Đám cưới vàng của anh chị Tư
15:46', 27/4/ 2004 (GMT+7)

. Ký của Xuân Mai

Đám cưới vàng của anh chị Tư Trương An và Xuân Lâm được tổ chức tại nhà riêng của anh chị ở thành phố Hồ Chí Minh. "Đám cưới vàng" - nói cho có vẻ Tây một chút cho vui - chứ kỳ thực là một dịp kỷ niệm sau năm mươi năm ngày cưới của anh chị. Nhưng nếu nói là một ngày kỷ niệm vàng cũng đúng, bởi trong ngày này tụ hội được quá nhiều sự kiện đặc biệt. Nửa thế kỷ trôi qua trong cuộc sống lứa đôi của một đời người chất chồng biết bao nhiêu là kỷ niệm, mà chẳng mấy khi vợ chồng có dịp cùng bạn bè chí thân được ngồi cùng mâm cơm, cùng hàn huyên cười đùa, ôn lại những câu chuyện "ngày xưa" như hôm ấy.

Sự kiện đặc biệt nhất trong ngày kỷ niệm vàng hôm ấy chính là sự có mặt của những người bạn thân của anh chị. Có người là bạn cùng công tác cách nay mười năm, hai mươi năm trước khi anh chị nghỉ hưu; có người là "lính" của anh chị ngày xưa nay đã trưởng thành; có người là bạn thân quý hiếm thời cùng hoạt động cách mạng, cùng là tù chính trị với anh từ những năm ba mươi lăm, bốn mươi của thế kỷ trước; có người là bạn chiến đấu trong quân ngũ, cùng công tác với anh khi anh là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, và Chính ủy Trung đoàn 120; có người là thành viên trong ban tổ chức lễ cưới của anh chị... Bao năm rồi tình bạn vẫn thủy chung, nghĩa tình trọn vẹn, một lòng sắt son vì sự nghiệp cách mạng…

Đám cưới của anh chị ngày ấy được tổ chức ngay ở sân nhà của tía má chị tại xã Bình Quang (huyện Bình Khê). Hôm ấy là vào chiều tối ngày 6 tháng 3 năm 1954. Đã năm giờ chiều mà máy bay khu trục của địch vẫn còn quần đảo rè rè trên bầu trời, tìm địa điểm ném bom, khuấy động một vùng quê tự do yên tĩnh. Chờ cho khi không còn nghe tiếng máy bay địch, lúc ấy trời đã xẩm tối, anh em bộ đội mới bắt tay vào dựng rạp. Một tấm tăng lớn do anh Nguyễn Huy Chương (lúc ấy đang là tiểu đoàn trưởng) lấy ở đơn vị đem đến căng lên thành một mái vòm cao, rộng trùm lên gần hết khoảng sân; những chiếc bàn được làm bằng các thanh cây ghép lại, rồi trải lên trên các tấm dù chiến lợi phẩm của địch cùng những bông hoa ngũ sắc được rải đầy mặt bàn trông cũng rất vững chãi và thích mắt. Khi những ngọn đèn dầu nhỏ được thắp lên, ánh sáng lấp lánh tỏa khắp sân nhà là lúc đám cưới được bắt đầu. Anh Hồng Ưng - Thường vụ tỉnh ủy Gia Lai đại diện họ nhà trai đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của đồng chí Bí thư tỉnh ủy của mình. Chú rể gọn gàng trong bộ quân phục nắm tay cô dâu bước ra trong tiếng vỗ tay reo vui của bà con dòng họ trong xã và anh em bộ đội Trung đoàn 120. Đứng bên cô dâu vừa tròn đôi mươi xinh tươi trong chiếc áo lụa tơ tằm màu mỡ gà, chú rể dạn dày sương gió như trẻ ra so với tuổi ba tư của mình. Trong buổi tiệc ngọt với bánh trái làng quê ngọt thơm giản dị hôm ấy, ai cũng mừng vui chúc cho lứa đôi trăm năm hạnh phúc, và "vui duyên mới không quên nhiệm vụ"...

Và quả là không thể quên nhiệm vụ được. Ngay mờ sáng hôm sau ngày cưới, chú rể cô dâu đều khẩn trương lên đường theo chiến dịch.

Anh là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai kiêm chính ủy Trung đoàn 120 nên phải về ngay Trung đoàn Bộ đóng ở vùng dân tộc Tơ Lok, chỉ huy mặt trận An Khê. Đây là mặt trận phối hợp với mặt trận Bắc Tây Nguyên phải bẻ gãy cuộc hành quân Atlăng của thực dân Pháp; đồng thời phối hợp với các mặt trận ở khu V là mặt trận Quảng Nam và Cực Nam, đánh tiêu diệt, kềm giữ chi phối sinh lực địch để ta giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Phần chị, theo lời kêu gọi "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", chị cũng đã nhanh chóng lên đường đi dân công hỏa tuyến cùng với nhiều nam nữ thanh niên và bà con trong làng xã. Chị là Trung đội trưởng trung đội nữ dân công, gánh gạo lên hỏa tuyến theo dốc Bồ Bồ, đường đèo Thủ Thủy, Cửu An... và tải thương binh về các trạm cứu thương ở sâu trong các vùng núi.

Đường đi dân công, tải thương xa hàng chục cây số với dốc đèo hiểm trở. Đi cả tháng trời như vậy nhưng chị luôn tích cực, và không nề hà trước bất cứ khó khăn nào. Có lẽ cùng với khí thế chung trong tinh thần cách mạng của một người dân yêu nước, trong lòng chị còn có tình yêu và sự cảm phục đối với anh đã giúp chị vượt lên tất cả.

Kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới càng làm chị nhớ da diết đến một thời tuổi trẻ sôi nổi của mình trong những ngày đầu biết anh.

