Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất
8:27', 19/1/ 2008 (GMT+7)

25 năm qua, chị Nguyễn Thị Thiện - cán bộ làm công tác thương binh - xã hội của xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) - vẫn đi đi, về về với các “anh em”- những người đã “yên giấc ngàn thu” tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Mỹ. Những đồng đội đã hy sinh cho chị và nhân dân được sống, được hưởng thành quả của hòa bình ngày hôm nay đã nhận về phần mình những thiệt thòi quá lớn. Và, chị- những người còn sống- vẫn tâm niệm, phải luôn có trách nhiệm bù đắp một phần nào đó, những mất mát, hy sinh cho người đã khuất.

 

Dù bận rộn, chị Thiện vẫn thường xuyên ghé thăm những gia đình liệt sĩ neo đơn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng không còn nơi nương tựa. Ảnh: Q.H

 

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Mỹ nằm lặng lẽ, trang nghiêm gần khu trung tâm xã. Hôm nay không phải là ngày lễ, nên người đến viếng nghĩa trang không nhiều, nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi hương khói ấm áp ở đâu đây. Chị Thiện dẫn tôi vào nghĩa trang, tranh thủ nhổ mấy nhánh cỏ mọc trên mộ phần liệt sĩ và giới thiệu cho tôi Nhà bia ghi tên 419 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang. “Công trình này vừa được tỉnh cho kinh phí 150 triệu đồng xây dựng trong dịp 27.7 vừa qua đấy. Xã nghèo, nên nghĩa trang chưa thật khang trang. Nhưng, tôi luôn ước ao, nơi đây sẽ là một công trình văn hóa quy mô, thu hút được sự quan tâm của toàn dân trong xã”.

* Để hình thành nên nghĩa trang này, công đầu thuộc về chị. Chị đã cùng đồng đội đi tìm và quy tập được gần 200 mộ liệt sĩ về nghĩa trang?

- Tôi nhập ngũ năm 1972 và công tác tại Huyện đội Hoài Nhơn. Là lính huyện đội nên tôi biết nhiều anh em hoạt động ở vùng này đã hy sinh trong những trường hợp nào. Năm 1979, huyện xây dựng nghĩa trang ở trên đồi cao. “Anh em” mình đưa lên đó rất khó khăn. Hơn nữa, ngày lễ, ngày Tết, bà con muốn lên thắp nhang cho người đã khuất cũng ngại độ dốc cao nên còn ít quan tâm. Tôi đã tham mưu với chính quyền và đảng ủy, quy tập nghĩa trang về vị trí như bây giờ (gần trung tâm xã).

Để hoàn thành nghĩa trang mới, chúng tôi đã tổ chức bốc mộ liệt sĩ từ nghĩa trang cũ về và tiếp tục quy tập “liệt sĩ” còn rải rác ở khắp nơi. Bên cạnh những hài cốt liệt sĩ mà tôi và những người từng chiến đấu ở địa bàn này còn sống, quy tập về, chúng tôi đã thông báo cho dân, ai phát hiện ra mộ ở đâu là báo ngay cho thương binh- xã hội xã để tiến hành xác minh danh tánh và quy tập về nghĩa trang. Thời gian đó, tôi lúc nào cũng sẵn sàng. Ở đâu có mộ là đi liền…

Liệt sĩ người địa phương (Hoài Mỹ) có 231 người; liệt sĩ có tên không rõ địa chỉ: 29 người; liệt sĩ chưa biết tên: 94 người. Liệt sĩ ở các xã trong huyện như Hoài Tân có 2, Hoài Thanh có 2, Hoài Hảo: 1; liệt sĩ ở ngoài tỉnh: 44 người… Chị Thiện đọc vách vách nhiều tên liệt sĩ và thuộc từng vị trí của những ngôi mộ. Anh nào, quê quán ở đâu, được đưa vào nghĩa trang như thế nào. Chị không sao quên được!

* Chị cũng đã suýt “mất mạng” vì công việc quy tập mộ liệt sĩ thì phải?

