Khai quật mộ chum 2000 tuổi
17:4', 8/7/ 2003 (GMT+7)

Những mộ chum chìm sâu dưới mặt cát, sau 2000 năm, mới có dịp xuất lộ. Những phát hiện ban đầu đáng chú ý về di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Động Cườm (thôn Tăng Long, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn). Di tích này cấp thiết phải được bảo vệ trước khi bị phủ lên bởi những công trình kiến trúc…

Những phát hiện ban đầu

Động Cườm là tên một động cát lớn ở thôn Tăng Long, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Trước đây, do người dân địa phương đã tìm thấy nhiều hạt cườm tại đây nên hình thành tên địa danh Động Cườm. Năm 1934, nữ khảo cổ học người Pháp, bà Colani đã tiến hành khai quật di tích này và phát hiện hàng trăm mộ chum. Bộ sưu tập này cùng những ghi chép của Colani về Động Cườm hiện tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Dựa trên những báo dẫn của các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, dựa trên những ghi chép trong nhật ký của Colani, các nhà chuyên môn thuộc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành thám sát di tích này vào năm 2001, phát hiện 4 mộ chum và nhiều di vật đẹp, đặc trưng. Kết quả này được công bố tại Hội nghị Khảo cổ học, trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát thẩm định vào năm 2002. Tại đây, trên một diện tích 8 m2, các nhà khoa học đã phát hiện 8 mộ. Trên cơ sở đó, năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa- Thông tin Bình Định đề nghị tiến hành khai quật trên diện lớn.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt tại Động Cườm, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật 6 hố. Hố H1, có diện tích 80 m2, trên lớp cát đầu tiên, xuất lộ hơn 20 cụm mảnh gốm tập trung, biểu hiện dấu tích mộ táng. Sau khi được xử lý từng cụm, đã phát lộ 17 cụm mộ, trong đó, có 2 mộ nồi và 15 mộ chum. Từ trước đến nay, trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh, chỉ tìm thấy ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) một di tích mộ nồi, lần này, phát hiện mộ nồi cùng với mộ chum là điều rất đặc biệt. Một số hố khác phát hiện thấy mộ chum, số lượng ít hơn. Các mộ chum được chôn theo sườn phía đông động cát, mộ nông nhất khoảng 6 tấc, sâu nhất hơn 1 m.

Chum lớn nhất có đường kính 60 phân, cao hơn 1m. Các chum có hình trứng, vai không gẫy mà chỉ có một gờ nhỏ. Theo TS  Ngô Thế Phong (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), đây là đặc điểm hơi khác so với các mộ chum tìm thấy ở các địa phương khác. Các chum gốm khá mỏng, độ dày khoảng 3 ly, được nặn bằng tay theo kỹ thuật dải cuộn, thể hiện một trình độ cao về kỹ thuật sản xuất.

TS  Phạm Thị Ninh, Trưởng đoàn khai quật khảo cổ học tại Động Cườm:

Trước đây, các nhà khảo cổ học người Pháp cho rằng nền văn hóa Sa Huỳnh là nền văn minh cao, cư dân bản địa khó đạt được. Họ đi tìm nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và Đông Nam Á lục địa, coi văn hóa Sa Huỳnh như một nền văn hóa biển. Nhưng với những phát hiện thông qua những đợt khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam, đã chứng tỏ sự phát triển liên tục truyền thống văn hóa bản địa từ sớm đến muộn.

Khai quật Động Cườm, một di tích Sa Huỳnh muộn, thuộc sơ kỳ thời đại sắt, là đợt khai quật lớn. Những hiện vật bước đầu đã tìm thấy qua đợt khai quật này thể hiện đời sống vật chất, tinh thần của người Sa Huỳnh cổ. Một tư duy thẩm mỹ cao với những hạt cườm, không chỉ để đeo mà còn có những hạt nhỏ đính trên trang phục; một kỹ thuật chế tác đồ gồm trình độ cao.

Tiếp xúc với những hiện vật này, người làm khoa học chúng tôi rất cảm động. Tưởng như cảm nhận được nhịp điệu đời sống của người xưa, cũng là để cảm nhận nhịp điệu của tâm hồn mình.

Tuy chưa xử lý bên trong ở từng mộ chum, nhưng bên cạnh các mộ chum, các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều hạt cườm, nhiều màu sắc cùng một ít hạt mã não và một số đồ tùy táng là bát bồng, nồi, bước đầu thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Sa Huỳnh. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể hơn về những phát hiện mới từ đợt khai quật này ngay khi cuộc khai quật kết thúc. Tuy nhiên, qua các di vật bước đầu tìm thấy, cho thấy niên đại di tích là Sa Huỳnh muộn, Sa Huỳnh điển hình thuộc sơ kỳ thời đại sắt (khoảng 2000 – 2500 năm trước).

Những việc cần làm ngay

Có thể khẳng định, đây là đợt khai quật lớn về văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Định. Đợt khai quật này có ý nghĩa quan trọng, bởi trong khi văn hóa Sa Huỳnh đã được nghiên cứu và khai quật kỹ tại một số địa phương khác, thì ở Bình Định, văn hóa Sa Huỳnh trong truyền thống văn hóa Bình Định vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Trong khi đó, mới cách đây vài năm, giới khảo cổ học Việt Nam đã kỷ niệm 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.

Một điều đặc biệt khác là dù Bình Định có một số di tích khác, vốn không nhiều, thuộc văn hóa Sa Huỳnh như Truông Xe, Gò Lồi, Chánh Trạch, Thuận Đảo, Núi Sứa nhưng Động Cườm lại là di tích duy nhất, theo TS  Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định), còn có thể khai thác được. Kết quả của đợt khai quật này, sẽ không chỉ gợi mở cho chúng ta tìm hiểu tiến trình phát triển của văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định, mà còn cho ta cơ sở khoa học để tìm hiểu bản chất hay nội dung văn hóa Sa Huỳnh trong văn hóa truyền thống Bình Định.

Đợt khai quật còn có ý nghĩa "chữa cháy", vì hiện nay, di tích Động Cườm nằm trong khu vực Đồn Biên phòng 308, sắp tới sẽ có những công trình xây dựng nằm trên khu di tích. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt của một trong những di tích ít ỏi của văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Định, di tích này cấp thiết cần được bảo vệ. Một đợt khai quật, trong thời gian một tháng và kinh phí có hạn, không thể khai quật hết những di vật mang giá trị lịch sử, khám phá hết những bí ẩn hãy còn ẩn tàng dưới lòng đất. Trong khi đó, theo ghi chép của Colani, di tích này rất phong phú, diện tích có thể rộng tới hàng nghìn m2, trong khi đợt khai quật này chỉ được tiến hành trên diện tích khoảng 400 m2.

Bảo tồn Động Cườm còn là để dành chỗ cho những thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)
Bóng đá và một trang nhật ký viết chung  (02/07/2003)
Trong niềm vui ngất trời  (02/07/2003)
Hai hay và một chưa hay  (02/07/2003)
Bóng đá Bình Định- Hành trình đến vinh quang   (02/07/2003)
Bình Định đoạt Cúp quốc gia   (03/07/2003)
Xây dựng nhà rông văn hóa - Nhu cầu bức thiết   (02/07/2003)
Đôi nét về hai cổ vật Chămpa đưa đi triển lãm tại Áo và Bỉ  (30/06/2003)
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi đang có cơ hội rất thuận lợi  (30/06/2003)
Sandro - sự trở lại đầy ấn tượng  (29/06/2003)
Ngân hàng Đông Á vào chung kết Cúp quốc gia 2003  (29/06/2003)