Nhơn Lý bình yên
7:5', 31/12/ 2007 (GMT+7)

Sau “biến cố ngày 6.9”, người dân ở xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đã nhìn rõ mình hơn. Biển Nhơn Lý như xanh hơn và cuộc sống bình yên đang trở lại…

 

Khu dân cư mới “Khu Tây” đang định hình với nhiều ngôi nhà cao tầng đã được xây dựng.

 

* Phơi phới tương lai

Con đường trục Nhơn Hội - Nhơn Lý rộng thênh thang, đưa chúng tôi bon bon về Nhơn Lý - xã bán đảo lớn nhất trong vùng bán đảo Phương Mai. Khu trung tâm xã đang thay đổi từng ngày với những con đường dọc ngang bàn cờ mới mở, những ngôi nhà cao tầng sơn xanh, sơn tím… mọc lên sau những đợt đấu giá đất. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chỉ riêng năm nay, đã có vài đợt đấu giá đất. Đợt mới nhất vừa diễn ra khoảng 1 tháng trước, xã đấu được 20 lô, lô có giá thấp nhất 99 triệu đồng, lô cao nhất được 159 triệu đồng…”.

Từ khi cầu Thị Nại rục rịch thi công, đất đai ở Nhơn Lý bỗng trở nên có giá. Từ nguồn lợi này, xã đã quy hoạch nhiều khu dân cư mới, thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”, nhờ đó, bộ mặt Nhơn Lý đã ngày một khang trang hơn. Rồi cầu thông, đường thoáng, khoảng cách giữa bán đảo trùng trùng sóng gió với nội đô TP Quy Nhơn đã trở nên rất gần. “Trước đây, để xây dựng nhà, dân đảo phải chịu chi phí vận chuyển nguyên vật liệu gần một nửa giá trị ngôi nhà. Bây giờ, đường sá được thông thương, giao thông thuận lợi, chỉ cần vài trăm triệu là chúng tôi có thể làm được nhà đẹp rồi!”- chủ một ngôi nhà 2 tầng đang xây dựng gần khu trung tâm xã kể chuyện.

Từ nguồn đấu giá đất, Nhơn Lý đã cho xây dựng được các con đường nội bộ ở khu Tây, nối liền với các khu tái định cư ở thôn Lý Hòa, thôn Lý Hưng. Ông Đức cho biết: “Xã quy hoạch các khu tái định cư để giải quyết đất cho những hộ nghèo, những hộ có nhà sát mép biển có nguy cơ bị sóng cuốn trôi… Trong lúc đất đai lên giá như bây giờ, nếu không lo cho người nghèo và những hộ chính sách, một bộ phận nhân dân khó mà mua đất, dựng nhà được…”.

Đường Hưng Lương - Xương Lý (con đường trục như chiếc đòn gánh, nối liền 4 khu dân cư của xã) đang được bó vỉa; một sân vận động lớn phục vụ các hoạt động thể dục thể thao của nhân dân cũng đã hoàn thành… Bằng nguồn vốn chương trình đầu tư cho các xã bãi ngang của Chính phủ, Nhơn Lý đang được thi công Bờ bao Dốc Cá Xương Lý tại thôn Lý Hòa, Lý Chánh để hạn chế triều cường xâm thực, hàng năm vẫn “ăn” vào đất liền, kéo theo sự đổ sập của hàng loạt nhà dân ven bờ biển.

Chúng tôi xuống Dốc Cá, công trình bờ bao đang được thi công. Có đến vài chục người dân - trẻ, già, lớn, bé đang ngồi tại đây để “giám sát” công trình. Ông Nguyễn Kim Hiệp, 60 tuổi ở thôn Lý Hòa, vui mừng nói: “Mấy năm trước, cứ mỗi khi triều cường là một lớp nhà của dân ven biển phải ra đi… Dân đã không an cư, thật khó lạc nghiệp. Nhà nước cho xây dựng công trình này thật hợp với lòng dân…”.

