Trong dịp 8.3 năm nay, trên 200 nữ doanh nhân Bình Định đã có cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa để kỷ niệm 4 năm thành lập Câu lạc bộ nữ Doanh nhân: cùng nhau điểm lại những thành công trong sự nghiệp kinh doanh và những hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng... Trong “vườn hoa” lộng lẫy sắc màu ấy, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với một số nữ doanh nhân tiêu biểu.
|
Các nữ doanh nhân được Hội LHPN Việt Nam tặng danh hiệu Phụ nữ xuất sắc. Ảnh: Q.H
|
BÀ LÊ THỊ NGỌC BANG, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH PHƯỚC HƯNG:
“Chung lưng đấu cật” từ những ngày khởi nghiệp
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được thành lập ở Khu công nghiệp Phú Tài, Công ty TNHH Phước Hưng đã vươn lên thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong tỉnh với 2 nhà máy, thu hút hàng ngàn công nhân, doanh thu hàng năm ngày một tăng…
* Chị đã có vai trò như thế nào trong sự thành công của doanh nghiệp Phước Hưng?
- Công ty TNHH Phước Hưng thành lập đã 10 năm thì cũng từng ấy năm tôi “chung lưng đấu cật” gây dựng sự nghiệp cùng với ông xã. Trước tôi làm giám đốc xí nghiệp may trực thuộc Công ty XNK Bình Định. Quyết định nghỉ tôi cũng chẳng đắn đo gì vì để ông xã quản lý thì mình không yên tâm, chỉ về mặt tài chính thôi chứ ông xã tôi hiền khô à (cười). Đàn ông mà, họ không quản lý tốt được như mình, đâu thể tỉ mỉ cây kim sợi chỉ được như phụ nữ. Vả lại, tôi có nghiệp vụ về kế toán nên tự tin khi giúp chồng.
* Hai vợ chồng cùng quản lý ở công ty, tránh sao khỏi những lúc “chí lớn đụng nhau”. Vậy chị làm thế nào để dung hòa ý kiến của cả hai?
- Đúng là trong công việc làm ăn, vợ chồng cũng tranh luận dữ lắm vì như thiên hạ vẫn nói “chín người, mười ý” mà. Nhưng rồi cả hai cứ rút tỉa dần lại và đều thấy rằng hình như tôi có lý hơn. Và cuối cùng thì vẫn theo ý tôi nhiều hơn. Ngẫm lại, hình như ông trời cũng khéo se, nên dù có tranh luận đến mấy thì cả hai cũng chưa bao giờ phải đến mức kình cãi nhau cả.
* Một nữ doanh nhân vừa phải lo kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh “khốc liệt”, vừa vun vén cho hạnh phúc gia đình, chị có thấy vất vả?
- Hai con tôi hiện đều đang đi du học, một ở Mỹ, một ở Úc, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng. Nhà thiếu vắng con trẻ nên đôi lúc cảm thấy trống trải. Do vậy cũng phải biết cách tổ chức cuộc sống sao cho hợp lý, hài hòa. Sáng sáng, hai vợ chồng cùng nhau đi tập thể dục, ăn sáng và lên công ty. Chiều tối về, ông xã có nhu cầu học Anh văn để giao tiếp, tôi cũng học rồi thực hành giao tiếp với nhau. Nhưng khổ nỗi, học khó vô lắm vì dù sao tuổi cũng đã “cứng” rồi. Còn ngày nghỉ, chúng tôi cũng lên công ty nhưng trong tâm trạng thoải mái hơn nhiều: ăn sáng, uống cà phê với bạn bè, đồng nghiệp rồi mới đi làm.
BÀ HUỲNH THỊ NGA, PHÓ GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN NGUYỄN NGA LÂU:
Làm được 10 đồng hãy chia sẻ 1 đồng
Nghề làm bột nhang là nghề cha mẹ để lại nhưng đến tay anh chị Huỳnh Thị Nga thì quy mô, tầm vóc đã khác xa. Cơ sở bột nhang nhỏ bé ở Đập Đá (An Nhơn) ngày nào đã phát triển thành 4 xưởng sản xuất với diện tích 18.000m2 cùng hơn 300 nhân công. Sản phẩm bột nhang không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã vươn ra các thị trường Nhật, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ… với sản lượng 50-60 tấn/ngày, doanh thu 60 tỉ đồng/năm. Doanh nghiệp đã tạo công ăn, việc làm cho rất nhiều lao động nhàn rỗi, đặc biệt là phụ nữ ở địa phương với mức lương 1,8 - 2 triệu đồng/tháng (khoán sản phẩm) và 0,8 - 1,2 triệu đồng/tháng (làm theo thời vụ).
* Doanh nghiệp “nhỏ” của chị đã gặp những khó khăn gì khi vươn ra hội nhập?
- Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp của chúng tôi có những khó khăn về vốn, nhất là trong lúc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của mình, doanh nghiệp Nguyễn Nga Lâu đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất… Hiện nay, chúng tôi có đối tác nước ngoài muốn liên doanh, liên kết làm ăn nhưng do vẫn còn vướng về đất nên chưa thực hiện được. Chúng tôi rất mong được nhà nước “tháo gỡ” để tiếp tục phát triển…
* Ở An Nhơn, không chỉ những bạn hàng, những “VIP” mà cả những người nghèo, những đối tượng khó khăn cũng luôn tìm đến Nga Lâu?