Hồi ấy, vào năm 1953, tía chị kể lại, lúc đó ông đang là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, thường xuyên công tác trên huyện. Một hôm sau buổi làm việc, khi cùng ngồi uống nước, một người bạn là cấp phó của ông nhìn ông cười cười, nói: "Có một chú bộ đội Cụ Hồ đã chấm con Phệ của ông, ông có đồng ý gả nó cho người ta không?" (Phệ là tên gọi âu yếm hồi còn nhỏ của chị, lớn lên chị có tên là Lâm). Thấy tía cười vui vẻ, chú ấy liền nói rõ ngọn ngành, giống như một ông mối chân thành, nghiêm túc.

Nghe qua tía chị cũng thấy xuôi xuôi. Biết con gái mình cũng đã mười tám, đôi mươi rồi, chuyện dựng vợ gả chồng không còn xa lạ gì nữa, nhưng đây là vấn đề hệ trọng của một đời người và tía cũng biết con gái mình giỏi giang, tháo vát, không dễ áp đặt, nên tía nói với chú ấy rằng phải hỏi ý kiến của con gái đã, không thể cứ cha đặt đâu con ngồi đấy như trước được. Rồi một hôm tía chị cũng đã nói với chị câu chuyện ấy,và ông bảo một cách nhẹ nhàng "tùy con suy nghĩ, tía má không ép buộc con điều gì".

Khi nghe tía nói, chị thấy trong lòng dâng lên một niềm vui thầm kín nhưng đồng thời cũng ngổn ngang những ý nghĩ. Trong xã nhiều chàng trai cùng sinh hoạt thanh niên và cũng có mấy anh bộ đội đóng quân trong làng có tình ý với chị nhưng chị chưa chấm ai cả. Chị còn mải việc gia đình và ham sinh hoạt đoàn thể. Chị cũng có biết sơ sơ anh bộ đội định "đặt vấn đề" với chị có rất nhiều tên nhưng tên thường gọi là Hiền. Anh có nước da bánh mật, dong dỏng, đẹp trai nhưng có vẻ hơi nghiêm quá, biết có hợp với mình không? ...

Những ngày sau đó, anh Hiền thỉnh thoảng có ghé thăm nhà và thường tìm cách tâm sự riêng với chị. Và ngày tháng trôi qua, cái anh chàng bộ đội có cách xử sự hiền lành cùng với kiểu nói chuyện pha chút hài hước rất hợp với cái tên Hiền đó đã dần dần chiếm được cảm tình của chị và cả những đứa em bé bỏng của chị.

Anh nói với chị rằng từ rất lâu rồi anh đã không còn được gọi hai tiếng Cha Mẹ nữa. Cha mẹ anh đã mất khi anh đang còn ở trong lao tù đế quốc. Năm 1935, lúc mười lăm tuổi anh đã tham gia cách mạng, làm liên lạc cho các chú ở tỉnh ủy Quảng Trị - quê anh. Và sau đó anh hoạt động ở khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị trở vào Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Hơn mười năm hoạt động bí mật từ 1935 đến 1945 anh đã bị địch bắt tù đày và bị kết án hai án tù với ba mươi tám năm khổ sai bị giam ở nhà lao Quảng Trị, Hỏa Lò và bị đày đi Côn Đảo. Trong các nhà tù của thực dân, đế quốc, dù bị chúng tra tấn vô cùng dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, một lòng trung trinh với cách mạng, không hé răng khai báo nửa lời. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Cách mạng đã cho hàng chục chiếc tàu ra Côn Đảo đưa hơn hai ngàn tù chính trị trong đó có anh trở về đất liền. Rồi anh lại tiếp tục đi vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ và cơ hội xây dựng gia đình đến với anh rất ít. Cho đến bây giờ khi đóng quân ở vùng tự do này anh mới được tự do đến với chị...

Mãi sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, anh có lệnh chuyển quân ra Bắc, và chị cũng tập kết ra miền Bắc, cho đến khi đã có mấy mặt con rồi anh mới "tiết lộ" cho chị biết rằng: lúc tìm hiểu chị, anh phải báo cáo lên Khu ủy. Và Khu ủy đã cử mấy đồng chí khác về công tác, đóng quân tại nhà chị một tháng, bí mật "tìm hiểu" cụ thể gia cảnh nhà chị. Khi tin tức báo cáo về Khu cho biết gia đình chị là gia đình cách mạng, cha mẹ đều là đảng viên, Khu mới đồng ý cho anh "tiếp tục yêu"...

Hơn một tháng sau khi khu ủy chính thức "đồng ý cho anh tiếp tục yêu", Tỉnh ủy Gia Lai và đơn vị mới quyết định tổ chức đám cưới cho anh chị. Đêm tân hôn chỉ có hai tiếng đồng hồ bên nhau. Rồi tờ mờ sáng hôm sau, cả hai - mỗi người một ngả hối hả cùng đi vào chiến dịch...

Cho mãi đến khi chiến thắng An Khê chị mới được các đồng chí trong Trung đoàn đưa lên Trung đoàn bộ đón anh cùng đồng đội thắng trận trở về. Ngày sau, chị còn vinh dự được cùng anh dự lễ mừng chiến thắng. Đêm đó nhân dân Kinh Thượng đốt đuốc sáng rực trời, không khí tưng bừng, tiếng cồng chiêng, tiếng ca hát rộn rã khắp núi rừng, thôn xóm...

. X.M

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hóa kiếp ô tô   (27/04/2004)
Quy Nhơn - Những không gian quán   (27/04/2004)
Mong mỏi chiếc roi…   (27/04/2004)
Rừng vẫn còn chảy máu  (27/04/2004)
Nghề sửa giày   (27/04/2004)
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông  (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)