Đề tài thương binh, liệt sĩ là một trong những đề tài trăn trở của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ông có cách nói giản dị những sâu sắc dễ đi vào lòng người với việc tìm tòi những giai điệu đậm đà phong vị dân tộc, khiến bài hát của ông nếu được vang lên sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm người nghe.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có nhiều bài hát về thương binh, liệt sĩ, trong đó có thể kể đến những bài hát nổi tiếng của ông như: Biết ơn Võ Thị sáu, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Anh thương binh về làng, Người thầy giáo thương binh, Bài hát Ngô Mây, Noi gương Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi, Hát về Lê Đình Chính, Những bông sen (Lê Thị Hồng Gấm)..
Nhạc sĩ nói, dân tộc ta giàu truyền thống ân nghĩa, uống nước luôn nhớ nguồn, sống luôn tôn trọng sự thủy chung, tử tế. Đảng và nhà nước ta cũng luôn chủ trương đề cao đạo lí sống đó, nên mới có ngày thương binh liệt sĩ, mới có nhiều chính sách cụ thể để đáp nghĩa đền ơn những người có công với cách mạng, với Tổ quốc. Những bài hát của nhạc sĩ ra đời trong những suy nghĩ đầy nghĩa tình như thế.
Trong số nhiều bài hát về đề tài thương binh, liệt sĩ thì 2 bài hát: Biết ơn Võ Thị Sáu và Nguyễn Văn Trỗi cả nước yêu thương là phổ biến nhiều hơn cả. Bài Biết ơn Võ Thị Sáu không ai là không biết.
Trả lời câu hỏi vì sao chị Võ Thị Sáu hi sinh trong kháng chiến chống Pháp mà mãi đến năm 1957 bài hát mới ra đời, thì nhạc sĩ trả lời rằng: "Khi chị Sáu hi sinh, cũng như bao người khác, tôi bận bịu với nhiều công việc của người chiến sĩ trong kháng chiến nên không dễ viết. Đến năm 1957 là thời điểm đất nước ta gặp nhiều thử thách khó khăn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Sau khi không thực hiện kế hoạch hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước theo quy định của hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam để triệt hạ trả thù những người tham gia kháng chiến cũ. Ban Tuyên huấn Trung ương ra chỉ thị tập trung tuyên truyền củng cố niềm tin cho nhân dân. Chủ trương của Ban lúc này là cần nêu gương anh hùng cụ thể, tránh hô hào chung chung. Lúc này tôi đọc được một cuốn sách nhỏ của nhà văn Phùng Quán viết về Võ Thị Sáu, tôi rất xúc động, cảm phục tấm gương anh dũng của một cô gái 16 tuổi. Hình tượng những bông hoa lê ki ma ở vùng quê đất đỏ của cô gái do Phùng Quán sáng tạo đã gợi ý chủ đề âm nhạc cho tôi. Và tôi bắt đầu bài hát bằng hình tượng ấy: Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở"….
Có thể nói bài hát về Võ Thị Sáu của nhạc sĩ là bài hát đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng của chúng ta viết thành công về người anh hùng cụ thể. Nhưng cũng thật dễ hiểu bởi đó là một người con gái còn quá trẻ đã có hành động yêu nước phi thường, dễ khiến người sáng tác có cảm xúc mạnh để viết nên một tác phẩm hay. Chị Sáu đã hy sinh rồi. Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống giục đi không bao giờ lùi…
Về trường hợp anh hùng Nguyễn Viết Xuân là một người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà chắc có nhiều người lính khác cũng có thể hành động như thế. Thế nhưng bài hát về liệt sĩ này cũng thật hay và xúc động. Lý giải về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cho rằng: "Đã là hi sinh vì Tổ Quốc thì hành vi nào trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cao cả và có ý nghĩa như nhau. Trường hợp về Nguyễn Viết Xuân cũng rất đặc biệt. Anh nguyên là sinh viên rời ghế giảng đường vào lính cao xạ trở thành khẩu đội trưởng. Anh là người mở đầu phương án tác chiến: nhằm thẳng vào đầu máy bay địch để bắn thay vì trước đó chúng ta vẫn bắn bằng cách đón thân. Cách bắn của Nguyễn Viết Xuân đòi hỏi người lính phải hết sức dũng cảm, thông minh, tính toán chính xác, nhưng hiệu quả lại rất cao. Cả nước ta hẳn ai cũng nhớ câu nói giản dị mà bất hủ của chàng khẩu đội trưởng ấy: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Anh đã hô vang để cả khẩu đội xiết cò. Máy bay địch bị hạ rất nhiều và cuối cùng anh đã anh dũng hi sinh ngay tại trận địa. Ngay sau khi trận đánh này kết thúc, tôi đã có mặt và chứng kiến mọi dư âm của trận thắng lớn. Và thế là bài hát Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương ra đời".
Nhạc sĩ chỉ viết về những anh hùng đã khuất mà không có bài hát nào nói về những anh hùng còn sống. Điều đó là theo chủ ý của nhạc sĩ. Sở dĩ như thế là có hai lí do. Thứ nhất, những người đã khuất về nghĩa đen, họ đã kết thúc. Nhưng nhạc sĩ lại muốn họ tiếp tục mở ra, không có cái tận cùng. Đời người là hữu hạn nhưng các anh hùng liệt sĩ là vô hạn. Có khi thời gian càng trôi đi lâu, công đức ân nghĩa của họ càng lớn, họ càng phát huy ảnh hưởng của mình đến hậu thế. Thứ hai, những người đang sống làm sao biết được diễn biến cuộc đời họ như thế nào. Hôm nay họ chói sáng, nhưng ngày mai họ không còn là họ nữa thì làm sao mà bài hát viết ra có đời sống được, do vậy mà, theo nhạc sĩ - đã không viết về một con người cụ thể nào. Ví như hai bài hát của nhạc sĩ cũng viết về thương binh là: Anh thương binh về làng, và Người thầy giáo thương binh vậy.
Nguyễn Đức Toàn đến với âm nhạc trong trường hợp: Năm ông 15 tuổi (1944), ông đã theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Một năm sau, ông tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội và năm 1946 lên đường đi kháng chiến. Cái sự bất ngờ chuyển hướng sang lĩnh vực âm nhạc của ông cũng là một điều lạ. Ông thật sự có năng khiếu âm nhạc từ ngày ấy. Mới 16 tuổi, cái tên Nguyễn Đức Toàn gắn với âm nhạc qua ca khúc Ca ngợi đời sống mới. Một dự báo, một khuynh hướng âm nhạc cách mạng cho một xã hội tương lai đã sớm định hướng một nhạc sĩ tài năng. Đó là việc ra đời hàng loạt ca khúc thích ứng với mỗi cuộc vận động phát triển của từng giai đoạn cách mạng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.
. Thùy Dung |