Nông dân sẽ tiếp tục trồng dứa, nếu...
10:42', 9/3/ 2006 (GMT+7)

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội thảo mô hình trồng dứa Cayen tại 2 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Ngoài việc được tai nghe mắt thấy về hiệu quả kinh tế của cây dứa, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng chung quanh vấn đề đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dứa. Và điều đáng phấn khởi đầu tiên, theo nhiều đại biểu là nông dân vẫn đến với Hội thảo chứ không quay lưng dù rằng trong số đó nhiều người đến để giải tỏa nỗi ấm ức.

 

Dứa phát triển rất tốt nhưng năng suất quả lại rất thấp.

 

Trồng dứa - lãi thấp

Mô hình mẫu được triển khai từ năm năm 2004, diện tích 1ha, do hộ ông Võ Phước ở thôn Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) thực hiện. Đến nay, vườn dứa của ông Phước đang thời kỳ cho quả. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, tỷ lệ cây ra hoa tự nhiên và xử lý hoa có hiệu quả ước đạt 90%, trọng lượng trái bình quân từ 1kg-1,2 kg/cây, dự kiến năng suất đạt trên 40 tấn/ha. Để đạt được kết quả trên, ông Phước đã đầu tư 31,29 triệu đồng. Với giá bán 1.000 đồng/kg (quả loại 1), dự kiến gia đình ông có thu nhập 40 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lãi ròng 8,71 triệu đồng/ha. Mức lãi này theo nhiều nông dân là quá thấp.

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, dứa được các chuyên gia đánh giá là phát triển tốt, kết quả quan sát trực tiếp cũng thống nhất với nhận định này nhưng năng suất và hiệu quả của cây dứa thì thấp. 1 ha dứa trồng và chăm sóc gần 2 năm, nhưng chỉ lãi trên 8 triệu đồng là còn quá ít.

Bàn luận về vấn đề chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu, nhiều nông dân không đồng tình với cách làm của Công ty TPXK Bình Định trong thời gian qua. Ông Bùi Minh Đậu - chủ một nông hộ có trồng dứa ở xã Hoài Tân, cho biết: “Công ty hứa là sẽ thu mua sản phẩm cho bà con chúng tôi ngay cả khi nhà máy chưa xây dựng xong. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch, công ty đã để cho chúng tôi tự bơi. Đó là thất tín. Năm 2005, sau khi thu hoạch được trên 20 tấn dứa giống Cayen, gia đình tôi phải thuê xe vận chuyển bán cho nhà máy dứa Quảng Nam. Họ phân ra thành nhiều loại quả, chê bai đủ đường, nhưng cuối cùng chỉ mua có 3 tấn dứa với giá 1.000 đồng/kg, số còn lại họ trả lại. Phải đến khi tôi năn nỉ khô cả cổ, vừa bán vừa cho họ mới mới chịu mua dùm. Nhắc lại chuyện cũ, đến giờ tôi vẫn còn thấy tức....”

Những lời nói thẳng, nói thật rất nông dân của ông Đậu đã làm cho không khí hội trường nóng lên. Có ý kiến cho rằng, công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ trồng dứa, vì công ty đã phá vỡ hợp đồng thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn đưa ra ý kiến Công ty nên hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển dứa cho nông dân.

Phải cải tiến việc thu mua

Hội thảo mô hình trồng dứa Cayen ở huyện Phù Mỹ cũng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân trong huyện. Tại đây, những khó khăn, trăn trở trong việc trồng dứa cũng đã được các đại biểu giãi bày.

Phần lớn các ý kiến của nông dân cho rằng, chi đầu tư cho cây dứa quá cao, vượt quá khả năng tài chính của nông dân. Diện tích đất trồng dứa chưa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc vay vốn  trồng dứa gặp rất nhiều khó khăn. Đề cập tới vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ông Đặng Ngọc Thạch, một hộ trồng dứa ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc không dấu được bực tức. Ông Thạch kể: "Công ty đã đánh trống bỏ dùi, hứa thu mua sản phẩm cho nông dân nhưng lại không thu mua, làm cho chúng tôi khổ trăm bề. Cụ thể là năm 2003, công ty đã ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với gia đình tôi, diện tích 2,2 ha dứa Cayen. Nhưng khi thu hoạch dứa xong, công ty đã bỏ mặc, tôi phải chở dứa bán đổ bán tháo cho nhà máy dứa Quảng Nam. Bán không hết, cả gia đình phải đi bán lẻ từng trái, đến nay, tiền dứa vẫn chưa thu hồi hết. Trồng trên 2 ha dứa, gia đình tôi đã thâm túi trên 50 triệu đồng. Tôi đề nghị chính quyền địa phương cho  chuyển diện tích đất trồng dứa sang trồng các loại cây trồng khác và mong muốn được ngân hàng khoanh, giãn nợ vay trồng dứa cho gia đình”.

