Với các môn nghệ thuật truyền thống như chèo, dân ca quan họ, dân ca Nghệ Tĩnh, chầu văn … Bác Hồ đều quan tâm và căn dặn anh chị em hoạt động nghệ thuật phải gắng gìn giữ, phát huy vốn quí của dân tộc. Riêng với tuồng, đặc biệt là tuồng Khu V, Bác càng dành tình cảm đặc biệt, bởi đó không chỉ là nghệ thuật mà còn là tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Năm 1954, khi được biết Đoàn tuồng Liên khu V đã tập kết ra Bắc, đang ở trong nhà của trường Mỹ Thuật (cạnh Nhà hát Nhân Dân), Bác cho gọi vào Phủ Chủ tịch để Bác thăm hỏi và biểu diễn cho Bác xem. Dạo ấy Đoàn đang có vở "Chị Ngộ" của tác giả Tống Phước Phổ diễn đã nhiều nên khá nhuyễn. Anh chị em vừa diễn vừa xúc động theo dõi Bác. Nhiều đoạn hay, Bác gật đầu hài lòng. Đến cảnh địch tra tấn đồng chí Tài, chi ủy viên, cán bộ xã đội, nét mặt Bác đượm buồn. Rồi Người đưa khăn lên chấm mắt.
Diễn xong, Bác lên sân khấu bắt tay từng người, ân cần thăm hỏi sức khỏe, chế độ ăn uống ra sao. Bác khen anh chị em diễn tốt và tỏ ý rất thích vở này. Nhưng Bác cũng dặn lần sau diễn vai "địch" tra tấn đồng chí ta thì nên nhẹ tay thôi, kẻo diễn viên đau. Sau đó, Bác cho mỗi người 8 kg gạo ngon gọi là để bồi dưỡng.
Mùa đông năm 1955, Đoàn rời xuống khu văn công Mai Dịch (Cầu Giấy). Tuy đã có thêm chăn và quần áo ấm nhưng anh chị em vẫn chưa quen được với cái lạnh xứ Bắc. Trong cơn gió mùa thổi từng cơn nhức buốt, anh chị em ngồi co ro trên giường, trùm chăn lên mà răng vẫn đánh lập cập.
Bỗng cửa mở. Một người mặc bộ ka ki đã cũ, tấm khăn bông che gần kín mặt đột ngột vào phòng. Người ấy đến bên ông Văn Bá Anh, một nhạc công của đoàn, hỏi:
- Các đồng chí văn công Khu V có lạnh không?
Ông Anh vừa run vừa trả lời:
- Lạnh quá trời ông à. Tụi tôi hết chịu nổi. Ăn xong không muốn rửa chén đũa nữa.
Ông khách gật gật đầu rồi đi xuống bếp xem xét. Xong lại vào cả nhà tiêu, bể nước. Rồi cũng chẳng ai biết ông khách đi bao giờ, đi lối nào. Một lúc sau mới thấy đồng chí trưởng đoàn báo cả đoàn chuẩn bị đón Bác Hồ đến thăm. Mọi người quên hết rét lạnh, tíu tít chuẩn bị. Nhưng chờ mãi chẳng thấy Bác đâu mà chỉ thấy ô tô chở thêm chăn, quần áo ấm đến cho mọi người. Mãi sau mới vỡ lẽ: Ông khách vào hỏi chuyện ông Văn Bá Anh và đi xem xét mọi nơi ấy chính là Bác Hồ kính yêu. Bác đến và đi đột ngột, chẳng ai kịp biết gì.
Năm 1957, đoàn nghệ sĩ tuồng Khu V gồm 5 người: Tám Danh, trưởng đoàn, Đinh Quả phó đoàn và các nghệ sĩ Đỗ Ngọc Liên, Nguyễn Phô, Văn Bá Anh được sang Liên Xô biểu diễn. Khi về có ghé qua Bắc Kinh. Lúc này, Bác Hồ và đoàn đại biểu Chính phủ ta đang thăm Trung Quốc. Nghe tin có tuồng Khu V ghé, Bác mời đến Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh để gặp gỡ. Bác hỏi thăm:
- Các cô các chú đi biểu diễn tuồng ở Liên Xô có tốt không? Bạn có thích, có hiểu tuồng ta không?
Nghệ sĩ Đinh Quả thưa:
- Thưa Bác, bạn hiểu và thích lắm ạ. Đi đến đâu, đoàn chúng cháu cũng được bạn hoan hô nhiệt liệt ạ.