Cùng với sự hình thành Khu Kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai, sự đầu tư của nhà nước cho Nhơn Lý đang ngày một nhiều hơn. 100% đường thôn, xóm được bê tông hóa; 100% số hộ được dùng nước sạch… Nếp sống văn minh của cư dân đô thị cũng đang dần hình thành và “xâm nhập” vào đời sống của cư dân xã đảo vốn cách biệt với nội thành bởi trình độ dân trí và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần còn thấp, do những cách trở về địa lý quá lâu. Khoảng cách ấy đang được kéo lại gần nhờ sự nối liền của cây cầu Thị Nại. Sự thay đổi giữa hai lần công tác về Nhơn Lý mà chúng tôi đã dễ dàng nhận thấy  là tình trạng vệ sinh môi trường ở đây đã được cải thiện nhiều hơn. Người dân đã quen với việc trả tiền để công nhân vệ sinh đi thu gom rác thải thay vì ném rác ra những khu đất công cộng hay trút “vô tư” xuống biển…

 

Bờ bao Dốc Cá Xương Lý đang được thi công sẽ tạo nên một bến cá văn minh, sạch đẹp và giúp cho nhiều hộ dân ven biển thoát khỏi nguy cơ nhà sập khi triều cường.

 

* Vẫn còn những lo âu trước mắt

Chúng tôi ghé vào thôn Lý Lương - thôn được tiếng là giàu nhất xã. Đây cũng là thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp thành phố. Quả thật, khó ai có thể nhận ra đây là một thôn “làng biển” nếu không nhìn thấy những cây phong ba (dân đảo quen gọi là cây tra) vừng chãi, lá xòe to, nhánh vươn ra che chở những mái nhà dân và những con hẻm bê tông nhỏ nhắn, ngoằn ngoèo bao quanh những ngôi nhà sin sít nhau.

Đang mùa đi biển nhưng trai tráng trong thôn vẫn còn tụ tập uống cà phê, đánh bài giải trí khá đông. Không khí của một mùa “biển lặng” bao trùm lên khuôn mặt đang ưu tư của mỗi người. Anh Nguyễn Đình Xuân, Phó trưởng thôn Lý Lương, cũng là một ngư dân, buồn rầu nói: “Những năm gần đây, biển Nhơn Lý luôn mất mùa. Cá tôm thì cạn kiệt, trong khi đó giá dầu lại tăng cao. Ngay trong mùa đánh bắt tôm hùm giống năm nay, mỗi đêm ra khơi, tàu nào có trúng cũng chỉ được 5- 6 con, giá tôm cũng chỉ còn 1/3 so với lúc trước… Trước đây, dân biển có khái niệm “mùa đông hẹn nợ” (cả năm vay nợ để trang trải cuộc sống, chờ đến mùa đánh bắt tôm hùm, lãi lớn, sẽ trả được nợ). Nhưng với mùa tôm năm nay, ngư dân đang thất vọng, sợ không đủ tiền sắm Tết…”.

Làng ven biển, nhưng tâm lý không thích làm nghề biển của lớp thanh niên mới lớn đang có xu hướng lây lan tại đây. Anh Xuân cho biết: “Bây giờ, nhiều ngư dân đang muốn bỏ biển lên bờ. Tui cũng đang tính sang ghe lại cho người khác, lấy lại chút vốn cho vợ ra chợ mở hàng bán tạp hóa…”.

Thôn Lý Lương được tiếng là giàu với nhiều nhà cao tầng. Nhưng giàu chủ yếu là nhờ sự chi viện của thân nhân ở nước ngoài nên thiếu tính bền vững. Nội lực tự thân của người dân như dần yếu đi bởi tâm lý ỷ lại. Anh Xuân trăn trở: “Khu Kinh tế Nhơn Hội đang hình thành. Chúng tôi rất mong nhà nước sớm triển khai các chương trình dạy nghề, tạo công ăn việc làm mới cho người dân bán đảo, nhất là phụ nữ. Phần lớn phụ nữ ở Nhơn Lý đang thất nghiệp, chưa có công ăn việc làm ổn định. Hơn 1/2 số lao động nữ đang phải bỏ quê hương, nhà cửa đi làm ăn xa. Họ rất mong được trở về lao động tại các nhà máy, xí nghiệp ngay chính địa phương mình…”.

