nguyên. Ở Gò Cây Ké, mặc dù chưa được khai quật hoặc đào thám sát nhưng hiện vật còn nguyên ở đây được nhân dân địa phương tìm thấy khá nhiều và loại hình rất đa dạng: bình, hũ, cốc, chén, đĩa, gốm kiến trúc, gốm trang trí, các loại tượng… Hầu hết những hiện vật còn nguyên được phát hiện ở bờ con mương thủy lợi do quá trình nước chảy làm xuất lộ.

Ở Gò Hời, kỹ thuật nung chủ yếu sử dụng con kê thì Gò Cây Ké người thợ nung lại sử dụng phổ biến kỹ thuật ve lòng chồng xếp sản phẩm khi đưa vào lò nung. Kỹ thuật sử dụng bao thơi cũng được sử dụng cho các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, về kỹ thuật chế tác và tạo hoa văn, trung tâm sản xuất gốm Gò Cây Ké và Gò Hời có nhiều nét tương đồng. Màu men khá phong phú như vàng chanh, vàng nhạt, nâu nhạt, nâu sẫm, đen bóng, đen nhạt… Nhưng màu men chủ yếu của Gò Cây Ké là màu xám nhạt. Men dày, bóng, gốm nung ở nhiệt độ cao nên men bám chắc vào xương gốm.

Sự có mặt của trung tâm sản xuất gốm Gò Cây Ké đã tạo cho gốm cổ Champa Bình Định đa dạng về loại hình, độc đáo về sản phẩm và phát triển ở một trình độ cao, sánh vai cùng các dòng gốm mậu dịch trong khu vực lúc bấy giờ. Chắc chắn Gò Cây Ké còn rất nhiều điều lý thú, bất ngờ đang chờ đợi các nhà khảo cổ học.

. Nguyễn Thanh Quang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà Rông và nhà Rông văn hóa  (04/06/2003)
An Trung mở đầu mùa lễ hội  (03/06/2003)
Nở rộ băng, đĩa vi phạm bản quyền  (02/06/2003)
Đáng tiếc cho Bình Định!  (01/06/2003)
"Mẹ ơi đừng đánh con đau"  (30/05/2003)
Ngựa ô lại tung vó!  (30/05/2003)
Ngôi thứ đã phân định!  (27/05/2003)
Mừng đón đội Bình Định thắng trận trở về  (26/05/2003)
Sức mạnh Bình Định đã được chứng tỏ  (25/05/2003)
Lại khó cho Bình Định!  (23/05/2003)
Tài năng lấp lánh ánh vàng  (22/05/2003)
Những tấn bi - hài kịch!  (22/05/2003)
Cựu vô địch bơi lội Vũ Thị Sen: “Suốt đời tôi luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ”  (19/05/2003)
BĐ-GĐT.LA 0-0: Trận thư hùng đẹp mắt!  (18/05/2003)
Bác Hồ với vấn đề phát huy văn hóa dân tộc  (18/05/2003)