Bác gật đầu:
- Thế thì các chú biểu diễn cho Bác và mọi người xem đi!
- Thưa Bác! Vì chúng cháu ghé đây thời gian ngắn, nên đạo cụ còn để cả trên máy bay ạ.
- Không có đạo cụ thì biểu diễn "chay" vậy, có được không?
Thế là mấy nghệ sĩ hào hứng biểu diễn để Bác xem. Ông Đinh Quả đánh trống. Ông Văn Bá Anh thổi kèn. Mấy người kia thì kéo nhị, đánh mõ, não bạt, thanh la… Tất nhiên là bằng… miệng.
Xem mấy nghệ sĩ biểu diễn, mọi người không nhịn được cười. Bác Hồ rất vui. Ông Tám Danh còn hát thêm bài "Lý ngựa ô" dân ca Nam Bộ nữa. Bác rất hài lòng, lấy túi kẹo chia cho mỗi người mấy cái. Riêng ông Tám Danh được thêm một kẹo nữa. Thấy Bác hiền từ vui vẻ nên ông Văn Bá Anh mạnh dạn hỏi:
- Thưa Bác! Sao anh Tám Danh được hơn một kẹo ạ?
Bác cười:
- Chú không nên ghen tị. Cái kẹo ấy là thưởng cho con ngựa ô của chú Tám đấy.
Câu nói vui của Bác khiến mọi người thêm thoải mái, gần gũi.
Năm 1958, khi phái đoàn Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Nê-ru dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta, các nghệ sĩ Ái Liên, Ngọc Dậu, Song Kim, Đinh Quả được chọn vào biểu diễn phục vụ khách.
Trước khi biểu diễn, Bác cho mời anh chị em nghệ sĩ vào Phủ Chủ tịch ăn cơm. Vừa ăn, Bác vừa kể chuyện rất vui. Rồi Bác căn dặn, đại ý: Phải diễn cho hay, cho đẹp, cho gọn. Chỗ nào rườm rà thì cắt bỏ, vì đã dài là dễ dở. Cố gắng chọn tiết mục ngắn gọn, cô đúc nhưng phải thật nghệ thuật cho khách xem.
Ông Đinh Quả biểu diễn nhạc võ Tây Sơn 12 trống rất điêu luyện, nhuần nhuyễn. Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các vị khách quí Ấn Độ tỏ vẻ rất thích thú tiết mục này, nên nghệ sĩ Đinh Quả càng diễn càng hay. Nhưng thật bất ngờ, không hiểu do xúc động hay do mồ hôi trơn mà khi nghệ sĩ vung dùi gõ mạnh lên mặt trống thì một chiếc dùi văng ra, tung lên cao.
Nghệ sĩ đang toát mồ hôi vì lo hỏng tiết mục thì may sao, chiếc dùi ấy rơi xuống ngay trước mặt. Nhanh mắt nhanh tay, ông Đinh Quả tóm ngay chiếc dùi và gõ liên hồi lên mặt trống. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Nghệ sĩ hoàn hồn, bình tĩnh biểu diễn trọn tiết mục. Sau buổi biểu diễn ấy, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất hài lòng, bởi các vị khánh quý Ấn Độ rất thán phục tài nghệ biểu diễn của nghệ sĩ ta, đặc biệt là tiết mục 12 trống.
Ngày mới tập kết ra Bắc, nhiều anh chị em đoàn tuồng Khu V chán nản muốn giải nghệ vì thấy không mấy người hiểu tuồng, thích tuồng. Nhưng qua những lần được gặp Bác, được Bác cho vào biểu diễn phục vụ khách quốc tế, càng thấy Bác quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Bất cứ đón một đoàn khách Chính phủ các nước bạn bè nào, Người cũng cho đoàn tuồng Khu V vào biểu diễn và thường là vở "Hai Bà Trưng khởi nghĩa", kết thúc ở đoạn "Hai Bà đề cờ". Bác giới thiệu cặn kẽ với khách: Đây là nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Bác cũng ân cần căn dặn các nghệ sĩ tuồng, đại ý: Tuồng là vốn quý của cha ông. Các nghệ sĩ phải chăm lo gìn giữ và phát triển vốn quý ấy. Nhưng hãy cẩn thận, chớ có "gieo vừng ra ngô"…
Lời dạy của Bác Hồ thấm sâu vào tâm khảm các nghệ sĩ đoàn tuồng Khu V, nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn.
. Nguyễn Văn Chương |