- Những năm 1977-1978, công việc tìm mộ còn khá phức tạp. Lần đó, chúng tôi tổ chức đi bốc mộ ở trên núi cao. Nơi bốc mộ nguyên là trạm phẫu của Huyện đội Hoài Nhơn. Trong chiến tranh, trạm phẫu nguyên chỉ là những căn hầm bí mật, miệng nhỏ, nhiều ngách… địch đã thả lựu đạn xuống… cả 16 anh em của ta trong đó đều đã hy sinh. Vị trí của hầm bí mật thì chỉ những người trong cuộc mới biết… Chúng tôi đã phải bốc 2 lần. Một hầm, đưa lên được 4 “anh”; một hầm có 6 “anh”, được đưa lên, có đầy đủ cả quần áo, giày dép...

Chị Châu (người cùng đơn vị, còn sống sót) đã xác định tên của mỗi người rồi bỏ cốt vào quách của người đó. Một người ở trong đội đùa trêu: “Ai còn thiếu (bộ phận nào của hài cốt) về “kêu” chị Thiện nghe!”. Không duy tâm đâu, nhưng 3 ngày sau, tôi bị đau đầu, tức ngực dữ dội, mắt sưng húp mở không ra, rồi nằm mọp giường không sao dậy nổi… Y tá xã tới tiêm thuốc 3 ngày không bớt. Tôi được đưa xuống bệnh viện huyện điều trị, một tuần sau mới khỏi. Sau đợt ấy, ai cũng nghĩ là tôi “tởn” đến già, không dám đi nữa. Thế nhưng, có người báo trên núi có mộ, chưa đi được, tôi cứ thấy bồn chồn trong lòng. Vậy là lại tiếp tục lên đường…

Từ 1995 đến nay, tôi đã quy tập 97 mộ liệt sĩ còn rải rác khắp nơi vào nghĩa trang. Tham mưu cho lãnh đạo xã xây dựng mộ phần, ốp bia… cho các liệt sĩ được “mồ yên, mả đẹp”. Ngày lễ, Tết, đoàn thanh niên và học sinh các trường học trong xã thường xuyên tảo mộ, chăm sóc nghĩa trang, tạo dựng khuôn viên uy nghiêm, sạch đẹp cho người đã khuất. Đến giờ này, tôi cũng thỏa nguyện vì đã tìm kiếm, quy tập hết liệt sĩ về nghĩa trang. Không thiếu một ai!

Xã Hoài Mỹ có 874 hộ chính sách, chiếm 28,4% số hộ trong xã. Trong đó, có 669 liệt sĩ, 539 gia đình liệt sĩ; 64 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 408 thương binh, 71 bệnh binh, 123 người có công cách mạng… Việc xác định đối tượng, quản lý hồ sơ đến chi trả chế độ hàng tháng cho người có công với nước luôn ngồn ngộn đối với một cán bộ thương binh xã hội “chân yếu, tay mềm” như chị Thiện. Chỉ riêng mỗi tháng, chi trả trợ cấp cho hàng ngàn đối tượng với số tiền lên đến trên 400 triệu đồng… tưởng đã là quá sức đối với chị. Hôm chúng tôi đến tìm chị, do không liên lạc được trước nên đã phải chờ đến tận chiều. Chị đi chi trả trợ cấp cho các hộ chính sách ở thôn Lộ Diêu- một thôn ven biển còn khó khăn, cách trở của xã Hoài Mỹ mà muốn đến được đó, phải vượt qua một con đèo dài và dốc.

* Làm công tác lao động- thương binh- xã hội ở một địa phương có đối tượng chính sách chiếm hơn 1/4 số hộ dân trong xã, chị có thấy  quá vất vả không?

- Chi trả tiền trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng; xét chọn xây dựng nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo; quản lý các đối tượng nghèo, đối tượng bị chất độc hóa học, làm chế độ khen thưởng cho những người đã tham gia kháng chiến; rồi khi bão, lụt lại phải kiểm tra, xét cấp phát hàng cứu trợ… Mới đây, là thực hiện  điều tra mức sống của các hộ chính sách theo chủ trương chung của cả nước… Tôi đã phải làm suốt ngày, không rảnh. Làm công tác thương binh- xã hội với “trăm công, nghìn việc”, để làm tròn trách nhiệm được giao, quả không đơn giản.

