Ngày nay, nhiều người biết đến huyện miền núi Vĩnh Thạnh không chỉ là căn cứ của các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm mà còn là nơi sản sinh ra các công trình thủy điện hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần mang thêm nguồn sáng cho đời…
|
Sông Côn có các chi lưu bắt nguồn từ những dãy núi dốc đứng, tạo thành nhiều thác ghềnh và thung lũng, thuận lợi xây dựng các hồ chứa nước, thủy điện... Ảnh: Văn Lưu
|
* Thượng nguồn của những dòng sông
Vĩnh Thạnh là thượng nguồn của 3 con sông lớn, gồm: sông Kim Sơn (một nhánh của sông Lại Giang), sông La Tinh và sông Côn. Trong đó, sông Côn dài hơn 171 km bắt nguồn từ các dãy núi cao vùng K’Bang (Gia Lai) và huyện An Lão (trung tâm mưa lớn nhất của Bình Định), chảy xuyên suốt từ bắc đến nam huyện Vĩnh Thạnh, đưa nước về những cánh đồng của các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và đổ ra đầm Thị Nại. Sông Côn ở khu vực Vĩnh Thạnh có các chi lưu bắt nguồn từ những dãy núi cao dốc đứng, tạo thành nhiều thác ghềnh và thung lũng thuận lợi xây dựng các hồ chứa nước, tiềm năng thủy lợi, thủy điện dồi dào của tỉnh.
Sớm nhận ra điều đó, từ năm 1991 tỉnh đã cho xây dựng nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn với công suất 66 MW, sản lượng điện bình quân 300 triệu KW/giờ và năm 1994 nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Liên tiếp sau đó hàng loạt nhà máy thủy điện mọc lên, như: nhà máy thủy điện Định Bình (xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo), với công suất 6,6 MW, sản lượng điện bình quân hơn 32 triệu KW/ giờ, gồm 2 tổ máy, trong tháng 1.2008, tổ máy số 1 đã phát điện vào lưới điện quốc gia; nhà máy thủy điện Trà Xom (xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Hảo) gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp máy 20 MW, tổng vốn đầu tư trên 450 tỉ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm là 84,64 triệu KW/ giờ, đang thi công sẽ phát điện vào cuối năm 2009.
Hiện nay, một số nhà máy thủy điện khác đang được đầu tư xây dựng, như: nhà máy thủy điện nhỏ Đăk Ple (Vĩnh Sơn) sử dụng nguồn nước chuyển từ hồ B và C sang hồ A của thủy điện Vĩnh Sơn đang vận hành để phát điện, với công suất lắp máy là 3,2 MW; nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ (Vĩnh Hảo), tổng kinh phí đầu tư khoảng 133 tỉ đồng, với công suất 6MW, dự kiến sẽ khởi công xây dựng năm 2008, đến năm 2009 sẽ phát điện; ngoài ra, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đang đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng thêm các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 2, 3, 4, 5…
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho đến thời điểm hiện nay, đã có tổng cộng 11 dự án thủy điện hình thành trên địa bàn huyện. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc quy hoạch các thủy điện nhỏ và siêu nhỏ ở các huyện: Tây Sơn, An Lão, Vân Canh, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh. Vì vậy, trong tương lai không xa lại có hàng loạt nhà máy thủy điện nhỏ và siêu nhỏ tiếp tục mọc lên ở Vĩnh Thạnh…
|
Nhà máy thủy điện Định Bình đã phát điện vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Văn Lưu
|
* Cơ hội cho vùng đất khó
Chúng tôi vượt hơn 40 km trên con đường bê tông xi măng quanh co xuyên qua cánh rừng nguyên sinh từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn…, nơi mà hàng loạt nhà máy thủy điện đã và đang hình thành. Ở những nơi này, chúng tôi thấy rõ niềm vui trên từng gương mặt người và cảm nhận sự đổi thay từng ngày.
Từ trên cao nhìn xuống lòng hồ Định Bình, hồ chứa nước lớn của tỉnh, với dung tích 226 triệu m3, được đầu tư 1.074 tỉ đồng xây dựng từ năm 2004 đang trong giai đoạn hình thành, làm cho chúng tôi càng vững tin về một sự đổi thay lớn đối với Vĩnh Thạnh. Cụ Đinh Răng ở làng K6, xã Vĩnh Kim đang lui cui trỉa bắp từ bãi đất bồi dọc bờ sông Côn, cho chúng tôi biết: “Từ khi có nhà máy thủy điện mọc lên, rồi hồ Định Bình hình thành, bà con chúng tôi không còn lo hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng như trước đây. Con tôm, con cá cũng sinh ra nhiều hơn nên ban ngày bà con lên rẫy trồng cái đậu, trỉa cái bắp, chiều tối về thì chèo sõng ra hồ đánh bắt cá. Nhờ thế mà cái đói, cái nghèo dần lùi xa”.