- Những lúc rảnh rỗi, thư thái, chúng tôi hay tổ chức đi chơi, thăm hỏi bà con trong địa phương, những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… Ai gặp hoạn nạn, khó khăn chúng tôi đều có sự giúp đỡ. Năm qua, doanh nghiệp cũng đã tổ chức được bữa ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện huyện An Nhơn (mỗi ngày phục vụ 50-70 suất cháo, 2.000-3.000 đồng/suất)… Tôi cho rằng, những việc làm đó, không có gì là to tát cả… Quan niệm của tôi, làm từ thiện là được san sẻ, cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui và thoải mái. Cuộc sống của tôi có phần đỡ vất vả hơn nên chúng tôi muốn giúp những người khó khăn hơn mình và cũng là để lấy phước cho con. Chúng tôi làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng chứ không ai bắt buộc, cũng không cầu danh nên rất thoải mái. Một số bà con xung quanh địa phương, thấy vậy, nên có khó khăn gì cũng hay tìm đến vợ chồng tôi và giúp được họ cái gì, chúng tôi đều sẵn sàng.
* Trong số những người được giúp đỡ ai đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chị?
- Đó là một ông cụ bị mù lòa, đi bán vé số dạo cứ hay bị vấp, té. Cũng vì mù, nên mỗi ngày cụ cũng chẳng bán được bao nhiêu, bữa đói, bữa no… Mỗi tháng, tôi gởi thêm cho cụ 100 ngàn đồng và 10 kg gạo. Khó khăn gì, cụ cũng tìm đến chúng tôi. Rồi cụ được một hội từ thiện tài trợ mổ mắt. Trước khi mổ, cụ tìm đến tôi, xin vài trăm ngàn làm lộ phí và bồi dưỡng sức khỏe… Hôm sáng mắt, cụ đã tìm đến để được tận mắt nhìn thấy chúng tôi, coi chúng tôi như ân nhân.. Bây giờ, mắt sáng, cụ có thể đạp xe đạp đi bán vé số, không cần sự hỗ trợ của chúng tôi nữa. Nhìn cụ vui mà chúng tôi cũng cảm thấy vui lây…
* Cho đi là để nhận về! Phải chăng chị rất hài lòng với cuộc sống của mình?
- Tôi rất hạnh phúc vì có một người chồng biết cảm thông, chia sẻ. Có những người con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang (3 người con của chị Nga hiện đang du học ở Mỹ, Australia, Singapore), được bà con quanh vùng quý mến, công việc kinh doanh cũng thuận lợi, phát triển. Tôi không còn mong gì hơn, chỉ mong gia đình luôn khỏe mạnh để có thể sống vui vẻ và giúp đỡ cho mọi người. Làm được 10 đồng phải biết san sẻ 1 đồng…
BÀ TẠ THỊ HÒA - GIÁM ĐỐC KS HẢI ÂU:
Hội nhập kinh tế = Xây dựng, quảng bá thương hiệu + đào tạo nhân lực
* Theo bà, để có thể hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, DN cần phải làm gì?
- Theo quan điểm của tôi, bất cứ một DN nào muốn thành công đều phải xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khách càng biết đến nhiều, cơ hội thành công sẽ càng cao. Đối với DN đã có thương hiệu thì phải giữ vững và phát triển nó thành một thương hiệu mạnh. Riêng đối với KS Hải Âu được thành lập từ năm 1991 đến nay đã có một thương hiệu nhất định, bây giờ điều cần phải làm là duy trì và tiếp tục phát triển với phương châm “nâng cao chất lượng dịch vụ và bổ sung đa dạng và phong phú trên nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng cao”. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố không thể thiếu được. Nếu chất lượng phục vụ tốt nhưng cơ sở vật chất lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế thì khó lòng mà giữ vững được thương hiệu. Bởi vậy từ năm 2007 chúng tôi đã đưa vào sử dụng khu nhà cao tầng hiện đại nhà hàng - khách sạn đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nhân lực là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công của DN, những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng đến nhân tố này bằng việc đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên sâu bằng nhiều hình thức. Năm 2008, phải tập trung vào khâu còn yếu nhất của đơn vị đó là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBNV của khách sạn, nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp với khách. Tham vọng của chúng tôi là trở thành đơn vị đầu tiên ở Bình Định đạt tiêu chuẩn nghề của ngành dịch vụ du lịch. Đấy cũng là một tiêu chuẩn trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
* Làm công tác quản lý một khách sạn lớn trong khi vẫn phải chu toàn thiên chức người vợ, người mẹ trong gia đình. Vậy bà làm thế nào để hài hòa được cả hai?
- Cần phải biết sắp xếp thời gian hài hòa giữa việc công - việc tư, tránh tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh. Riêng tôi, hai con gái đều đã trưởng thành cả, nên có thể toàn tâm toàn ý lo cho công việc cơ quan hơn. Đấy cũng là một thuận lợi của tôi.
|