Thế nhưng, vốn là một người lính, tôi luôn mang tác phong quân đội trong giải quyết và hoàn thành các công việc. Đã nhận việc là làm hết mình, làm dứt dạt. Bà con đem đơn đến, xem xét kỹ hồ sơ, việc nào nhiều thủ tục, làm chậm, tôi nói chậm, làm được nhanh, tôi nói nhanh, không để bà con phải đi lại nhiều lần vất vả lại mất thời gian…Nhờ vậy, mọi hồ sơ khen thưởng, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công tôi đều đã hoàn tất, gởi về huyện, không để tồn đọng. Trong mấy đợt nước lũ vừa qua, thôn nào có người chết hay bị thiệt hại nặng, tôi cũng đã đến ngay để tìm hiểu và báo cáo lên trên, mong có thể giúp được gì cho thân nhân người chết…

Chị Thiện vẫn luôn mong mỏi Nghĩa trang  liệt sĩ xã sẽ ngày một khang trang hơn. Ảnh: Q.H

Chị Nguyễn Thị Thiện, sinh năm 1953, là bộ đội phục viên, thương binh, cán bộ thương binh - xã hội xã Hoài Mỹ. Chị đã nhiều năm liên tục được UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen về làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ xã, phường; nhiều lần được đi báo cáo điển hình- tiêu biểu, năm 2006, chị được cử đi báo cáo điển hình tại Hội nghị biểu dương những tập thể và cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức.

Chị thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người già… - những thành phần còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến nỗi, khi họ vừa bước vào cổng UBND, nhiều cán bộ xã đã nói ngay: Khách của chị Thiện kìa!

* Trong giải quyết công việc, chị đã khi nào bị bà con phiền hà, trách móc gì không?

Tôi nghĩ, sơ suất thì không ai tránh khỏi. Chắc chắn có những lúc nào đó, nơi nào đó, bà con còn chưa hài lòng... Nói thật, trong số những đối tượng chính sách, có người còn mang tính “công thần”, họ nói ngang, nói ngược, nhiều lúc không chịu nổi. Nhưng cứ nghĩ đến những thiệt thòi, mất mát của họ trong chiến tranh, là tôi lại nín nhịn, lại cố gắng giải thích… Vừa rồi, có một chị thuộc diện hộ nghèo, được nhận “cứu trợ” nhưng bận không đi được, nhờ người khác đến nhận giùm. Nếu chỉ là hộ nghèo thì quà là 10 kg gạo; hộ nghèo nào có con đang đi học thì được nhận thêm 100.000 đồng tiền mặt nữa. Chị này, không có con đi học nhưng đã đến gặp tôi sừng sộ, nhất quyết đòi cho được 100.000 đồng. Tôi giải thích thế nào chị ấy cũng không chịu nghe…

Làm công tác xã hội, theo tôi, phải luôn khách quan, công bằng, công khai, không được úp úp, mở mở… Vừa rồi, dân Hoài Mỹ đã được nhận quà cứu trợ lũ lụt của Báo Tuổi Trẻ. Trong ngày giao nhận, còn 19 suất của bà con ở 2 thôn vùng sâu không đến được. Theo nguyên tắc, quà không đưa được đến tận tay người nhận phải chở về... Nhưng, thấy tôi làm mọi việc đều rõ ràng, minh bạch, nên các anh ở Báo Tuổi Trẻ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhất trí để quà lại. Mấy hôm sau, đối tượng đến nhận được quà, tôi cũng thấy bớt áy náy.

Do trình độ học vấn thấp, chị Thiện đã không được xếp vào ngạch lương công chức xã, phường nên không có lương hưu; hiện tại, chị chỉ được hưởng phụ cấp làm công tác thương binh- xã hội 400.000 đồng/tháng và 1 suất trợ cấp bệnh binh với tỉ lệ thương tật 61%, mỗi tháng thêm gần 800.000 đồng. Thế nhưng, chị lại cho rằng, mình có thiệt thòi một chút nhưng đã thấm tháp gì so với đồng đội đã hy sinh…

* Hình như chị  vẫn sống độc thân?

- Khao khát có đứa con để về già có nơi nương tựa, năm 38 tuổi, tôi đã làm đơn báo trước với chi bộ cơ quan về việc mình đã quyết định sinh một đứa con…  Thông cảm với hoàn cảnh của tôi nên không ai phản ứng gì, chứ vào thời đó, nhiều chị em rơi vào trường hợp như tôi đã bị kiểm điểm, phê bình dữ lắm... Nhờ đó, mà tôi đã có một cậu con trai ngoan. Hiện cháu đang học lớp 11. Tôi đã gởi con lên thị trấn Bồng Sơn để học. Đối với tôi, con cái được học hành thành đạt là mãn nguyện lắm rồi!

* Cảm ơn chị!

  • Quỳnh Hoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)