 

Thế hệ tương lai của Nhơn Lý sẽ được quan tâm nhiều hơn để tạo “nền móng” cho ngày mai.

 

* Không để cho con mình phải dốt

Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã tỏ ra xót xa trước “sự kiện ngày 6.9” vừa qua. Xã anh hùng mà để xảy ra “việc lớn” như thế thật là đáng tiếc… Thế nhưng, sau cái biến cố đó, người dân Nhơn Lý như hiểu rõ mình hơn. Họ đã tự “bắt mạch” được những cái chưa ổn trong con người mình và đời sống cộng đồng. Trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế… cộng vào là cái tật “ăn sóng nói gió” - lúc nào cũng ào ào lên như sóng cuộn - nên chưa đủ bình tâm để phân biệt đúng - sai. Ông Long cho biết: “Bây giờ thì dân đã nhận thức về pháp luật tốt hơn. Chưa lúc nào, tình hình an ninh, trật tự, trị an trong các thôn, xóm lại bình yên như lúc này…”. Chị Nguyễn Thị Thừa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cũng thừa nhận: “Chị em tham gia sinh hoạt phụ nữ đông đủ hơn, chấp hành chủ trương, chính sách tốt hơn. Tình làng, nghĩa xóm ngày càng được vun vén, nảy nở…”.

Qua “biến cố ngày 6.9”, cán bộ chính quyền và người dân trong xã cũng đã rút ra được bài học “xương máu” - cần phải củng cố hệ thống chính trị; xây dựng tổ an ninh nhân dân và lực lượng hội viên nòng cốt trong các mặt trận, đoàn thể vững mạnh và đặc biệt, phải quan tâm đầu tư cho giáo dục, động viên nhân dân chăm lo cho việc học chữ, học nghề cho con em; nâng cao dân trí và hiểu biết pháp luật cho dân…

Chúng tôi ghé thăm trường THCS của xã. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Chánh Uyên tỏ ra vui mừng vì tình hình học sinh bỏ học có chiều hướng giảm… Nhơn Lý hiện tại chỉ có trường tiểu học và THCS. Để được học tiếp lên bậc THPT, người dân phải cho con vào nội thành ở trọ, đi học rất tốn kém. Thế nhưng, bây giờ, nhà nào có con học “được” cũng đều cố gắng đầu tư cho con vào nội thành tiếp tục học sau khi tốt nghiệp THCS.

Tại phòng làm việc của Hội phụ nữ xã, chị Thừa cho biết, chị vừa làm thủ tục cho 71 sinh viên ở Nhơn Lý được vay vốn ưu đãi 350 triệu đồng để hỗ trợ học tập theo chủ trương của Chính phủ. Người dân Nhơn Lý bây giờ đã nhận thức rất cao về việc học. Tôi đã được nghe kể về các gia đình ông, bà Mai Thị Quyến, Trần Thị Phúc (thôn Lý Hưng), Nguyễn Thị Kim Nguyệt (thôn Lý Lương)… đã biết vượt khổ, vượt khó để nuôi nhiều người con học lên cao đẳng, đại học.

Tại Dốc Cá thôn Lý Hòa - Lý Chánh, tôi cũng đã gặp ông Trần Hải, 55 tuổi, có 2 con trai - một đã tốt nghiệp đại học xây dựng, một đang học đại học bách khoa; một con gái đang học lớp 11 trong nội thành. Ông Hải kể: “Mỗi tháng, chỉ riêng tiền ăn, thuê nhà trọ của con gái đang học trong nội thành đã tốn khoảng 600 ngàn đồng rồi… trong khi nghề nghiệp của tui không ổn định. Nhưng trước tương lai tốt đẹp, cơ hội đổi đời đang mở ra và lớn dậy ngay tại quê hương, tui không thể để cho con mình dốt được”.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)