Trong nhiều năm trở lại đây, cũng như tình hình chung cả nước, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) ở tỉnh ta thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi (NCN). PV Báo Bình Định đã gặp gỡ, trao đổi với ông Nguyễn Văn Quốc về công việc thường ngày của ông cùng các cộng sự, và những trăn trở trong công tác phòng chống dịch bệnh GSGC.
|
Ông Nguyễn Văn Quốc (thứ 2 từ phải qua) đang kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi vịt ở xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Ảnh: N. Hân
|
Một hình ảnh khá quen thuộc đối với NCN trong tỉnh là những cán bộ thú y cần mẫn, luôn gắn bó với NCN. Họ thường xuyên có mặt từ thành phố cho đến các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh để vừa vận động, tuyên truyền, vừa trực tiếp cùng với NCN thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh GSGC. Họ bất chấp gian khổ, nguy hiểm, sẵn sàng có mặt tại các ổ dịch để kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đó là một công việc âm thầm, lặng lẽ, nhưng gắn liền với lợi ích của NCN và rất quan trọng đối với việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Trong số những người đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi ở tỉnh ta, có ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y thuộc Sở NN-PTNT tỉnh.
Trong suốt thời gian công tác, ông luôn có mặt kịp thời ở các điểm nóng dịch bệnh GSGC để chỉ đạo công tác bao vây, dập tắt các ổ dịch. Đối với nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi ở tỉnh ta, từ lâu ông Quốc là người bạn khá thân thiết.
Trong thời điểm cuối tháng Giêng âm lịch này, khi mà tình hình tái phát dịch cúm gia cầm (DCGC) đang nóng dần lên ở một số địa phương trong nước, chúng tôi phải hẹn đến mấy lần mới gặp được ông Quốc, bởi ông luôn gắn với những đợt công tác ở các địa phương trong tỉnh để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn NCN đề cao cảnh giác với loại dịch bệnh rất nguy hiểm này. Qua những đợt cùng đi công tác với ông Quốc, chứng kiến ông sốt sắng lao vào công việc; và qua trò chuyện, tâm tình, chúng tôi hiểu rằng ông luôn đồng cảm với nỗi niềm của NCN trong tình hình dịch bệnh GSGC luôn thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây.
* Những lần ông trực tiếp tham gia chống dịch, nhất là đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm như DCGC, ông và các cộng sự có cảm thấy sợ ?
- Thực tế thì khi tham gia phòng chống dịch bệnh thì những nguy hiểm, rủi ro đối với các cán bộ thú y là rất cao. Tuy nhiên, không vì sợ nguy hiểm mà chúng tôi tránh né, thoái thác trách nhiệm, hoặc đứng ở xa mà hướng dẫn người dân phòng chống dịch. Ngược lại, cán bộ thú y phải là người đi đầu, chủ công trong công tác phòng chống dịch bệnh GSGC.
Còn nhớ trong đợt DCGC xảy ra ở tỉnh ta năm 2004, tôi cùng tổ chống dịch của Chi cục Thú y phải “lăn lộn” hàng tháng trời phối hợp với chính quyền các địa phương xảy ra dịch để bao vây, dập tắt dịch. Sau khi xong việc, nhiều lúc nghĩ lại thấy rùng mình, chẳng may trong lúc làm nhiệm vụ nhiễm phải vi-rút “cúm” thì nguy. Nhưng đã chọn nghề thú y thì phải chấp nhận dấn thân, chấp nhận mọi gian khổ, nguy hiểm để hoàn thành tốt công việc được giao. Hơn nữa, có thể nói niềm vui và hạnh phúc cũng như mong muốn của người cán bộ thú y là đàn GSGC luôn được bảo vệ tốt, an toàn dịch bệnh, người dân có thu nhập cao từ việc chăn nuôi.
* Chúng tôi được biết là trong đợt DCGC năm 2004, nhiều lần tham gia tiêu hủy gia cầm bị bệnh, lực lượng thú y đã bị một số người chăn nuôi cản trở. Những lúc đó, ông phải làm gì để người dân hiểu và đồng tình?
- Chúng tôi tâm niệm rằng, người cán bộ thú y không chỉ phải giỏi chuyên môn mà còn phải có khả năng vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh GSGC. Người cán bộ thú y phải luôn luôn gần dân, đồng cảm với dân, giải thích cặn kẽ những mối nguy từ dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh có thể lây truyền sang người.