Nhiều hộ khác cũng cho cho rằng, Công ty thiếu trách nhiệm với người trồng dứa, làm mất lòng tin trong nhân dân.

Sẽ tiếp tục trồng dứa, nếu...

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng, để cây dứa mang lại hiệu quả, nông dân phải có khả năng về tài chính thực sự; lựa chọn đất đai phù hợp, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ cho nông dân về nhiều mặt, nhất là vấn đề cấp giấy sử dụng đất, tạo điều kiện cho bà con được vay vốn trồng dứa. Công ty TPXK Bình Định phải cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Ông Trần Minh Phúc, Phó giám đốc Công ty TPXK Bình Định đã thay mặt công ty nhận khuyết điểm với bà con nông dân trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác làm ăn lâu dài với các hộ trồng dứa. Công ty tiếp tục cho nông dân mượn chồi giống với thời gian 36 tháng, tính từ thời điểm mượn giống. Trong thời gian này nông dân phải trả cho công ty 2 chồi dứa đạt tiêu chuẩn, cùng chủng loại đã mượn. Công ty sẽ mua sản phẩm tại nhà máy, với giá loại 1 (quả từ 1 kg trở lên) là 1.000 đồng/kg, loại 2 (quả từ 0,5 kg đến dưới 1 kg) với giá 800 đồng/kg. Hiện nay, công ty đã cho chạy thử không tải nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu và sẽ chạy thử có tải và chính thức hoạt động trong tháng 3 này.

Ngoài cây dứa, công ty khuyến khích nông dân phát triển các loại cây trồng khác như dưa chuột, ngô bao tử... phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Nếu giá dứa quả tăng, công ty và người trồng dứa sẽ thống nhất giá cả thu mua hợp lý hơn.

Hội thảo mô hình trồng dứa Cayen thâm canh phủ bạt ở 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Mỹ có định hướng tạo diễn đàn để 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông được mắt thấy, tai nghe, cùng nhau tìm giải pháp thích hợp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, để chương trình xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu dứa mang lại hiệu quả hơn.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi,  nhiều nông dân cho biết - Nếu công ty thực hiện đúng cam kết nông dân sẽ "nghe lời" các nhà khoa học để tăng năng suất dứa. Nhưng nếu Công ty TPXK Bình Định không thực hiện đúng cam kết, không giải quyết rốt ráo những tồn tại cũ chưa biết chương trình phát triển cây dứa của tỉnh ta sẽ như thế nào.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phải dự phòng phương án 2 nếu Chính phủ cho xây dựng nhà máy lọc hóa dầu  (09/03/2006)
Năm 2020 tỉnh Bình Định sẽ có thêm 4 thị xã  (09/03/2006)
Dịch rầy nâu đang được khống chế hiệu quả  (09/03/2006)
Cát Khánh: Trăn trở với nghề muối  (09/03/2006)
Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu thiếu nguyên liệu  (09/03/2006)
Lối ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ  (09/03/2006)
Chúng tôi đã sẵn sàng khởi động các dự án  (09/03/2006)
Chuyển giao con giống ong ký sinh diệt bọ hại dừa cho địa phương  (08/03/2006)
VCCI hỗ trợ doanh nghiệp Bình Định ứng dụng CNTT  (08/03/2006)
Khắc phục sa bồi thủy phá ở Phù Cát: Khó khăn vì thiếu kinh phí  (07/03/2006)
An Nhơn trên đường đô thị hóa  (07/03/2006)
Một công ty của Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Bình Định   (06/03/2006)
Bình Định xếp thứ 36/64 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài   (06/03/2006)
25 doanh nghiệp xuất khẩu tốt được đề nghị khen thưởng   (06/03/2006)
Triển vọng khả quan   (06/03/2006)