Còn ông Đinh Ray, 78 tuổi, ở làng K4 (Vĩnh Sơn) thì tâm sự: “Dân làng chúng tôi gắn bó với cánh rừng này, với con sông, con suối này đã lâu lắm rồi. Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cho xây dựng các thủy điện để tận dụng nguồn nước vừa sản xuất điện, vừa phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho địa phương và vùng phụ cận, bà con chúng tôi ai nấy cũng vui cái bụng lắm”.
Chúng tôi đến Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Kim), nơi khởi đầu cho hàng loạt nhà máy thủy điện mọc lên. Đứng trên tháp hồ A, cao hơn 600 m so với nhà máy, chúng tôi thấy toàn bộ khu vực nhà máy như là một dấu chấm nhỏ nằm giữa bạt ngàn núi rừng. Chỉ khi đến gần nhà máy, nghe tiếng máy vận hành ầm ì, chúng tôi mới cảm hết quy mô lớn lao của nhà máy và như cảm nhận được dòng điện đang rần rật chảy từ nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia thắp sáng cho mọi nhà.
Ông Đinh Kiên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, phấn khởi nói với chúng tôi: “Từ khi có nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, con đường bê tông dài 40 km đã được hình thành, giúp cho nhiều người dân trong xã cũng như các xã lân cận đi lại được thuận tiện hơn. Một phần nông sản của đồng bào làm ra được đưa đi tiêu thụ tận nơi, hàng hóa từ miền xuôi đưa lên phục vụ người dân cũng đa dạng, phong phú hơn. Nay mai, hàng loạt nhà máy thủy điện mọc lên thì những con đường mới lại hình thành, đời sống mọi mặt của đồng bào cũng sẽ thay đổi”.
Các nhà máy thủy điện mọc lên trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh không những đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho việc phát triển nông-lâm-công nghiệp và du lịch cũng như các khu kinh tế của tỉnh mà còn góp phần dự trữ và điều tiết nguồn nước tưới cho hoa màu vùng hạ lưu; tạo điều kiện tốt cho việc nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi sinh, môi trường và phát triển du lịch.
Ông Trần Công Sý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nơi nào cơ sở hạ tầng phát triển, nơi đó kinh tế, văn hóa và đời sống người dân sẽ phát triển theo. Với hồ thủy lợi Định Bình và hàng loạt nhà máy thủy điện đang mọc lên, tôi tin rằng, những công trình này sẽ tạo thêm sức bật mới, một thế mạnh mới để Vĩnh Thạnh phát triển trong tương lai không xa”.
|
Công trình thủy lợi hồ Định Bình đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Văn Lưu
|
* Niềm vui chưa trọn
Mặc dù là nơi phát tích ra nhiều nhà máy thủy điện, hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng hiện nay ở Vĩnh Thạnh vẫn còn nhiều thôn chưa có điện lưới quốc gia, người dân phải sử dụng điện từ máy phát diesel. Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn chiếm tỉ lệ khá cao. Ông Đinh Năng, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, tâm sự: “Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn lấy nước từ sông Côn chúng tôi phát điện ra cho cả nước, vậy mà bao năm nay dân làng tôi lại phải trông chờ vào nguồn điện “xập xình xập xữ” từ máy diesel, buồn lắm. Mong rằng, Đảng và Nhà nước sớm quan tâm đưa điện lưới quốc gia đến làng tôi để bà con sinh hoạt và sản xuất, thoát khỏi cái nghèo”.
Theo ông Trần Công Sý, khi nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn đi vào hoạt động chỉ có 2 làng K2 và K4 được kéo điện từ nhà máy. Vì vậy, với những dự án thủy điện sau này, huyện sẽ cho xây dựng một số chính sách ràng buộc với các đơn vị đầu tư, nhằm đem lại những lợi ích cho người dân nơi đặt nhà máy. Cụ thể, đơn vị xây dựng nhà máy phải có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nơi có nhà máy, phải ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân địa phương… Có như vậy, niềm vui của người dân nơi đây mới được trọn vẹn.
|