Ở một số địa phương, có một số hộ chăn nuôi lúc đầu chưa hiểu hết những nguy cơ đến từ DCGC, bà con “xót của” vì đàn gia cầm có khi là cả gia tài của mình, nên đã có thái độ chống đối, phản ứng lực lượng thú y đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên khi đã nghe giải thích tường tận mọi lẽ thì bà con chấp hành và phối hợp rất tốt với chúng tôi.
* Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của NCN ở tỉnh ta về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC?
- Chúng tôi xác định rằng, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn GSGC, bên cạnh việc ngành chức năng phải thực hiện tốt công tác chuyên môn của mình, thì cần phải thay đổi nhận thức của người chăn nuôi. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp đến NCN của ngành Thú y, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng góp phần rất tích cực. Nhờ đó, đa số NCN ở tỉnh ta đã hiểu được tác hại của dịch bệnh GSGC. Tuy nhiên, NCN ở tỉnh ta, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn có tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong gia đình, gắn liền với việc phòng chống dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức của các hộ chăn nuôi theo kiểu này, chính là điều kiện để tái phát dịch bệnh.
* Hiện nay, DCGC trên địa bàn toàn quốc đang có dấu hiệu bùng phát và lan rộng, ở tỉnh ta việc triển khai phòng chống dịch được thực hiện như thế nào?
- Mặc dù trên địa bàn toàn quốc DCGC đang có dấu hiệu bùng phát, nhưng trên địa bàn tỉnh ta dịch đang được khống chế rất tốt. Ngành Thú y tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần cảnh giác cao. Ngoài việc thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, lực lượng thú y đã thường xuyên tiến hành tiêu độc sát trùng tại các ổ dịch cũ, các trang trại, gia trại chăn nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với các hội-đoàn thể và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch đến từng người dân. Qua đó đã nâng cao một bước ý thức của người dân về các biện pháp phòng chống DCGC. Lực lượng thú y cũng đã triển khai khá tốt việc tiêm phòng cho đàn gia cầm, thủy cầm…
* Việc chăn nuôi vịt chạy đồng và ấp nở thủy cầm không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh ở một số địa phương vẫn còn xảy ra, vì sao chưa khắc phục được tình trạng này?
- Do tình hình DCGC được khống chế, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, thủy cầm, trứng gia cầm tăng mạnh trong thời gian khá dài đã tạo tâm lý chủ quan ở một số hộ chăn nuôi và các cơ sở ấp nở giống thủy cầm. Ngành Thú y cũng đã nắm bắt được vấn đề này, và đã phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập các tổ, đội kiểm tra, thường xuyên giám sát việc chăn nuôi vịt thả đồng và ấp nở vịt giống để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, thực tế là ngành chức năng không thể quản lý hết. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát và có biện pháp xử lý kiên quyết hơn đối với các trường hợp vi phạm…
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 4 (TP Hồ Chí Minh), năm 1988, ông Nguyễn Văn Quốc về công tác ở Công ty Chăn nuôi An Nhơn, sau đó chuyển sang làm Trạm trưởng Trạm Thú y An Nhơn. Năm 2000, ông được ngành Nông nghiệp bổ nhiệm vào chức Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh. |
* Theo ông, còn có “khoảng trống” nào đáng lo ngại trong công tác phòng chống DCGC ở tỉnh ta?
- Điều đáng lo ngại nhất trong công tác phòng chống DCGC ở tỉnh ta hiện nay là ý thức của người dân vẫn chưa tốt, còn tâm lý chủ quan. Tại một số địa phương, mặc dù được ngành chức năng liên tục cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh xảy ra nhưng nhiều hộ gia đình vẫn lén lút chăn nuôi tái đàn. Tại các chợ, việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống vẫn còn, khi lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra thì có giảm nhưng khi hết kiểm tra thì lại đâu vào đó.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống lò giết mổ gia súc tập trung mặc dù được các cấp, các ngành rất quan tâm nhưng khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ buôn bán gia súc vì lợi ích nhỏ trước mắt mà không chấp hành những quy định của ngành, gây tình trạng lộn xộn trong việc giết mổ, làm lây lan mầm bệnh khó kiểm soát.
* Ông nghĩ gì về việc chăn nuôi bền vững, thưa ông?
- Về lâu dài, để phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, ngành Thú y tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức quy hoạch, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh, có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật và lực lượng thú y, hướng dẫn NCN thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống, không an toàn dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm phòng, không để dịch bệnh tái phát…
* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
|